Mặt trời tỏ rạng - Truyện ngắn của Lữ Hồng (Gia Lai)

18/09/2022 08:30 GMT+7

Phải uống nhiều kháng sinh quá, người Quyên rạc đi. Chứng viêm da cơ địa đã tới kỳ mãn tính, nhiễm trùng nặng.

Vết thương hở và bắt đầu rỉ dịch. Cả tuần rồi Quyên nằm không yên, cứ ngồi thu lu ở chân giường, cắn răng nhìn những vết lở chi chít trên da. Nhiều lần Quyên tưởng tượng về cái chết của mình. Rồi hoảng quá, lại thôi. Đang tiết lập thu, mới hơn 5 giờ chiều mà nền trời đã lặng lẽ đổi màu. Mấy hôm trước, lũ ve sầu còn kêu váng lên trong hốc cây phượng của nhà đối diện, nay đã im hẳn. Hình như, chúng vẫn lồm cồm trong vòm lá, chỉ có điều không phát ra âm thanh nào nữa. Quyên ra đứng tựa vào thành cửa sổ, mải nhìn xuống phố mà không hay Lam Chi đến. Con bé cứ như mèo, lần nào đến cũng chỉ nhón bước. Hiếm có đứa trẻ nào như thế. Chi tiến lại gần rồi dúi đầu vào hông Quyên, cứ như thể nó đích thị là con mèo nhỏ Quyên nuôi từ kiếp trước.

- Ơ, cơm chưa mà lại chạy sang đây rồi?

- Chi sợ cô Quyên buồn.

- Người lớn làm gì biết buồn!

- Thế sao hôm nọ cô khóc?

Quyên nhìn Chi, khẽ cười. Hai cô cháu cứ đứng tựa vào nhau, im lặng nhìn xuống phố…

Ừ thì Quyên có khóc. Nhưng khóc vì xúc động chứ không phải vì yếu đuối. 30 năm nay, Quyên sống lặng lẽ hơn bất kỳ một bí mật nào trên thế gian này. Có những người đi tới số phận của họ trong tĩnh lặng. Quyên bị tật. Tay phải và chân trái. Chỉ tay phải và chân trái thôi ư! Quyên đã từng gào lên như thế rồi khóc điếng. Không chạy nhảy, không la cà quán xá, không hò hẹn gái trai. Bố mẹ không thể cứ mãi theo Quyên đến những chỗ ấy. Ngàn lần, Quyên đã thử nhắm mắt lại rồi mở mắt ra. Không! Không phải cơn ác mộng! Đó là sự thật! Quyên từ một đứa trẻ bình thường trở nên bất thường sau cơn sốt bại liệt mùa hè năm ấy. Ký ức ghê sợ đó như một lưỡi dao mảnh sẵn sàng cứa mỏng tim Quyên bất kể khi nào Quyên yếu lòng. Biết thế nên Quyên mạnh mẽ. Đời người suy cho cùng, mạnh mẽ là lựa chọn duy nhất. Ơn trời, Quyên đã dần chấp nhận và cố sống ôn hòa với hàng tá những biến cố sức khỏe mấy chục năm qua. Vẫy vùng chỉ làm Quyên thêm đau đớn.

minh họa: tuấn anh

Nhà Quyên ở ngay mặt phố, lại gần quảng trường. Bố mẹ đều là nhà giáo về hưu. Trước bố Quyên có một căn phòng nhỏ, kê bàn ghế ngay ngắn để dạy cho mấy “ông con” học kém trong xóm. Dạy miễn phí, hễ phụ huynh nào dúi tiền vào tay là bị mắng ngay. Ai biết tính ông, cuối năm lấy cớ biếu chai rượu chuối thì nhận. Bố Quyên chỉ thích độc một món ấy.

Sau này, bố lẫn, cùng mẹ chuyển vào Sài Gòn sống với em trai Quyên để có người chăm sóc thì căn phòng bỏ trống. Quyên lấy làm phòng dạy vẽ. Thì cũng chỉ mấy đứa nhỏ quanh xóm. Thành nếp rồi. Dạy miễn phí. Đến rượu chuối còn không nhận. Căn phòng tí hin mà chứa được bao nhiêu là đồ. Ở đó, Quyên vẽ và dạy vẽ. Có hôm, Quyên vào ngồi lì trong này, ngắm tranh rồi tự huyễn mình. Một mùa đông xám xanh màu tuyết, một hoàng hôn đỏ lựng, những sườn đồi nở đầy hoa tím… Quyên nhìn tranh rồi lại nhìn đôi chân của mình. Quyên yêu cái đẹp. Chúng vừa đọa đày vừa cứu rỗi đôi chân Quyên. Một đôi chân chỉ bước từ nhà ra ngõ đã ríu lại, như hai cọng dây thừng tới hồi bện vào nhau thì khó lòng gỡ nổi.

Nhớ lại, sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, Quyên xin dạy mỹ thuật cho một trường tư, cách nhà khá xa. Ngày ngày bố phải đèo đi. Được một học kỳ thì Quyên bải hoải, thấy mình lúng túng đủ điều, chưa bao giờ có cảm giác được chào đón. Thì thôi, ước mơ làm cô giáo nếu không thành ở chốn này thì vẫn còn chốn khác. Thế là Quyên về, dạy vẽ cho lũ nhỏ trong xóm. Ai gửi con cho cô Quyên dạy cũng nhất quyết đòi trả “học phí”. Như mẹ của Lam Chi ấy, tháng nào cũng nhét mấy trăm ngàn vào túi áo Quyên, bảo: “Chẳng đáng mấy, cô Quyên đừng ngại. Ai cũng cần cơm áo, thuốc thang. Khỏe rồi còn mở thêm lớp. Chị đã giới thiệu cho mấy người bạn. Cuối tuần, họ mang con đến, vừa học vừa chơi với cô Quyên”.

Quyên yêu Lam Chi và những đứa trẻ trong lớp học vẽ của mình nhiều lắm. Chúng nó là nguồn vui, là hạnh phúc của Quyên. Quyên cầm tay bọn trẻ bằng cánh tay trái khỏe mạnh của mình, di di từng nét vẽ. Chúng cười làm Quyên vui. Mà trẻ con mấy khi lại thôi cười cơ chứ. Đứa nào cũng lanh lợi và đáng yêu. Nhưng ngoài giờ học, chỉ có Lam Chi biết đến thăm cô. Phần vì mến cô, phần vì nghe ba mẹ dặn: “Cô Quyên hay ốm, người ốm mà ở một mình thì sẽ buồn lắm, Chi phải siêng sang với cô. Và nhớ hỏi cô thích ăn gì không nhé”. Quyên xem Lam Chi như con. Nhiều khi gần con bé, Quyên quên mất rằng mình không phải là người sinh ra nó.

Quyên luôn mơ về một mối tình nồng nhiệt. Cùng người đàn ông của mình đi trên phố trong cái se lạnh bùi ngùi của mùa đông phố núi. Quyên cũng mơ về một bé gái gọi mình là mẹ. Những giấc mơ làm Quyên run rẩy. Căn nhà 2 tầng trống vắng từ khi bố mẹ dọn đi. Lắm lúc cô đơn, Quyên thấy ngực mình như thiếu dưỡng khí. Gia đình chính là mặt trời của mỗi người, ở đó luôn có một thứ ánh sáng riêng...

Lần nào đứng ở cửa sổ tầng hai nhìn xuống phố, lòng Quyên cũng ngổn ngang như vậy. Sống và ngủ giữa những vỉ thuốc kháng sinh không phải là cuộc sống Quyên chọn. Phải giỏi cân bằng lắm thì Quyên mới giữ cho mình được tâm thế lạc quan, dám sống. Người ta nói can đảm là dám sống chứ không phải dám chết.

- Cô Quyên mới cắt tóc ạ? - tiếng Lam Chi khe khẽ, vừa đủ để Quyên sực nhớ là nãy giờ con bé vẫn ở đây.

- À... ừ... cô mới cắt...

- Tiếc nhỉ, thế là từ nay còn mỗi cháu có tóc dài.

Quyên cười, nhìn Chi đang lúc lắc cái đầu, cố khoe hai bím tóc dày mẹ tết cho từ sáng. Quyên vừa xoa đầu Chi vừa hỏi nhỏ:

- Chi có sợ mất đi mái tóc xinh này không?

- Cắt đi thì tiếc lắm cô ạ!

- Nhưng nếu có ai cần đến nó... - giọng Quyên nhỏ dần, cũng không cố ý để Chi nghe thấy.

Quyên chưa nói với con bé rằng có những bệnh nhân ung thư cần đến tóc. Cũng chưa vội nói Quyên đã cắt mái tóc của mình gửi ra cho thư viện tóc giả của một bệnh viện tại Hà Nội. Lần đầu Quyên thấy sự sống của mình mới mẻ. Có biết bao cô gái trên đất nước này cần sống cho những nhu cầu có thật, cần phải đẹp, phải tự tin, để sống và tiếp tục chiến đấu với bệnh tật. Quyên tin là một ngày nào đó, Lam Chi cũng sẽ tự nguyện hiến tóc như Quyên. Con bé vốn thương người, nghe ai khổ cũng muốn tới gần...

Mẹ Lam Chi sang đón con bé về, mang theo cái bọc đựng chiếc khăn quàng cổ màu xám nhạt biếu cô Quyên. Nụ cười chị thánh thiện đến lạ kỳ:

- Hôm nay chị dạo chợ, lựa cho Chi cái áo len. Trời trở lạnh, thấy ho suốt. À, khăn này rẻ, chẳng đáng mấy. Cứ xem như quà kỷ niệm của Chi nhé!

Quyên chưa kịp từ chối thì Lam Chi đã reo lên:

- Đúng rồi. Lúc trước ấy, cháu cắt tóc về, cứ thấy trống trống, lành lạnh. Cô phải có khăn, có khăn.

Nói rồi, con bé cười xòe. Quyên chỉ biết lườm yêu nó một cái:

- Được rồi! Bà cụ non ạ!

Lam Chi và mẹ vừa rời gót là trời đổ mưa. Quyên khép hờ cửa sổ. Tiếng mưa nhiều khi cũng buồn nhưng riêng tối nay lại làm Quyên thấy nguôi ngoai. Không vì sao cả. Sẽ có một ngày, những nỗi đau xỉn đen lại và biến mất. Chỉ cần Quyên tin vào sự sống và giữ ấm cho con tim. Tối nay, biết đâu Quyên dễ ngủ hơn. Để ngày mai còn dậy sớm, ngắm mặt trời tỏ rạng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.