Ngày 24.2.2022, chiếc F-35C của hải quân Mỹ rơi xuống Biển Đông sau khi thực hiện một màn hạ cánh lỗi xuống tàu sân bay USS Carl Vinson. Vụ tai nạn làm 6 người bị thương, gồm phi công của chiếc F-35C.
Fox News ngày 24.2 dẫn kết luận điều tra cho biết phi công đã thực hiện một kỹ thuật đáp chuyên biệt lần đầu tiên và đã quên bật chế độ hỗ trợ, khiến máy bay bị thiếu lực khi thực hiện màn hạ cánh. Đến lúc phi công nhận ra tình hình thì đã quá trễ. Chiếc máy bay trượt trên sàn tàu trước khi lao xuống biển.
Thêm video cảnh chiến đấu cơ F-35 gặp nạn ở biển Đông
Hải quân Mỹ cho biết kỹ thuật đáp nói trên đã được phê chuẩn và phổ biến, nhưng đó là lần đầu tiên viên phi công cấp trung úy thực hiện. Hải quân nhấn mạnh rằng đó không phải hành động khinh suất hay có ý định không tốt của phi công.
"Do thời gian bị rút ngắn và (phi công) chưa quen với kỹ thuật, phi công đã mất nhận thức tình huống và không hoàn thành danh sách kiểm tra hạ cánh. Đặc biệt, phi công vẫn đang trong chế độ điều khiển bằng tay trong khi đáng ra anh ta nên (và tưởng rằng anh ta đã) bật chế độ điều khiển tự động để giảm phần việc của phi công trong quá trình đáp", báo cáo điều tra nêu.
Đó là lần đầu tiên chiến đấu cơ F-35C được triển khai trên một tàu sân bay Mỹ để tham gia nhiệm vụ, theo Defense News. Chiếc máy bay được vớt lên vào tháng 3.2022.
Phát ngôn viên Zachary Harrell của không lực hải quân Mỹ xác nhận viên phi công không còn bay nữa những vẫn là sĩ quan hải quân. Vào thời điểm đó, viên phi công có năng lực cao, có hơn 370 giờ bay máy bay F-35 và sức khỏe, tâm lý bình thường. Người này nói với các đồng đội rằng muốn thử kỹ thuật bay nói trên một lần trước khi kết thúc đợt triển khai nhưng không chịu áp lực phải thực hiện hành động đó.
Hải quân Mỹ trục vớt xong tiêm kích F-35C rơi ở Biển Đông
Chiếc máy bay bị rơi gây thiệt hại hơn 115 triệu USD. Một chiếc máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler trên tàu cũng bị thiệt hại phải tốn hơn 2,5 triệu USD để sửa chữa. Phần sàn tàu cũng bị hỏng hóc phải sửa mất hàng trăm ngàn USD.
Bình luận (0)