Máy CT-Scanner phòng cấp cứu hư, bệnh nhân đột quỵ mất ‘giờ vàng’, bệnh viện rớt chuẩn

Duy Tính
Duy Tính
27/10/2022 14:25 GMT+7

Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM là bệnh viện tiên phong đạt chuẩn kim cương trong cấp cứu đột quỵ của Hội Đột quỵ thế giới . Giờ đây, máy CT-Scanner bị hư chưa sửa được, chờ đấu thầu quá lâu, bệnh viện bị rớt chuẩn.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ

Ngày 27.10, Ban VH-XH HĐND TP.HCM đến giám sát tình hình triển khai thực hiện Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến 2030 tại Bệnh viện Nhân dân 115. Tại cuộc giám sát này, Bệnh viện Nhân dân 115 đã nói về thế mạnh của bệnh viện trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cứu bệnh nhân đột quỵ.

Theo đó, Bệnh viện Nhân dân 115 là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân đột quỵ (phần mềm Rapid - Đại học Standford, Mỹ).

Can thiệp mạch cấp cứu đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115

NGUYỄN HUY THẮNG

Lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, AI đã giúp cho bác sĩ định hình được tổn thương, định hướng vùng tổn thương đường đi chính xác nhất cho bác sĩ can thiệp và tiên lượng sau can thiệp, giảm tối đa tai biến.

Sau ứng dụng AI Rapid, 50% bệnh nhân đột quỵ đến với bệnh viện sau giờ vàng (trong khoảng từ 6 - 24 giờ) được can thiệp nội mạch. Kết quả khảo sát đánh giá có 48% bệnh nhân được can thiệp thành công, có thể quay trở lại vận động bình thường.

Máy CT-Scanner bị hư, bệnh viện rớt chuẩn quốc tế của Hội Đột quỵ thế giới

PGS-TS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, với việc sử dụng AI trong chẩn đoán đột quỵ, năm 2018, Bệnh viện Nhân dân 115 đạt chuẩn vàng quốc tế của Hội Đột quỵ thế giới trong cấp cứu đột quỵ. Sau đó là đạt chuẩn Platinum (chuẩn Bạch kim) và đạt chuẩn Diamond (chuẩn Kim cương) vào năm 2020.

“Nhưng đạt tiêu chuẩn và giữ là rất khó, và bệnh viện cũng rớt chuẩn. Vì khi bệnh nhân đột quỵ vào thì ít nhất 60% phải được tiếp cận và phải sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch trong vòng 45 phút”, PGS-TS Thắng nói.

Theo ông, bệnh nhân đột quỵ vào cấp cứu, bác sĩ khám, cho xét nghiệm, chụp CT-Scanner và mời hội chẩn, sử dụng thuốc. Tất cả quy trình này làm sao chỉ trong vòng 45 phút. Đây là tiêu chí cực kỳ khó, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh thì không thể giữ được tiêu chuẩn đó.

“Bệnh viện 115 cũng không giữ được chuẩn vì máy CT-Scanner trong phòng cấp cứu hư, chưa sửa được. Một bệnh nhân đột quỵ vào, thay vì đẩy qua cánh cửa bên là có thể được chụp CT-Scanner trong vòng 5 phút. Bây giờ, nhân viên phải đẩy bệnh nhân từ phòng cấp cứu qua phòng chẩn đoán hình ảnh bên cạnh của bệnh viện. Việc đẩy bệnh nhân đi xa hơn sẽ làm mất thêm thời gian, khiến cho bệnh viện không giữ được chuẩn Kim cương của Hội Đột qụy thế giới”, PGS-TS Thắng chia sẻ.

PGS-TS Thắng tâm tư: "Làm sao giúp cho chúng tôi có nhiều phương tiện hơn để phục vụ cho bệnh nhân, đơn giản nhất là máy CT-Scanner. Chúng tôi cần điều đó hơn tất cả".

Còn theo TS-BS Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, trong y tế thông minh, tự động hóa thì ngoài con người, cần đầu tư trang thiết bị, máy móc thì mới chẩn đoán được. Hiện bệnh viện vướng luật Đầu tư công, tài sản công. Ông kiến nghị, cần có hướng dẫn cụ thể hơn để các bệnh viện mua sắm, sửa chữa, tiếp tục đầu tư. Qua mùa dịch, bệnh viện chậm lại, giờ sớm tạo điều kiện cho bệnh viện trang bị lại các thiết bị máy móc phục vụ bệnh nhân.

“Chúng tôi đạt chuẩn kim cương trong cấp cứu, điều trị đột quỵ rồi, nhưng máy CT-Scanner hư thì trong thời gian sửa chữa phải xuống hạng. Mà sửa chữa lớn thì phải đấu thầu, mua sắm mấy tháng mới có. Mua 1 bóng đèn của máy thì phải đấu thầu mấy tháng mới có. Điều này khác với tư nhân, hư bóng đèn thì họ ra mua có liền”, TS-BS Báu chia sẻ thêm.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Bệnh viện Nhân dân 115 có 3 máy CT-Scanner, 2 máy bị hư chưa sửa được. Còn 1 máy hiện đang phục vụ cho khoảng 1.600 bệnh nhân nội trú và hàng ngàn bệnh nhân ngoại trú mỗi ngày. Máy CT-Scanner còn lại này cũng đang quá tải và nguy cơ hư cũng sẽ rất cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.