Máy bay khí cầu thế hệ mới

19/09/2013 10:50 GMT+7

Khí cầu Zeppelin từng được xem là tương lai của ngành vận tải hàng không, nhưng sau thảm họa Hindenburg khủng khiếp, chúng đã biến mất khỏi bầu trời trong hơn 75 năm.

Mô hình máy bay khí cầu mới
Mô hình máy bay khí cầu mới 

Theo đó, vào ngày 6.5.1937, chiếc khinh khí cầu nổi tiếng LZ 129 Hindenburg bị bắt lửa tại cột mốc kéo và cháy rụi khi hạ cánh trong chuyến bay từ Frankfurt, Đức tới trạm Lakehurst Naval ở Lakehurst, New Jersey, Mỹ. Trong số 97 người có trong tàu (36 hành khách, 61 người trong phi hành đoàn) thì có 35 người thiệt mạng và 1 người chết khi con tàu lao xuống đất.

 Thảm họa Hindenburg năm 1937

Thảm họa Hindenburg năm 1937

Giờ đây, một tập đoàn hàng không hy vọng sẽ tái sinh khí cầu này với nỗ lực cách mạng hóa thị trường vận chuyển hàng hóa toàn cầu. Khí cầu mới mang tên Aeroscraft, sử dụng công nghệ tiên tiến cho phép điều khiển chuyến bay tốt hơn so với khí cầu trước đây, do đó có thể tránh được các vấn đề mà thế hệ đầu tiên - khí cầu Zeppelin - gặp phải. Bước đột phá công nghệ quan trọng lần này do Igor Pasternak, một thành viên sáng lập của Tập đoàn Worldwide Aeros, nghĩ ra với một cách nén khí helium, cho phép con tàu kiểm soát trọng lượng của nó.

Khí cầu này chỉ cần 1/3 lượng nhiên liệu của một chiếc máy bay chở hàng và có thể cất cánh - hạ cánh ở bất cứ đâu mà không cần một đường băng, kể cả trên mặt nước, thích hợp với việc vận chuyển đến các khu vực chiến tranh và thảm họa. Aeroscraft có thể cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng giống máy bay trực thăng, nhờ đó chúng có thể đến các điểm đích mà không cần có sân bay. Điều này có nghĩa, mặc dù tốc độ trung bình của nó chậm hơn nhiều so với máy bay phản lực nhưng thời gian bay tổng cộng có thể ít hơn vì nó có thể đưa hàng hóa trực tiếp từ nơi sản xuất đến nơi có nhu cầu. Tập đoàn Worldwide Aeros hy vọng thiết kế này sẽ đem lại lợi ích cho quân đội và các tổ chức từ thiện khắp nơi trên thế giới tại những nơi có hạ tầng mặt đất kém phát triển.

Chiếc máy bay khí cầu này đã được Worldwide Aeros Corp thiết kế với kinh phí 3 triệu USD do chính phủ Mỹ hỗ trợ. Worldwide Aeros dự đoán rằng Aeroscraft sẽ thay đổi cách thức hàng hóa được vận chuyển trên toàn thế giới với chi phí vận tải rẻ hơn so với máy bay và thời gian nhanh hơn so với tàu hỏa. So với một máy bay phản lực bằng kim loại, Aeroscraft có vẻ mỏng manh, nhưng vỏ bọc của nó là lớp chống đạn, và ngay cả khi mặt ngoài bị thủng, nó cũng sẽ không bị xì hơi như một quả bóng.

Tập đoàn Worldwide Aeros tuyên bố sẽ sẵn sàng giao chiếc máy bay khí cầu đầu tiên cho khách hàng vào giữa năm 2015, mỗi chiếc sẽ được cho thuê trong vòng 1 năm. Một mô hình máy bay khí cầu có tải trọng 66 tấn sẽ phải chi phí hơn 25 triệu USD mỗi năm, trong khi máy bay với trọng tải 250 tấn sẽ tốn 55 triệu USD mỗi năm.

Phương Tú - Tạ Xuân Quan

>> Vượt Đại Tây Dương bằng khinh khí cầu... bóng bay
>> Khinh khí cầu cung cấp internet cho vùng sâu
>> Khinh khí cầu cá voi
>> Họ đã dùng khinh khí cầu giăng dây điện cao thế như thế nào?
>> Khi câu văn bị mắng là tục tĩu
>> Nổ khí cầu ở Ai Cập, 19 người chết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.