Dọc quốc lộ 1 ở các tỉnh miền Tây có rất nhiều quán cà phê, quán ăn không tên thường thẳng tay “chặt chém” khách hàng.
Trên chặng đường xa, giữa cái nắng chang chang đến khô người, muốn nghỉ ngơi ăn, uống giải khát thì những quán cà phê võng ven đường là lựa chọn lý tưởng. Nhưng điều đáng nói là đa số những quán này thường không tên, không bảng hiệu. Dừng chân tại một quán cà phê võng gần thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, chúng tôi gọi một tô hủ tiếu, một tô bánh canh cùng chai nước ngọt, ly cà phê đá và hai cái khăn lạnh, mặc dù rất đói nhưng chúng tôi không tài nào nuốt nổi phần ăn đã gọi vì quá dở. Đến phần tính tiền, mọi người lại “bật ngửa” khi nhân viên phục vụ tính tới 230.000 đồng. Một vài người cũng lên tiếng cự cãi như chúng tôi nhưng cuối cùng phải thanh toán tiền trong sự bực tức. Anh Ngô Quang Long, một người ở Bạc Liêu, cho biết lúc trước tết trên đường về, vợ chồng anh cũng đã bị “chém” tại một quán như vậy ở Long An, phải trả 250.000 đồng cho hai phần ăn sáng và giải khát.
|
Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc đoạn đường này cũng có nhiều quán buôn bán đàng hoàng, bằng chứng là họ cho ghi bảng giá tất cả các món mà quán phục vụ cho thực khách lựa chọn, dường như họ cũng rất sợ những quán khác làm ảnh hưởng đến uy tín của họ. Anh Ngọc Trác ở P.14, Q.10, TP.HCM, người thường xuyên đi trên đoạn quốc lộ này và cũng đôi lần bị “chém đẹp” chia sẻ kinh nghiệm: “Nếu muốn dừng chân nghỉ hoặc ăn uống nên chọn những quán có bảng hiệu rõ ràng, có bảng giá cho các món mà quán phục vụ, hỏi giá trước khi quyết định vào quán là chắc chắn thoát khỏi nạn “chặt chém” hoặc an toàn nhất là mang theo thức ăn, nước uống và tự phục vụ tại một chỗ mát ven đường”.
Thiết nghĩ buôn bán lường gạt như vậy không những gây thiệt hại cho khách hàng mà còn ảnh hưởng xấu tới cả những quán làm ăn chân chính vì khách đi đường sẽ không bao giờ dám ghé quán nào cả sau một lần bị “chặt chém”.
Từ Minh
Bình luận (0)