Màu hoa học trò

26/06/2016 09:00 GMT+7

Hè về, phượng đứng chơ vơ giữa sân trường vắng lặng, vẫn vô tư nở những chùm hoa đỏ rực, mặc cho người người xuôi ngược ngoài kia, mặc cho những cô cậu học trò xếp lại sách vở vui với những ngày hè quê hương hay đi du lịch khắp nơi khắp chốn.

Màu hoa đã rất nhiều lần đi vào thơ, vào nhạc và đã từng ám ảnh bao nhiêu thế hệ vẫn cứ hiện diện tuần tự theo thời gian, khi bắt đầu hè là bung nở những bông đầu tiên, rồi sau đó rực đỏ cả một khung trời.
Tôi nhớ một ngày xa xưa ở Huế, trên con đường Lê Lợi rợp bóng những hàng phượng vĩ, mùa hè năm lớp 9 tôi được thầy giáo cấp 2 đưa vào học tập trung đội tuyển mấy tháng. Đi xe xích lô qua cầu Tràng Tiền, và chợt ồ lên thích thú khi thấy trước mặt phượng nở rực rỡ như những mâm xôi gấc, màu hoa phượng gợi cảm giác náo nức, rộn ràng. Những người bạn yêu hoa cứ hái phượng ép lên những quyển sổ lưu bút mùa hè, mỗi lần khép sổ lại với vài dòng lưu bút của một người bạn lại rưng rưng ngân nga với nào là Nỗi buồn hoa phượng, Phượng buồn và sau này có thêm Phượng hồng... Những bài hát tinh khôi tuổi học trò, mà ai cũng ít nhất hơn một lần trong đời cùng rạo rực theo. “Trong tiếng hát ve phượng hồng là hoàng hậu đó…”, chẳng phải ngẫu nhiên mà 2 nhạc sĩ đồng tác giả Song Ngọc và Thanh Sơn ví loài hoa này là hoàng hậu, là những gì lưu luyến nhất của một thời tuổi trẻ trong bản nhạc nổi tiếng của mình.
Những mùa hè đến rồi đi, ở đâu đó, có thể là trên con đường nhỏ, phượng vẫn vô tư bung nở, theo suốt đường đời của mỗi người, như một hoài niệm lưu dấu không thể phai mờ.
Màu hoa có thể phai, nhưng trong tim của những đứa con trai nghịch ngợm, hình ảnh những bạn gái cùng lớp tha thướt áo dài, bỏ vài chùm hoa phượng trong giỏ xe, đi về với câu chuyện ríu ran, là hình ảnh chẳng thể mờ phai.
Phượng của tuổi học trò, vì vậy chẳng bao giờ buồn, có phải không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.