Máy bay tiếp nhiên liệu Trung Quốc lần đầu xâm nhập ADIZ Đài Loan

29/11/2021 21:00 GMT+7

Máy bay tiếp dầu của Trung Quốc đã lần đầu tiên xâm nhập vùng nhận diện phòng không ( ADIZ ) của Đài Loan ngày 28.11, động thái thể hiện năng lực tấn công của Bắc Kinh đã tăng lên, theo các nhà phân tích.

Máy bay tiếp nhiên liệu trên không Y-20

Cơ quan phòng vệ Đài Loan

Theo South China Morning Post, máy bay tiếp nhiên liệu trên không Y-20 đã cùng 26 máy bay quân sự khác của Trung Quốc, gồm 18 máy bay chiến đấu, 5 máy bay ném bom H-6, 2 máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và một máy bay vận tải Y-9 xâm nhập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan ngày 28.11.

Đáp lại, Đài Bắc đã điều động máy bay chiến đấu và triển khai hệ thống tên lửa để theo dõi tình hình. Theo Cơ quan Phòng vệ Đài Loan, các máy bay Trung Quốc đã bay qua khu vực phía nam Đài Loan ra Thái Bình Dương rồi quay trở lại.

Y-20 là máy bay vận tải quân sự do Trung Quốc phát triển và sản xuất. Phiên bản chở dầu của máy bay này có thể tiếp nhiên liệu cho máy bay chiến đấu và máy bay ném bom H-6 trên không. Qua đó, phạm vi hoạt động của Không quân Trung Quốc có thể được mở rộng lên tới hơn 8.000 km và bán kính chiến đấu tới 3.000 km, theo Hoàn Cầu thời báo.

Nhiều người cho rằng Y-20 sẽ hoạt động song song và cuối cùng là thay thế các máy bay tiếp nhiên liệu Il-78 được Trung Quốc nhập khẩu và máy bay phát triển nội địa HU-6.

Trang web quân sự Defensenews.com vào tháng 2 dẫn hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất hàng loạt máy bay Y-20 phiên bản chở dầu.

Nhà bình luận quân sự Tống Trung Bình (Song Zhongping) tại Hồng Kông cho rằng máy bay tiếp nhiên liệu trên không Y-20 có thể giúp Bắc Kinh chuẩn bị cho các hành động quân sự liên quan đến Đài Loan.

“Các máy bay chở dầu tiếp nhiên liệu cho máy bay chiến đấu và máy bay ném bom trong một nhiệm vụ tấn công rất quan trọng. Máy bay này cũng có thể dự phòng nhiên liệu cho các hoạt động kéo dài hơn ở Tây Thái Bình Dương”, ông Tống cho biết.

Đài Loan biên chế phi đội tiêm kích F-16V hiện đại

“Máy bay Y-20 phiên bản chở dầu do Trung Quốc tự phát triển và sản xuất. Điều này có nghĩa là Bắc Kinh có thể đảm bảo khả năng tiếp nhiên liệu của mình và Trung Quốc không còn phụ thuộc vào các nước khác”, chuyên gia này nói thêm.

Tuy nhiên, máy bay Y-20 hiện vẫn còn sử dụng động cơ phản lực cánh quạt của Nga. Quân đội Trung Quốc đang phát triển động cơ phản lực cánh quạt WS-20 cho dòng máy bay Y-20. Tuy nhiên, động cơ này đến sau năm 2024 mới dự kiến được đưa vào sản xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.