Mất nhiều thời gian để mua thịt, rau ở siêu thị

30/07/2021 06:38 GMT+7

Xếp hàng chờ lâu, nhiều nơi thịt heo, thịt gà hết hàng khiến không ít người dân TP.HCM vẫn gặp khó khi mua thực phẩm.

Mất 5 giờ để mua thịt, rau

Dù không ùn ùn đi mua lương thực như những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhưng người dân TP.HCM vẫn gặp khó khăn khi mua hàng. Hôm qua 29.7, ngay từ sáng sớm, chị Hòa (Q.Bình Thạnh) đã phải rồng rắn xếp hàng để mua vài miếng thịt tại cửa hàng thịt Hà Hiền trên đường Lê Quang Định. Sau hơn 1 giờ chờ đợi, chị hồ hởi khoe: “Mua được thịt còn mừng như bắt được vàng. Cửa hàng này tương tự như Vissan, bán giá lẻ như giá sỉ và ổn định nên mọi người xếp hàng chờ mua rất đông. Nhiều cửa hàng nhỏ nếu chờ lâu thì vào trong đã hết sạch mà có nơi còn tăng giá”.
Trong khi việc mua thịt heo ở siêu thị, cửa hàng gặp nhiều khó khăn thì một số cá nhân bán qua mạng vẫn có nguồn thịt ổn định. Chị K.N (bán hàng trong nhóm Chợ Cô Ba) cho biết cửa hàng bán heo nóng nên khách hàng đặt thịt heo ngày hôm trước thì hôm sau sẽ giao đến tận nhà.
Heo được chuyển từ Đồng Nai lên và mấy hôm nay giá thịt heo trên thị trường tăng hằng ngày. Thế nhưng cửa hàng vẫn giữ giá heo không tăng như ba chỉ giá 180.000 - 200.000 đồng/kg, sườn cốt lết từ 150.000 đồng/kg, sườn non 220.000 đồng/kg, nạc dăm 160.000 đồng/kg ... Cửa hàng không hạn chế số lượng đặt hàng như những nơi khác nhưng nếu khách có nhu cầu đặt nhiều thì báo trước để cửa hàng chuẩn bị. Riêng đối với hàng thịt heo chuyển từ khu vực miền Trung vào đến TP.HCM có giá cao hơn từ 20.000 - 50.000 đồng/ký do chi phí vận chuyển tăng, chẳng hạn thịt ba chỉ 300.000 đồng/kg, sườn non 300.000 đồng/kg, nạc dăm 220.000 đồng/kg...
Trưa 29.7, nhân viên bảo vệ Co.op Food Nguyễn Thông (Q.3, TP.HCM) thông báo cho khách hàng đang đứng xếp hàng chờ bên ngoài là phía trong siêu thị hiện đã hết thịt heo. Thông báo này nhằm giúp những ai có nhu cầu mua thịt heo thì có thể tìm điểm khác vì phải xếp hàng khoảng 30 phút mới vào được bên trong. Ở Lotte Mart Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) cũng tương tự. Sau khi chờ gần 40 phút xếp hàng mới vào được bên trong lúc 12 giờ trưa, chị Ngọc Loan vội đến quầy thịt heo, thịt gà nhưng hầu như quầy trống trơn. Chị vớt vát kịp mua được 2 khay cánh gà, vài miếng thịt cốt lết và một miếng đùi heo là hết luôn. Đi loanh quanh mua rau, trái cây khoảng 1 giờ quay lại quầy thịt để hỏi mua thịt heo xay, sườn non thì vẫn chưa có. Nhân viên quầy nói chắc mai mới có hàng về nữa vì buổi chiều thường không xay thịt kịp. Không thể chờ thêm nên chị Ngọc Loan đành mua một vỉ thịt bò xay, vài vỉ tôm, con cá điêu hồng. Nhưng ra quầy tính tiền thì chị phải ôm bụng đói chờ thêm hơn 1 giờ mới đến lượt.
Đó cũng là tình cảnh chung trước siêu thị Co.opmart Nhiêu Lộc (Q.3), một người phụ nữ khoảng 60 tuổi vừa đẩy xe hàng ra ngoài than thở đã mất 5 giờ xếp hàng, mua sắm, tính tiền mới ra được khỏi siêu thị. Mỗi lần đi, mỗi lần khó nên cũng định mua nhiều thực phẩm nhưng siêu thị hạn chế, chẳng hạn như thịt heo ba chỉ mua được 1 kg, còn các loại khác như xương, giò mua bao nhiêu cũng được; trứng gà ta 1 vỉ, riêng đối với trứng gà công nghiệp thì mua bao nhiêu cũng được...
Trong khi nhiều loại rau củ ở các siêu thị lớn vẫn dồi dào thì tình trạng có khi hết hàng tiếp tục diễn ra tại nhiều cửa hàng nhỏ. Nhất là nhiều phường, quận người dân đã được phát phiếu chia ngày đi mua thực phẩm thì đôi khi chỉ được đi ở một vài điểm bán gần nhà nên sẽ gặp khó hơn.

Rau xanh, hải sản vẫn phong phú

Siêu thị, cửa hàng khẳng định không thiếu thịt cá

Tình trạng khách hàng trở nên đông hơn ở các siêu thị trong 2 - 3 ngày qua có liên quan đến việc các siêu thị buộc phải đóng cửa sớm từ 16 - 17 giờ hằng ngày. Đồng thời việc thiếu người giao hàng (shipper), không được giao khác quận... khiến cho nhiều đơn hàng online bị hủy bỏ càng khiến nhiều người dân phải ra xếp hàng chờ mua thực phẩm thiết yếu ở các cửa hàng, siêu thị. Bên cạnh đó, thông tin về khả năng Công ty Vissan có thể dừng một phần hoạt động giết mổ do có nhiều công nhân nhiễm Covid-19 càng khiến người tiêu dùng lo lắng. Hiện tượng mua thịt heo, thịt gà tăng cao trong 2 ngày qua. Đại diện siêu thị Co.opmart cho hay có một vài nơi người dân mua thịt nhiều hơn nên quầy thịt hết sớm. Tuy nhiên, hệ thống này đã tăng thêm lượng thịt gà và thủy hải sản cùng thịt heo đông lạnh của Feddy để đảm bảo nguồn cung cho khách hàng. Đồng thời, hệ thống cũng đã làm việc với các nhà cung cấp khác như Anh Hoàng Thy và Nam Phong để đảm bảo gia tăng nguồn cung khi khách hàng có nhu cầu.

Phải ưu tiên cho nông sản lưu thông

Thu hoạch và vận chuyển nông sản còn nhiều bất cập là nội dung được nhiều địa phương phản ánh tại diễn đàn trực tuyến Kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt tại các tỉnh phía nam đang thực hiện giãn cách xã hội, do Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT tổ chức chiều 29.7.
Theo ông Châu Tiến Thọ, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, lúa hè thu của địa phương này có sản lượng khoảng 800.000 tấn, đã thu hoạch 40%. Vấn đề là lúa thu hoạch xong nhưng thương lái không thể đến mua. Nhiều nơi nông dân còn không được ra đồng, nếu không giải quyết được tình trạng này có thể làm "đứt gãy" vụ thu đông, ảnh hưởng đến nguồn cung lúa gạo. Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng thì cho biết nhiều loại trái cây khác đã vào mùa thu hoạch. Thương lái đi thu mua bằng ghe qua nhiều tỉnh khác nhau, nếu không tạo điều kiện cho họ thì nông sản sẽ dồn ứ, khó ra thị trường.
Ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT-TT, cho rằng chính các địa phương đang làm khó mình trong sản xuất, tiêu thụ nông sản bằng những quy định không thống nhất. Theo ông Tuấn, dù thực hiện Chỉ thị 15, 16 để chống dịch nhưng Chính phủ cho phép linh hoạt để duy trì sản xuất. Ông Tuấn cũng lấy ví dụ ở Bắc Giang, khi đang có dịch Covid-19 nhưng địa phương này vẫn tiêu thụ hàng trăm nghìn tấn vải thiều, không dồn ứ. Các tỉnh phía nam nên học hỏi Bắc Giang, chẳng hạn nếu trung chuyển thì có xe nằm vùng chuyển hàng ra ngoài, trong khi nông dân vẫn thu hoạch, nếu thực hiện các biện pháp chống dịch.
Cũng tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, từng tỉnh phía nam cũng phải có luồng xanh, tạo điều kiện, ưu tiên cho nông sản lưu thông. Theo kinh nghiệm của Bắc Giang, Sở NN-PTNT phối hợp với Sở Y tế, Sở Công thương chịu trách nhiệm ký xác nhận tính an toàn cho các lô hàng từ khi thu hoạch, đóng gói; lái xe vận chuyển thực hiện quy định phòng dịch Covid-19 để khơi thông những đứt gãy trong chuỗi cung ứng.
Phan Hậu
Tương tự, đại diện một hệ thống cửa hàng thực phẩm cũng cho hay có xảy ra tình trạng hết thịt heo cục bộ do mặt bằng nhỏ, nhưng lượng hàng vận chuyển bổ sung không kịp vì các phương tiện vận chuyển cũng phải qua nhiều chốt kiểm soát hơn trước. Theo ông Bùi Trung Chính, Giám đốc thu mua ngành hàng thực phẩm, Công ty TNHH Aeon Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị này chưa ghi nhận bất kỳ khó khăn nào từ phía các nhà cung cấp trong việc cung ứng thịt heo. Ví dụ tại siêu thị Aeon Tân Phú, mỗi ngày siêu thị vẫn duy trì nhập vào trung bình khoảng 3 - 4 tấn thịt heo tươi. Các siêu thị Aeon đã chủ động tăng lượng dự trữ các mặt hàng bảo quản lạnh được chế biến từ thịt, như xúc xích, giò chả... để đáp ứng nhu cầu mua lương thực, thực phẩm của người dân.
Trước đó từ tối 28.7, Sở Công thương TP.HCM cho biết thị trường thành phố bình thường tiêu thụ khoảng 10.000 con heo mỗi ngày nhưng từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, lượng thịt gia súc tiêu thụ giảm còn ở mức 5.000 - 6.000 con. Có ngày lượng cung ứng còn giảm xuống mức 4.500 con. Khi Vissan có thông báo tạm ngưng cung ứng mặt hàng thịt khay để củng cố công tác phòng chống dịch tại nhà máy, việc cung ứng nguồn thịt cho các hệ thống phân phối có tạm gián đoạn và thay đổi. Nhưng đại diện Sở Công thương cho rằng trên bình diện tổng thể TP không có ảnh hưởng lớn do nguồn cung từ các địa phương rất dồi dào. Hiện Vissan đang cung cấp mỗi ngày khoảng 600 con heo, tương đương 10% tổng lượng cung của TP và vẫn đang hoạt động bình thường. Hơn nữa, bên cạnh Vissan, các đơn vị cung ứng khác như Sagrifood, Masan, Anh Hoàng Thi, CJ, CP, Feddy... hiện vẫn còn dư thừa công suất và năng lực cung ứng sẽ có kế hoạch bù đắp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.