Năm 1940, khi đoàn quân phát xít Đức xâm chiếm Na Uy, giới vương triều nước này buộc phải ra nước ngoài lưu vong.
Trong khi vua Haakon và thái tử Olav đến Anh để điều hành chính quyền lưu vong, thái tử phi Martha dẫn 3 con nhỏ về quê ngoại Thụy Điển, trước khi nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt để sang Mỹ tị nạn. Trước đó, vợ chồng thái tử phi Martha từng đến Mỹ và là bạn của gia đình Roosevelt.
Bà Martha, khi đó 39 tuổi, cùng hai con gái Ragnhild (10 tuổi) và Astrid (8 tuổi) và con trai út Harald (3 tuổi) ban đầu được đưa đến ở tạm trong một ngôi nhà tại bang Massachusetts rồi sau đó dọn về một căn nhà có kiến trúc thời Trung cổ Anh tại Pooks Hill, Bethesda, bang Maryland.
|
Theo tờ The Washington Post, Tổng thống Roosevelt ra lệnh cho lực lượng Mật vụ Mỹ không được rời xa gia đình bà Martha nửa bước, từ lúc thái tử phi tiếp khách cho đến khi đi ra ngoài mua sắm, dự sự kiện.
Hàng rào an ninh, đèn pha, thiết bị chữa cháy, đường dây điện thoại... được thiết lập trong khi lực lượng Mật vụ luôn tuần tra kỹ lưỡng khu đất rộng hơn 41 hecta. Một cô giáo được đưa đến để dạy học cho các con của bà Martha vì theo Mật vụ, “việc bảo vệ sẽ đơn giản hơn so với khi đưa các bé đến trường”.
Trong cuốn hồi ký của mình, lãnh đạo Mật vụ Frank Wilson giai đoạn 1936-1947 viết: “Nhiều đêm, tôi ghé qua Pooks Hill mà không báo trước và thị sát ngôi nhà để xem các đặc vụ thuộc đội bảo vệ có đang làm nhiệm vụ không”.
Ông Wilson kể rằng có lần khi ông ghé qua công viên gần đó và nhận thấy một chiếc xe của Mật vụ đậu gần sân chơi, ông tưởng rằng cấp dưới của mình đang trốn việc. Tuy nhiên khi đến gần, ông Wilson hài lòng khi thấy cậu bé Harald đang bơi dưới hồ trong khi các đồng nghiệp vẫn đang làm việc. Khi chuẩn bị rời đi, cửa xe ông Wilson bất ngờ mở ra và một giọng nói vang lên: “Đợi ai à?”.
|
Sau đó, ông Wilson nhận ra đó không phải là kẻ xấu mà là một trong số các nhân viên Mật vụ đang làm nhiệm vụ và đến "hỏi thăm" khi thấy ông Wilson trông có vẻ “khả nghi”.
Ông Wilson nhớ lại rằng có 2 cậu bé người địa phương chơi cùng hoàng tử bé Harald nhưng không hề hay biết đây là vị vua tương lai của Na Uy. Sau khi Thế chiến 2 kết thúc, Harald không muốn quay về Na Uy vì ở đó không có bạn. “Tôi gặp cậu ấy ngày trước khi cậu ấy lên đường và cậu ấy buồn bã nói ‘cháu thích những người bạn ở đây. Tụi cháu đã có nhiều niềm vui’”, ông Wilson kể.
Vua Haakon sau đó đã trao huân chương cho nhiều thành viên của Mật vụ Mỹ vì đã góp công trong việc bảo vệ an toàn cho các thành viên hoàng gia Na Uy. Sau khi vua Haakon băng hà vào năm 1957, ông Olav kế vị và Harald trở thành thái tử. Đến năm 1991, ông Harald chính thức lên ngôi vua sau khi người cha qua đời.
Bình luận (0)