Đó là Mai Đạt Duy và Phạm Minh Tuấn, cựu sinh viên Khoa Cơ điện,Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai).
Trước đây, tại Công ty TNHH công nghiệp PLUS Việt Nam, khi sản xuất băng xóa WH-PP phải đo lực sản phẩm này nhằm tránh mắc lỗi dẫn đến chất lượng sản phẩm không tốt. Tuy nhiên, thường phải thao tác đo bằng tay khiến tốn tiền, tốn thời gian và không đem lại hiệu quả năng suất cao.
Từ đó Duy và Tuấn đã nghĩ đến việc cải tiến thành tự động hoàn toàn, có thể chế tạo ra một máy đo lực thay thế, vừa có thể kiểm tra chất lượng của băng xóa, nhưng đảm bảo được tính chính xác, ổn định, đồng thời tiết kiệm được thời gian và mang lại năng suất cao.
Tìm hiểu thị trường thực tế, Duy biết trên thế giới có rất nhiều loại máy dùng để đo lực xoắn (Torque) của chi tiết hoặc vật liệu. Tuy vậy đối với những mặt hàng mang tính đặc thù của từng công ty thì không phải máy đo lực nào hiện có trên thị trường cũng có thể đáp ứng được hoặc với giá thành rất cao và đòi hỏi người sử dụng phải có trình độ kỹ thuật nhất định mới có thể vận hành được. Đối với việc đo lực xoắn cho các sản phẩm băng xóa của Công ty công nghiệp Plus Việt Nam cũng chỉ có cữ đo bằng tay, nhưng cũng được nhập từ Nhật Bản.
Sau khi trải qua quá trình quan sát thao tác của người công nhân thực hiện công đoạn đo, yêu cầu công ty đặt ra và tìm hiểu các tài liệu liên quan. Duy đã đưa ra sơ đồ khối nguyên lý hoạt động của máy đo lực Torque, sau đó cùng Tuấn nghiên cứu chế tạo thành công máy đo lực Torque WH-PP với hai phần chính: Phần cơ khí với những phễu rung dùng để chứa các chi tiết cần đo; máng cấp phôi dùng để hướng cấp phôi cho máy. Những cụm cơ cấu chặn và đẩy sản phẩm; cơ cấu tạo lực đo và đo; cụm phân loại sản phẩm..., phần điện và điều khiển bao gồm các thiết bị điện như: nút nhấn, cảm biến, xi lanh, các loại động cơ...
Được biết máy đo lực Torque của hai chàng trai trẻ này đã nhận được rất nhiều lời khen bởi liên kết hoàn toàn tự động với các khâu đầu ra của máy dập sản phẩm WH-PP và đầu vào của hệ thống lắp ráp sản phẩm băng xóa WH-PP. Không chỉ vậy, máy còn hoạt động ổn định, chính xác đúng theo yêu cầu của Công ty công nghiệp Plus Việt Nam đề ra. Đặc biệt, năng suất máy là 800 sản phẩm/giờ đã gấp bốn lần sản xuất theo cách thủ công trước đây và có thể thay thế được hai người công nhân trong một ca sản xuất.
Sản phẩm này có thiết kế khá nhỏ gọn, thân thiện với môi trường và dễ sử dụng cũng như bảo dưỡng. Theo chia sẻ từ lãnh đạo Công ty công nghiệp Plus Việt Nam, số tiền công ty tiết kiệm được khi dùng máy trong một năm trên 86 triệu đồng.
Sản phẩm này đã giành được huy chương bạc tại cuộc triển lãm “Sáng chế, Đổi mới và Công nghệ quốc tế lần thứ 23 - ITEX 12” tại Kuala Lumpur, Malaysia, của Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới; đạt giải nhất hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai; và nhận được bằng khen có sản phẩm sáng tạo do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Nai trao tặng.
Xuân Phương
>> Thời trang may đo hút khách
>> Tàng hình dưới máy dò hồng ngoại
>> Mắc bẫy 'máy đo tình yêu
Bình luận (0)