Mất sóng - Truyện ngắn của Ý Nhi

14/07/2019 06:17 GMT+7

Nhưng bạn không thể làm gì hơn trong môi trường mất tín hiệu, bạn không thể chuyển sang một tình huống khác…

Sáng nay ông dậy muộn.
Choàng tỉnh đã thấy một tia nắng xuyên qua khe cửa, rọi thẳng vào đầu giường, đúng ngay chỗ cuốn sách ông đang đọc. Ông liếc nhìn bìa sách: Từ ánh sáng đầu tiên.
Ông dụi mắt, nhìn lại cuốn sách. Ngoài tên Ernest Hemingway và nhan đề tác phẩm được in trên một bìa sách khá màu mè, ông không nhớ bất cứ điều gì đã đọc. Ông với tay bật ngọn đèn đầu giường, mở trang sách gấp làm dấu. Trang 75: Mary đã đến bìa lùm cây nơi nàng có thể bắn, chúng tôi ngắm Charo quỳ gối, Mary nâng khẩu tiểu liên lên, cúi đầu. Chúng tôi nghe tiếng nổ âm thanh của viên đạn cắm vào xương con thú hầu như cùng lúc thấy hình dáng đen bóng của con thú vọt lên trên không rồi nặng nề rơi xuống nằm nghiêng một bên. Những con kia nổ bùng thành một cuộc phi nước đại rào rào, chúng tôi chạy về hướng Mary, Charo và cái mô đen nơi đồng cỏ. Mary, Charo đang đứng gần con thú vừa bị hạ khi tất cả chúng tôi đều ra khỏi xe săn. Charo rất vui sướng rút con dao săn ra. Mọi người đều nói “Piga mzuri, Memsahib.Mzuri. Mzuri, sana”…
Trời đất, ông gần như rên rỉ, Mary, Charo, con thú, tiểu liên, xe săn, đồng cỏ… là cái gì vậy. Không một tên người, một cảnh trí, một chuyển động nào gợi lại trong ông những gì ông đã đọc. Tất cả là một khoảng trống.
Ông miết đầu ngón tay vào chỗ gấp ở trang 75 cho thật phẳng phiu, gập sách, đặt ngay ngắn ở đầu giường, bên cạnh chiếc gối rồi xoay người để trở dậy. Một tiếng khục khô gọn ở đâu đó trong cơ thể và xương bả vai đau nhói lên. Rồi, ông làu bàu, không rõ “rồi” điều gì.
***
Trời đã sang thu. Dù ban ngày còn nắng nóng, đêm đã thật sự dịu mát và buổi sớm mai thì thật dễ chịu.
Ông yêu thích những buổi sáng thanh sạch này.
Sau khi trở dậy, công việc đầu tiên của ông là đến mở ô cửa sổ trông về hướng đông của căn phòng nhỏ trên tầng ba một chung cư cũ. Ông thường đứng hồi lâu, tì tay lên bệ cửa, nhìn ra khoảng không trước mặt, nơi có một ngôi trường tiểu học nằm lọt thỏm trong khu dân cư đông chật. Lúc đầu, ông cảm thấy có một chút gì không ăn nhập giữa ngôi trường khang trang và những căn nhà lợp tôn ken chặt xung quanh. Nhưng lâu dần, ông lại thấy chính ngôi trường đã đem lại niềm vui, sự sinh động cho cái xóm nghèo ấy. Sáng sáng ông đón nhìn lũ trẻ ùa vào cổng trường, chen lấn, xô đẩy, cười nói ríu ran. Ngày nào ông cũng lắng nghe tiếng trống báo giờ vào lớp, giờ ra chơi, giờ tan trường, lâu dần, cứ bằng vào đó mà lo công việc của mình, ăn sáng, dọn dẹp nhà cửa, đọc sách, lo bữa trưa, bữa chiều.
Vài tuần nay, phía bên trái ngôi trường, ngay gần gốc phượng lớn, mọc lên một căn nhà. Nhóm thợ xây chỉ bốn năm người mà chạy lên chạy xuống, kêu réo nhau nhộn nhạo, ồn ã như những chú sóc. Căn nhà cao lên từng lúc. Vài ngày nay đã nhìn thấy hai ô cửa sổ được mở ra ở bức tường phía đông, đúng tầm nhìn của ông. Những mảng tường gạch đỏ thắm làm ông nhớ tới ngôi nhà bên hồ ông từng nhìn thấy từ ngày còn nhỏ. Ông thấp thỏm không biết khi nào thì những lớp sơn Dulex, Candy, Benzo, Dipo, Expo, Lama, Domek… sẽ phủ kín cái khối màu đỏ thắm đang ngày một cao dần lên kia.
Gia đình ông ở ngoại ô một thành phố lớn. Không hiểu từ khi nào, trên tuyến đường dẫn từ ngoại ô vào thành phố đã mọc lên một khu đô thị mini. Chỉ dài hơn cây số mà cái đô thị xinh xắn ấy gần như không thiếu bất cứ thứ dịch vụ cần thiết nào. Hiệu may, hàng vải, hiệu bánh ngọt, hàng giò chả, quán phở, hiệu cắt tóc… nằm san sát nhau. Căn phòng vẽ truyền thần của bố ông nằm giữa hiệu may và hiệu cắt tóc. Bảng hiệu của tiệm may có một người đàn ông mặc veston màu mận chín cầm cái kéo lớn giơ lên. Bảng hiệu của tiệm cắt tóc thì vẽ một người đàn ông trẻ mặt đỏ hồng với mái tóc bồng lên điệu đà. Bố ông chỉ ghi đơn giản hai chữ Truyền thần màu nâu sẫm trên nền tấm bảng trắng, đặt xéo trước cửa nhà, phía hiệu may. Ông chưa kịp hỏi bố về việc ông học nghề từ ai, tại sao ông chọn nghề truyền thần thì bố ông đã ra đi, sau một cơn cảm sốt tưởng như vô hại, khi mới ngoài tuổi ba mươi. Mẹ ông kể, cuộc gặp của cha mẹ ông bắt đầu bằng việc cô gái đến nhờ vẽ lại bức ảnh của ông nội. Dù không hiểu biết nhiều về nghề nghiệp cũng như những mong muốn của chồng về tương lai đứa con trai duy nhất, sau này, khi thấy con yêu thích hội họa, bà vẫn chạy vạy đủ cách để lo cho con đi thi hết lần này đến lần khác. Sau lần thứ ba bị loại, ông quyết định bỏ hẳn ước mơ làm họa sĩ và trở thành kỹ sư xây dựng.
Hồi đó, chưa có scan, chưa có photoshop, chưa có kỹ thuật phục hồi ảnh cũ... nên cửa hiệu của bố ông khá nhộn nhịp. Người ta đem đến những bức ảnh nhỏ xíu của các cụ ông cụ bà mặc quần trắng, áo dài đen, ngồi đĩnh đạc trên ghế tựa, hai bàn tay xòe ra đặt ngay ngắn trên đầu gối. Cụ nào cũng giống cụ nào. Bố ông cầm chiếc kính lúp, nhìn rất lâu vào mỗi bức ảnh trước khi đặt bút vẽ. Ông ngồi bên cạnh, nín thở nhìn từng nét bút của bố. Thi thoảng bố ông dừng bút, nhấp một ngụm trà đặc, rít một hơi thuốc lào rồi quay nhìn thằng con trai bé nhỏ của mình. Có lần, nhìn vẻ chăm chú của đứa trẻ, ông hỏi, con có biết khó nhất là vẽ cái gì không. Thằng bé ngọng nghịu, hông. Ông bật cười thành tiếng, đôi mắt, là đôi mắt con ạ. Vẽ đôi mắt hỏng là coi như bức vẽ bỏ đi. Quần áo, giày dép gì cũng có thể sửa nhưng đôi mắt thì không. Vẽ một lần thôi. Ông chỉ tay vào một bức ảnh, giảng giải, con nhìn đôi mắt của cụ ông này này, đôi mắt tuy nhỏ nhưng rất sáng và có uy lực. Cụ này khi giận, nhìn người đối diện là họ phát run lên đấy. Sau này, khi ông lớn hơn, người cha còn đôi ba lần giảng giải cho ông về hai chữ Truyền thần. Ông bảo, cái Thần ấy chính là đôi mắt...
Lý thuyết về đôi mắt ám ảnh ông đến nỗi ông phải lòng ngay lần gặp đầu tiên người phụ nữ có đôi mắt đen và rèm mi dày dặn.
Nhưng điều ông ghi nhớ sâu đậm nhất không phải là nghệ thuật vẽ truyền thần mà là những buổi ngồi sau chiếc xe đạp của cha để giao hàng cho khách trong thành phố. Trên quãng đường mươi cây số ấy chú bé tha hồ nhìn ngắm cây cỏ, nhà cửa, sông nước. Gần mặt hồ rộng, nước trong vắt in dấu những chùm hoa ban tím, có một biệt thự ba tầng, mái nhọn và những bức tường gạch màu son đỏ. Bố ông bảo ngôi nhà ấy vốn của một thương gia người Anh và đã vài lần đổi chủ. Ông không sao hiểu được bằng cách nào màu gạch ấy vẫn tươi đỏ sau bao nhiêu mưa nắng bão gió của vùng nhiệt đới. Chiều nọ, trên đường trở về, ông xin bố dừng xe để đến gần ngôi nhà nhưng rồi chú bé lên mười đã ỉu xìu thất vọng. Từ ngoài đường, tưởng chừng ngôi nhà rất gần nhưng thực ra nó nằm sâu sau những ngôi nhà khác. Ông loay hoay một lúc vẫn không tìm thấy lối vào. Cuộc thám hiểm bất thành khiến ngôi nhà trở nên bí ẩn và có một hấp lực đặc biệt với đứa trẻ. Những quý ông sang trọng đội tóc giả, những quý bà váy xòe rộng, những tiểu thư đẹp như tiên, những đứa bé trai mặc quần ống chẽn, những đứa bé gái mặc váy màu hồng, thắt nơ cũng màu hồng… đi lại, trò chuyện nô đùa… Rồi một tên ác quỷ bất ngờ hiện ra trong đêm giao thừa, phá tan bữa tiệc và tàn sát những con người… Chỉ có hai đứa trẻ đang mải chơi phía sau nhà, dưới một gốc mận đầy quả chín, trốn thoát… Chúng lớn lên, chu du thiên hạ, rèn giũa võ nghệ để báo thù nhưng khi chúng trở về, một gia tộc khác đã cư ngụ trong ngôi nhà, ác quỷ đã bị chính họ tiêu diệt… đứa bé trai nay đã thành một tráng sĩ, kết hôn cùng cô con gái xinh đẹp của gia chủ… Cơ man là những câu chuyện cổ tích nảy ra trong đầu óc non dại của chú bé. Bố chú nhận ra vẻ tư lự của con nhưng dò hỏi cách nào cũng chỉ nhận được sự im lặng. Dồn ép quá thì chú cúi gằm mặt, ứa nước mắt. Chú muốn giữ những giấc mơ cho riêng mình.
Khi bố mất, mẹ ông đưa con về ngoại, tận một tỉnh trung du, nơi đại gia đình đi tìm kế sinh nhai bằng việc trồng đậu tương cho một cơ sở làm sữa đậu nành.
Nhiều năm sau khi có dịp về thành phố, ông mới lại nhìn thấy ngôi nhà. Nó vẫn vậy, chỉ có những giấc mơ của ông thì đã mất tăm mất dạng như chưa hề hiện hữu. Giờ đây ông nhìn ngôi nhà với đôi mắt của một kỹ sư xây dựng, người mơ có một loại gạch giữ nguyên màu tươi đỏ trước mọi thách thức của tự nhiên. Ông đã đến hầu khắp những ngôi tháp Chăm rải rác dọc Nam Trung bộ. Đêm nọ, khi nghỉ lại gần M, ông mơ thấy một ông lão mặc áo trắng phủ gót, đội khăn trắng, nước da đen sạm, ánh nhìn nghiêm nghị, chỉ dạy cho ông cách làm nên những viên gạch kỳ lạ và cách xây nên những tòa tháp đồ sộ mà không cần vôi vữa. Ông đã đứng trên nền đất đầy sỏi đá, cúi đầu cảm tạ ông già nhưng khi tỉnh dậy, ông không còn nhớ lại bất cứ điều gì. Ông gọi đó là giấc mơ thời trai trẻ.
***
Sau hồi vật lộn với mấy trang sách, ông bước khật khưỡng về phía ô cửa sổ. Vừa chạm vào then cửa, ông bỗng dừng sững lại, buông thõng tay.
Vào một lúc nào đó trong đêm, ông mơ thấy ngôi nhà đang xây ngoài kia bỗng sụm xuống, không một tiếng động, không một làn khói bụi…
Ông ghé mắt nhìn qua khe cửa. Chỉ là một mảng xanh lấp lóa trước khoảng sáng chật hẹp. Có lẽ đó là cành lá của mấy cây me bên ngoài bức tường chung cư đong đưa trong gió sớm.
Ông xoay mình đi vào bếp. Lại một tiếng khục khô gọn nhưng lần này không nhận ra cơn đau nằm ở đâu.
Loay hoay một lúc với xoong nồi bát đĩa ông vẫn không lo được bữa sáng. Nhấc thứ này lên, đặt thứ kia xuống, mở tủ, đóng tủ, lấy thứ này, cất thứ nọ, đầu óc luẩn quẩn giấc mơ. Dạo này, những giấc mơ của ông thường gãy vụn, mơ hồ, không hình ảnh nào sắc nét, không câu chuyện nào mạch lạc. Đêm mơ đủ mọi thứ mà sáng ra, đầu trống rỗng. Chẳng hiểu sao hình ảnh căn nhà lặng lẽ sụm xuống trong giấc mơ đêm qua lại rõ ràng như đang xảy ra ngay trước mặt ông vào lúc này. Ông còn nhớ khi ấy, hai chân ông lạnh buốt như thể đang đứng trên một độ cao kinh khủng mà phía dưới là khoảng không vô tận.
Ông liếc nhìn đồng hồ treo tường.
Bảy giờ kém mười. Lẽ ra, tiếng trống trường đã phải vang lên cách đây hai mươi phút. Lẽ ra, đã có thể nghe thấy tiếng lao xao của lũ trẻ, lẽ ra tiếng xe tiếng người ngoài xa kia đã ầm ầm như sóng vỡ...
Sự yên tĩnh khác lạ khiến ông rùng mình.
Ông quyết định đi đến và mở cửa sổ. Nó sụm xuống thì sao. Báo chí đã chẳng nói ra rả về những ngôi nhà đang xây bỗng đổ ập xuống, một mảng tường rào kiên cố bỗng vỡ vụn ra đó sao, huống nữa, đây chỉ là hình ảnh trong một cơn mơ, ông tự trấn an. Ấy vậy mà, khi chạm vào then sắt cài cửa, ông bỗng thu tay lại vì lạnh. Lạnh đến nỗi tay tê buốt rồi thấm dần vào cơ thể như gặp phải một luồng gió đông bắc cực mạnh vậy.
Chính giây phút ấy, ông nhớ đến buổi sáng sau ngày vợ ông ra đi. Nó cũng yên tĩnh kỳ lạ như hôm nay, chỉ có điều là ở một căn nhà khác, một thành phố khác, một mùa khác.
Không xích mích, không dằn dỗi, vợ ông bất ngờ nói đến việc ra đi sau bữa cơm chiều, khi hai người ngồi uống trà. Thoạt tiên, ông nghĩ đó là một cách trêu đùa của bà nhưng nhìn nét môi mím chặt và hàng mi dày hạ xuống che khuất ánh nhìn khiến ông hiểu rằng đó là một sự việc nghiêm trọng. Ông đã không dò hỏi, không tranh luận.
Cuộc hôn nhân của họ quả là đã lặng lẽ sụm xuống, như ngôi nhà trong giấc mơ ấy, không tiếng động, không khói bụi.
Tất cả giấy tờ, thư từ, tranh ảnh của một thời, ông gói ghém cất vào ngăn tủ cao nhất, khóa bằng một chiếc khóa nhỏ, kiểu thường dùng cho những chiếc va li. Khi dời nhà, ông mang chúng theo rồi lại cất vào ngăn tủ mới. Thi thoảng, khi mở tủ, ông cũng nhìn lên cái ngăn nhỏ trên cao ấy nhưng không khi nào mở ra cũng như không khi nào nói với các con về câu chuyện của cha mẹ. Lâu dần, ông gần như quên cái ngăn tủ trên cao ấy.
Sáng nay, bỗng dưng ông muốn ngồi đọc lại, xem lại một lần rồi sẽ hủy bỏ chúng vĩnh viễn.
Khi kéo ngăn bàn thường để các vật dụng linh tinh như tuốc nơ vít, kềm, búa, bút thử điện… ông gần như thất kinh khi trông thấy mấy cái ổ khóa và hàng vốc chìa khóa, đủ kích cỡ, đủ màu sắc lưu cữu không biết từ bao giờ. Ông đứng lặng hồi lâu rồi nhấc mấy chùm chìa khóa đặt lên bàn ăn. Một đám bụi và gỉ sét phủ đen mặt gỗ. Hừ, cái này người ta gọi là bụi thời gian đây, ông lẩm bẩm rồi đem chúng vào bồn rửa, xả nước thật mạnh. Cái này thì gọi là rũ bụi thời gian, ông bật cười. Nghe tiếng cười của mình nhạt thếch.
Mỗi chùm chìa khóa có hàng chục chiếc. Ông lựa ra những chiếc nhỏ, đặt lên một tờ giấy trắng. Có 21 chiếc. Ông lần lượt tra chìa vào chiếc ổ khóa trên ngăn tủ cao nhất. Chiếc thứ nhất không vừa với ổ khóa, chiếc thứ 2 vừa với ổ khóa nhưng không thể xoay vặn, chiếc thứ 3 có thể xoay vặn nhưng không thể mở khóa, chiếc thứ tư, chiếc thứ 5, thứ 6… Cứ mỗi chiếc đã thử ông lại đặt lên một tờ giấy khác, bên tay trái. Rốt cục, không một chiếc chìa nào có thể mở cái ổ khóa nhỏ xíu ấy.
Ông nhìn những chiếc chìa khóa nằm ngang dọc trên tờ giấy như những mảnh ghép của trò chơi lắp hình, chợt nghĩ có thể mình đã nhầm lẫn ở đâu đó. Ông muốn thử lại một lần nữa, lần lượt từng chiếc. Có thể do vội vã ông đã bỏ qua chiếc chìa của chính ổ khóa ấy. Nhưng sự chăm chú quá mức vào công việc khiến ông mệt lả, không thể cưỡng lại cơn buồn ngủ bất chợt ập tới. Khoanh hai tay trên mặt bàn, ông gục đầu ngủ như một cậu học trò ngủ gục trong lớp.
Thực ra, đó là một giấc ngủ chập chờn, lúc say lúc tỉnh, có lúc ông còn nghe thấy tiếng người nói, tiếng chuông điện thoại, tiếng động mạnh như kiểu đập phá ở đâu đó. Lần sau cùng nghe thấy tiếng chuông đổ hồi, ông choàng dậy. Khi ông định thần, bước tới góc nhà thì tiếng chuông vừa dứt. Ông cầm máy lên, áp máy vào tai theo thói quen, tưởng còn nghe một âm thanh nào đó rồi tất cả im bặt.
Cuộc điện thoại khiến ông cảm thấy bất an. Ngoài hai người con, vài ba người thân, ông không có mối liên hệ nào khác, kể cả liên hệ qua điện thoại. Thế giới của ông dần thu nhỏ lại, đôi khi ông nghĩ nó chỉ nhỏ bằng ô cửa sổ ông mở ra mỗi buổi sáng.
Ông lùa hết những ổ khóa, chìa khóa vào một chiếc túi nylon nhỏ, đợi người thu ve chai.
***
Cầm lại cuốn Từ ánh sáng đầu tiên, ông đến ngồi vào chiếc ghế tựa, gần nơi đặt điện thoại. Ông quyết định đọc lại từ trang thứ nhất với Lời giới thiệu. Đây là lần đầu tiên ông đọc sách theo kiểu này. Từ trước đến nay, ông thường gác lại các lời tựa, lời bạt trước khi đọc tác phẩm, cốt giữ cho mình sự độc lập cần thiết.
“Câu chuyện này mở ra nơi một khung cảnh vào một khoảng thời gian ít ra đối với tôi vẫn còn đầy ý nghĩa. Tôi đã trải qua nửa phần đầu của đời mình lúc mới trưởng thành nơi miền Đông Phi và đã đọc rất nhiều về lịch sử văn học của các nhóm thiểu số người Anh và người Đức đã sống ở đó khoảng hai, ba thế hệ. Năm chương đầu của quyển sách này, ngày nay có thể hơi khó theo dõi đối với độc giả nếu không có vài lời giải thích về những gì diễn ra ở Kenya vào mùa đông 1953 - 1954…”.
Kenya. Ông kêu khẽ, giọng run run như gọi tên một mật ngữ.
Địa danh này gợi nhớ một câu chuyện khác, không mảy may liên quan đến E.Hemingway. Một câu chuyện của ông.
Vợ ông từng có cơ hội đến thủ đô Nairobi của Kenya trong tư cách một chuyên gia y tế. Giữa lúc mọi thủ tục gần hoàn tất, chỉ còn chờ ngày lên máy bay thì xảy ra sự cố. Người ta bố trí một nữ bác sĩ khác đi thay mà không có bất cứ lời giải thích hợp lý nào. Trong lúc ông cũng như các đồng nghiệp tỏ rõ sự bất bình, thất vọng, vợ ông, dù trước đó tỏ ra rất hào hứng với chuyến đi, vẫn bình thản làm việc, không có lấy một lời bình luận.
Sự việc đó xảy ra trước khi bà rời gia đình một thời gian ngắn.
Lâu nay ông vẫn coi đó là hai sự việc riêng biệt, cái nọ trước cái kia, thế thôi.
Vậy mà, khi tình cờ đứng bên cạnh nhau vào lúc này, chúng bất ngờ bật lên một khoảng sáng, như hai hòn đá va đập vào nhau vậy. Trong khoảng sáng ngắn ngủi ấy, ông nhận ra một sự thật. Đó là sự xa cách giữa ông và người phụ nữ từng sống với ông trong một thời gian đủ dài cho những gần gũi, sẻ chia, âu yếm. Ông chưa khi nào có thể nhìn sâu vào đáy mắt vốn được che khuất sau hàng mi dày tuyệt đẹp của người phụ nữ ấy.
Nỗi cay đắng nghẹn ngào lẫn cảm giác vừa trút bỏ một gánh nặng khiến ông đau thắt nơi ngực.
Căn phòng quen thuộc bỗng chốc trở nên ngột ngạt khủng khiếp.
Vẫn cầm cuốn sách mở ở trang đầu tiên, ông bước nhanh tới bên ô cửa sổ.
Dừng lại trước hai cánh cửa khép kín ông bất giác rùng mình với ý nghĩ, nếu cứ đóng chặt cửa như thế này, đây sẽ là chi tiết cuối cùng hoàn tất bức tường vây chặt đời sống của mình.
Vội vã đặt cuốn sách xuống sàn nhà ông đưa tay lập cập tháo then cửa. Tiếng kim loại rin rít vang lên trong im vắng tự nhiên khiến ông hồi hộp như thể đang làm một việc gì hệ trọng vậy.
Đây là lần đầu tiên ông nhìn phố phường vào chiều muộn.
Tì tay lên bệ cửa, ông cúi xuống khoảng không trước mặt trong ánh sáng của những ngọn đèn đường, những căn nhà, những làn xe…
Ông không thể nhìn thấy ngôi nhà xây dở dang còn đó hay đã sụm xuống, không tiếng động, không khói bụi, như trong giấc mơ của ông vào đêm qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.