Trong số những cuộc bỏ phiếu ở châu Âu ngày 6.5, bầu cử tổng thống Pháp được để ý hơn cả. Cũng phải thôi vì Pháp là nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu và giữ ghế thường trực HĐBA LHQ. Thay đổi tổng thống còn đồng nghĩa với đột biến chính sách ở Pháp. Tuy nhiên, với EU, bầu cử nghị viện ở Hy Lạp mới ẩn chứa nhiều rủi ro chính trị hơn.
Đây là cuộc bầu cử nghị viện đầu tiên từ khi nước này lâm vào khủng hoảng tài chính và nợ công đến nỗi ngấp nghé vỡ nợ. Chính phủ Hy Lạp buộc phải chấp nhận nhiều yêu cầu ngặt nghèo của EU để đổi lấy cứu trợ tài chính. Tuy nhiên, người dân lại phẫn nộ vì họ phải trực tiếp hứng chịu hậu quả từ chính sách tài chính bao năm qua của chính phủ và nay lại thêm những điều kiện của EU.
Điều chắc chắn là 2 đảng chính trị lớn nhất vốn thay nhau cầm quyền ở Hy Lạp sẽ bị cử tri trừng phạt. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn bên trong và lệ thuộc bên ngoài là cơ hội cho sự trỗi dậy của các đảng cánh hữu, cực hữu và dân tộc chủ nghĩa. Những đảng này tham gia nhiếp chính nghĩa là toàn bộ quan hệ Hy Lạp -EU sẽ không còn được như trước. Athens sẽ ra khỏi nhóm sử dụng đồng euro hoặc đàm phán lại với EU về những điều kiện của gói cứu trợ. Nó sẽ tạo tiền lệ mới, lây lan tác động sang những thành viên EU ngấp nghé khủng hoảng như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Ý. Điều đó đồng nghĩa với việc chiến lược của EU đối phó khủng hoảng tài chính không tránh khỏi phá sản. Không phải Pháp mà Hy Lạp mới là mắt xích yếu nhất đối với EU.
Thảo Nguyên
>> Cử tri Pháp đi bỏ phiếu vòng hai bầu cử tổng thống
>> Ông Sarkozy chạy nước rút
>> Ông Sarkozy chưa thoát rắc rối
>> Sarkozy và Hollande “đấu khẩu” dữ dội trên truyền hình
Bình luận (0)