Mất nhà vì sạt lở núi: 2 phụ nữ nương nhờ hàng xóm, mong chỗ ở mới

Lê Hoài Nhân
Lê Hoài Nhân
10/11/2022 14:02 GMT+7

Vụ sạt lở gần một tháng trước đã đẩy hai hộ dân sống dưới chân núi Phước Tượng (Thừa Thiên - Huế) rơi vào cảnh mất nhà. Những ngày này, họ mượn một góc của nhà hàng xóm để sống tạm và mong mỏi sớm có nơi ở mới.

PV Thanh Niên có mặt tại hiện trường vụ sạt lở đất kinh hoàng (xảy ra đêm 14.10), nơi căn nhà của bà Nguyễn Thị Đào (62 tuổi, ở thôn Trung Phước Tượng, xã Lộc Trì, H.Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) bị vùi lấp.

Hai gia đình lâm vào cảnh vô gia cư sau đêm sạt lở kinh hoàng
Bà Đào bên căn nhà bị đất đá vùi lấp sau vụ sạt lở

LÊ HOÀI NHÂN

Những ngày này, căn nhà dưới chân núi của bà Đào vẫn đang cảnh tan hoang, bị vùi lấp nhiều ngày dưới lớp đất đá.

Đứng bên kia đường, bà Đào đăm chiêu nhìn sang gia tài duy nhất của mình nghẹn giọng: “Trước đêm xảy ra sự việc, mẹ con tôi đi tránh nạn nên không kịp mang theo gì, chỉ kịp lấy 2 bộ áo quần, 2 tô cơm, còn lại bao nhiêu tài sản, di ảnh của người thân tôi vẫn đang nằm trong đó”.

Hiện trường căn nhà bị vùi lấp

LÊ HOÀI NHÂN

Gần một tháng nay, hai mẹ con bà xin một góc nhỏ trong nhà của hàng xóm để làm nơi ở tạm. Từ khi sự cố sạt lở xảy ra, chưa đêm nào người phụ này ngon giấc vì canh cánh nỗi lo tìm một nơi ở mới.

Ngôi nhà trong đống đất đá kia trước đây là tổ ấm của bà và người con trai út. Cuộc sống thường ngày của 2 mẹ con vốn đã vất vả, khi thu nhập chỉ dựa cả vào tiền công ít ỏi của con trai làm thợ xây. Bản thân bà cũng mất khả năng lao động hơn 11 năm nay vì chứng bệnh đa khớp mãn tính. Hoàn cảnh ngặt nghèo lúc này khiến việc xây dựng lại một căn nhà mới với bà là điều không thể.

“Từ khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương và bà con làng xóm thương tình đã mang mì tôm, áo quần đến cho. Bây giờ tôi chỉ mong các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ cho mẹ con tôi có một nơi ở mới. Như thế nào cũng được, chỉ cần có nơi chui ra chui vào”, bà Đào nói.

Căn nhà của bà Cái Thị Trà nằm trong khu vực sạt lở đất

LÊ HOÀI NHÂN

Chung cảnh ở nhờ sau vụ sạt lở đất, bà Cái Thị Trà (74 tuổi, nhà ở sát bên nhà bà Đào) cũng đành chấp nhận bỏ nhà đi lánh nạn, vì lo tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Sống neo đơn trong căn nhà này đã mấy chục năm, nhưng đây là lần đầu tiên bà Trà chứng kiến cảnh tượng sạt lở kinh hoàng và hậu quả dai dẳng.

“Sống trong cảnh có nhà mà không ở được khổ lắm. Bây giờ nhà bà Đào sập rồi thì tôi cũng chả dám sống ở đây nữa. Thân già một mình, xin ở nhờ nhà người ta cũng đau lòng lắm, ăn không ngon ngủ không yên, chỉ mong sao có được nơi ở mới”, bà Trà than thở.

Bà Cái Thị Trà bên ngôi nhà bị đe dọa sạt lở

LÊ HOÀI NHÂN

Để có chỗ qua đêm, bà Trà xin nhờ một phần trước hiên nhà hàng xóm để che tạm tấm bạt tránh mưa tránh nắng.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Cái Trọng Như, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì (H.Phú Lộc), cho biết xã đã báo cáo tình hình lên UBND huyện và trước mắt lãnh đạo huyện giao xã Lộc Trì tìm đất để tái định cư cho gia đình bà Nguyễn Thị Đào.

“Xã cũng đã tìm ra khu vực đất để bố trí định cư, hiện đang chờ huyện chỉ đạo các ngành chức năng cắm mốc, phân lô. Xong các thủ tục sẽ mời bà Đào lên chọn đất để làm nhà cho bà”, ông Như nói.

Riêng với trường hợp của bà Cái Thị Trà có nhà trong khu vực sạt lở đất, UBND xã Lộc Trì cũng đang làm tờ trình để báo cáo lên UBND huyện sớm có phương án di dời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.