Mâu thuẫn

27/03/2012 03:35 GMT+7

Một bộ xây dựng chiến lược, một bộ tìm đủ mọi cách để hạn chế; một bộ lên kế hoạch phát triển, một bộ kìm hãm bằng đủ các loại thuế, phí... Sự thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ trong chủ trương lại một lần nữa đóng cánh cửa cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam.

Một bộ xây dựng chiến lược, một bộ tìm đủ mọi cách để hạn chế; một bộ lên kế hoạch phát triển, một bộ kìm hãm bằng đủ các loại thuế, phí... Sự thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ trong chủ trương lại một lần nữa đóng cánh cửa cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam.

Bộ Công thương đang soạn thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô tới năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 với 2 chủ trương lớn là nội địa hóa và xây dựng những trung tâm cơ khí đủ mạnh để phát triển ngành công nghiệp ô tô. Mục tiêu là đến năm 2020 trở thành một ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng phần lớn nhu cầu thị trường trong nước, tham gia vào thị trường khu vực và thế giới, góp phần giảm nhập siêu, thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển. Nhưng kế hoạch này đang đứng trước nguy cơ phá sản bởi hàng loạt các loại phí nhằm vào ô tô. Cụ thể, sau phí trước bạ, phí đăng ký cấp biển số, phí xăng dầu, phí bình ổn giá xăng dầu, phí kiểm định ô tô, phí bảo hiểm, phí bảo trì đường bộ..., nếu phải nộp thêm phí hạn chế xe cá nhân với khoảng 20 triệu đồng - 50 triệu đồng/xe; phí vào nội đô, nội thành; phí giờ cao điểm... như đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, gánh nặng phí chắc chắn sẽ "đè bẹp" thị trường ô tô trong nước. Không phải là nói suông bởi dù mới chỉ là đề xuất nhưng tiêu thụ ô tô trong nước những tháng đầu năm đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiêu thụ không được thì các doanh nghiệp hiện hữu không thể mở rộng quy mô; không có thị trường tiêu thụ cũng đừng nói đến chuyện thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Và chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô phá sản.

Trên thực tế, việc thị trường ô tô bị kìm hãm bởi mâu thuẫn trong chính sách đã được minh chứng rất rõ trước đó. Một mặt chúng ta muốn xây dựng ngành công nghiệp ô tô nhưng một mặt lại hạn chế bằng hàng loạt các loại thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT, thuế nhập khẩu. Nghịch lý nước nghèo nhưng người dân phải mua xe đắt gấp 2 - 3 lần so với các nước giàu là bức xúc của hầu hết người dân trong nhiều năm qua. Nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn này, chưa giải phóng được nền sản xuất ô tô khỏi "ách" thuế thì chúng ta lại "bồi" thêm hàng loạt các loại phí như kể trên... Chiến lược phát triển ngành công nghiệp xe hơi bị đẩy ra xa hơn.

Đáng nói hơn là khi Bộ Công thương lấy ý kiến về Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có sự tham gia của Bộ GTVT và nhiều bộ, ngành liên quan. Nghĩa là Bộ GTVT hoàn toàn biết rằng, những đề xuất hạn chế xe cá nhân một cách bất hợp lý nói trên là đi ngược với chiến lược phát triển ngành ô tô nhưng họ vẫn làm. Với 20.000 - 30.000 chi tiết cho một chiếc xe hơi, phát triển ngành công nghiệp xe hơi kéo theo sự phát triển của rất nhiều các ngành công nghiệp khác; giải quyết hàng trăm ngàn lao động; thu hút vốn, công nghệ nước ngoài... Hay nói cách khác, kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô chính là kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Đã đến lúc Chính phủ phải đứng ra để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, dẹp bỏ những đề xuất vì lợi ích ngành để xây dựng, phát triển ngành công nghiệp ô tô đúng với mục tiêu đề ra.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.