Hiện nay, không chỉ nhiều khu dân cư gắn camera để giữ gìn an ninh trật tự ở khu phố, mà nhiều nơi trên địa bàn TP.HCM đã triển khai lắp đặt "mắt thần" để giám sát, xử lý giao thông, trật tự đô thị và cả hỗ trợ phá án.
Thời gian qua, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP, đặc biệt là tại các nút giao thông quan trọng diễn ra khá thường xuyên.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ được lắp đặt nhiều camera để quản trật tự đô thị - Ảnh: Tân Phú
|
Xử lý ùn tắc, hỗ trợ phá án…
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành đường hầm sông Sài Gòn (thuộc Sở GTVT TP.HCM), cho biết trung tâm đang triển khai dự án lắp đặt 13 camera ở 7 nút giao thông thường xảy ra ùn tắc, gồm: Nguyễn Thị Thập - Nguyễn Hữu Thọ (Q.7), Hoàng Minh Giám - Hồng Hà (Q.Phú Nhuận), Phan Thúc Duyện - Phan Đình Giót, Trường Chinh - Âu Cơ (Q.Tân Bình), ngã sáu Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp), xa lộ Hà Nội - Võ Văn Ngân, xa lộ Hà Nội - Tây Hòa (Q.Thủ Đức). Dự kiến trong quý 4/2015 sẽ lắp đặt xong. Theo ông Trung, những camera này sẽ bảo đảm quan sát liên tục, thực hiện chức năng quay quét room (PTZ) trong bán kính khoảng 300 m, có thể xoay để quan sát toàn cảnh hoặc tập trung vào một đối tượng cụ thể.
|
Ông Trung cho biết thêm, hình ảnh camera ghi nhận được truyền về trung tâm điều khiển của Trung tâm quản lý điều hành đường hầm sông Sài Gòn, đồng thời có kết nối với Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM (PC67) để đánh giá tình hình giao thông và có phương án can thiệp, kịp thời xử lý ùn tắc, làm cơ sở để “phạt nguội” những trường hợp vi phạm giao thông. Hệ thống camera này có thể đo đếm lượng xe từ các hướng tại các giao lộ, điều chỉnh tín hiệu đèn giao thông thay đổi theo lưu lượng xe thực tế để giảm nguy cơ ùn tắc.
Hiện nay dọc đại lộ Đông Tây (nay là đường Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ) đã lắp 40 camera ở 20 giao lộ dọc tuyến. Trung tâm quản lý điều hành đường hầm sông Sài Gòn cũng sẽ kết nối tài nguyên hình ảnh từ 180 camera trên toàn địa bàn TP.HCM của VOV giao thông; xây dựng đề án lắp camera thông minh trên tất cả các tuyến đường trục, cửa ngõ của TP, khu vực cảng, bến xe, bến tàu, khu công nghiệp, khu chế xuất… để hỗ trợ cho việc “quản” tình hình giao thông, trật tự đô thị tốt hơn.
Theo một cán bộ Công an TP.HCM, hình ảnh từ hệ thống camera cũng sẽ hỗ trợ điều tra các vụ án, khi mà những manh mối từ nhân chứng không đủ để nhận diện nghi can, đơn cử như vụ anh Võ Thanh Quang (25 tuổi, quê tỉnh Kon Tum) bị đâm chết ở khu vực vòng xoay Dân Chủ (Q.3). Nếu như “mắt thần” được phổ biến lắp đặt trên toàn địa bàn sẽ góp phần giảm bớt áp lực cho việc giữ gìn an ninh trật tự, công tác điều tra tội phạm...
“Coi chừng máy quay phim nó quay đó”
Cầu Chợ Cầu, ranh giới giữa P.Đông Hưng Thuận (Q.12) và P.14 (Q.Gò Vấp) vốn là một điểm nóng về tình trạng xả rác thải bừa bãi, gây ra nhiều bức xúc. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, dù nơi đây đã gắn camera quan sát, cạnh camera là tấm biển cảnh báo xử phạt và dòng chữ “khu vực có gắn camera an ninh quan sát”, nhưng một số người dân thiếu ý thức vẫn vứt rác ra giữa cầu. Ông Đoàn Đức Duy, Phó chủ tịch UBND P.Đông Hưng Thuận, cho biết phường đã lắp đặt thí điểm 8 camera quan sát bên trên và dưới lòng cầu Chợ Cầu để ghi hình xử lý những người thiếu ý thức vứt rác nơi đây với tổng kinh phí khoảng 100 triệu đồng, trong đó 50% là vận động từ người dân. “Hiện hệ thống mới đưa vào chạy thử nghiệm nên chưa trích xuất hình ảnh và xử phạt được trường hợp nào, nhưng tình trạng vứt rác của người dân đã giảm rõ rệt”, ông Duy cho biết và khẳng định: “Sắp tới, chúng tôi sẽ có kế hoạch phối hợp với các phường lân cận để khi ghi được hình, sẽ xác định nhân thân người vứt rác nhằm xử lý”. Tiếp xúc với PV, bà Nguyễn Thị Kim Loan, một người dân thuê nhà buôn bán ngay bên cạnh cầu thuộc P.Đông Hưng Thuận, cho biết kể từ khi gắn camera ở đây thì tình trạng người dân xả rác giảm đi rất nhiều. “Nhưng nhiều người vẫn thiếu ý thức vứt rác mà nghe nói vẫn chưa bị xử phạt, tôi mong chính quyền sẽ ghi hình và xử phạt thật nghiêm”, bà Loan bức xúc.
Tương tự, tại khu vực chợ Thị Nghè, thuộc P.19 (Q.Bình Thạnh) khoảng 2 tháng nay cũng được địa phương lắp đặt 6 camera (kết nối hình ảnh về trụ sở Công an P.19) quanh chợ trên các trục đường Phan Văn Hân và Phan Huy Ôn. Có mặt tại chợ này vào một buổi sáng, PV nghe nhiều hộ dân dọc hai bên đường Phan Văn Hân cảnh báo những người bán hàng rong có camera đang theo dõi. Cùng lúc, một thanh niên dọn hàng lấn ra mép đường Phan Văn Hân để bán, liền bị nhiều người bán hàng khác la lên “coi chừng máy quay phim nó quay đó”. Nghe vậy, nam thanh niên này vội dịch chuyển vào sát lề.
Bà Lê Thanh Phụng, tổ trưởng tổ 57 (P.19), kể: “Nhiều khi có người đang buôn bán bằng xe đẩy, đứng lấn chiếm lòng đường mà chỉ cần có người nói coi chừng máy quay quay bây giờ, là mọi người dạt vào hết”. Theo đại diện Công an P.19, kể từ khi lắp đặt camera đến nay, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường giảm hẳn. Bình thường vào giờ cao điểm, các tuyến đường quanh chợ sẽ bị kẹt cứng nhưng nay đã không còn. Bà Hà Thị Vân, Chủ tịch UBND P.19, cho biết 6 camera tại chợ Thị Nghè có giá trị khoảng 60 triệu đồng, được đầu tư từ sự đóng góp của người dân, phường đang tính toán sẽ cho lắp đặt thêm 18 camera tại các khu vực trọng điểm khác trên địa bàn.
Ông Lâm Thiếu Quân, đại biểu HĐND TP.HCM, cho rằng TP.HCM được xem là siêu đô thị khi có đến khoảng 10 triệu dân. Do đó, việc lắp đặt “mắt thần” để giám sát, xử lý giao thông, trật tự đô thị, hỗ trợ phá án… là hết sức cần thiết.
“Hiện nay có nhiều chủ ô tô có gắn camera hành trình, ghi nhận khá đầy đủ các hoạt động xảy ra trên đường. Cơ quan công an cũng cần có cơ chế để khai thác, khuyến khích sử dụng nguồn tài nguyên hình ảnh này”, ông Quân đề nghị. Theo ông Quân, tại các “điểm nóng” về trật tự đô thị rất cần lắp đặt camera để góp phần nâng cao ý thức người dân tự chấp hành theo quy định. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là phải xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm thì thực tế mới có chuyển biến tích cực, chứ lắp đặt rồi mà không phát huy hết nguồn tài nguyên hình ảnh từ các “mắt thần” sẽ gây lãng phí lớn.
Căn cứ để “phạt nguội”
Theo luật sư Ngô Thanh Sơn, Đoàn luật sư TP.HCM, hình ảnh được ghi bằng camera cũng được xem là căn cứ để cơ quan chức năng “phạt nguội”. Tuy nhiên, để việc xử lý được nghiêm minh và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, thì hình ảnh phải rõ nét, thể hiện đầy đủ thông tin về phương tiện hoặc người vi phạm và ảnh phải nguyên gốc; thời hạn ra thông báo và quyết định xử phạt cũng phải nhanh chóng. Nếu không, hình phạt sẽ không thuyết phục, không đảm bảo tính giáo dục, răn đe người vi phạm.
Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM, khẳng định hình ảnh từ hệ thống camera được đầu tư mới sẽ rất đắc lực trong việc điều khiển giao thông từ xa và xử phạt phương tiện vi phạm. Từ đầu năm 2015 đến nay, trên 20.000 trường hợp vi phạm các lỗi lưu thông không đúng làn đường, dừng đậu không đúng nơi quy định, chạy quá tốc độ... đã được ghi nhận qua camera, được trích xuất hình ảnh phạt nguội.
Hải Nam - Đàm Huy
|
Bình luận (0)