Nó tím hết mình, tím da diết. Tím đến thẫm khoảng trời ở chỗ mà nó mọc lên quá năm mươi năm nay - lối vào chợ Đà Lạt.
Bây giờ phượng tím tràn khắp phố núi, nhưng kỳ lạ là màu tím của nó lại tách biệt với sắc tím nhạt của những cây phượng tím đại trà mới ê hề kia. Cứ như một thứ tím dồn vào bên trong và một thứ tím vỡ toang ra bên ngoài. Ngay cả trổ bông nó cũng trổ theo cách riêng của nó - cứ thong thả; hoặc là trước những cây đại trà, hoặc là sau; có năm thi thoảng thì cùng. Giống phượng tím đại trà kia thì tìm trời mà lên, suôn đuột, cao ngất, cứ vùn vụt mãi. Nó thì đủng đỉnh, chỉ thấy gốc mỗi năm to thêm, thân nâu sồng, địa y và dương xỉ sinh sôi xanh rì trên đó. Không đợi phải là người Đà Lạt mới nhận ra được sự khác nhau của hai sắc tím.
Nó là giống phượng đi từ nước Pháp, còn giống đại trà đi từ nước Úc, và thời gian hai giống có mặt ở đây cách nhau độ ba lăm năm.
Nó bất giác lẻ loi giữa mênh mông hoa phượng tím ở Đà Lạt bây giờ.
Đà Lạt, cứ mùa hoa phượng tím người ta lại trò chuyện về nó. Và chẳng hiểu sao bà con cứ chờ nó ra bông chứ không phải những hàng cây, những con đường, những vị trí trồng giống đại trà. Họ nhìn những cây đại trà trổ bông, nhưng lại hỏi nhau “Cây phượng tím chỗ chợ” trổ bông chưa? Như mọi người, tôi luôn ngóng chờ nó. Nó mới là thông điệp mùa phượng tím, “nhân vật” chính của mùa.
Ngày xưa nhập cư phố núi để làm nghề chụp hình dạo, tôi hay đứng dưới bóng hoa của nó để chờ du khách - vì không nhà nên lấy nó làm “điểm hẹn giao hình”. Bây giờ tôi đứng dưới nó vì nhận ra nó là cái cây hoa di sản, chở ký ức Đà Lạt, nó có cuộc đời và số phận, ở phố núi này, chứ không chỉ là cây xanh trên phố. Kẻ nhập cư như tôi, còn mang ơn nó.
Vì mang ơn nó, nên tôi từng đi tìm người trồng ra nó. Cái ông già cao lỏng ngỏng phải đến một thước chín tên Lương Văn Sáu kia cứ đến mùa phượng tím là thấy ông đi dọc trục đường Lê Đại Hành để nhìn xuống nó - cây hoa ông trồng. Cái ông già không tiền chữa bệnh hạch thanh quản nên bị đứt luôn dây thanh quản chỉ còn “đi được” mà không “nói được” đó mà. Ông là kỹ sư canh nông chuyên về hoa được đào tạo chính quy đầu tiên của nước VN tôi, tốt nghiệp Trường nông nghiệp Versailles (Pháp). Ông là người tự đặt ra bổn phận và chủ động đưa nhiều giống hoa sang quý từ Âu, Mỹ về trồng cho phố núi Đà Lạt và lập ra vườn hoa thành phố từ hơn năm mươi lăm năm trước. Như cây phượng tím này đây, bao nhiêu cây khác kia vẫn còn xanh hoa trong vườn hoa ở đầu hồ Xuân Hương, trên đường phố, trong khuôn viên các khách sạn, dinh thự, nhà chùa...
Còn nhớ cái ngày ông mất, không ai hay biết, kể cả tôi, lẫn nhân viên vườn hoa thành phố và cây phượng tím này. Bởi ông sống cô quạnh kể từ sau những năm 1990, bên cạnh người vợ già trong căn hộ chung cư ọp ẹp, và không con cái. Lúc đó, tôi đưa tin ông mất muộn đến ba tháng, và tờ báo cùng với trọn chút tiền nhuận bút của bản tin kia tôi mang đến cúi đầu đặt lên bàn thờ ông lơ lửng bé tẹo trên tường thắp nhang. Tôi thấy mình có lỗi với cái “điểm hẹn giao hình” của mình.
Kỷ niệm 100 năm Đà Lạt hình thành và đi lên vào năm 1993 không ai nhắc đến ông. Lễ hội hoa đầu tiên ở phố núi vào năm 2004 và bao festival hoa tiếp nối sau này chờ mãi tôi vẫn không thấy đâu đó xướng tên Lương Văn Sáu - “linh hồn” của cây xanh cùng thành phố hoa Đà Lạt hiện đại.
Mùa phượng tím đang giăng tràn. Nó nức nở. Nó tím tái tê. Lại nhớ cái ông kỹ sư đứt dây thanh quản thả trôi cả đời vì sự phù du của sắc hoa, kiếp hoa. Gần đây, nhiều người đang muốn thêm một mỹ danh nữa cho Đà Lạt, ngoài xứ lạnh, thành phố buồn, thành phố ngàn thông, tiểu Paris, xứ hoa Đào, là “Thành phố phượng tím”.
Bình luận (0)