Máy đục, máy khắc 'tranh tài' ở Triển lãm điêu khắc toàn quốc?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
25/09/2023 07:39 GMT+7

Một số tác phẩm tại Triển lãm điêu khắc toàn quốc 2023 vừa kết thúc bị cho là đã dùng công nghệ scan và in 3D để thực hiện.

Cuộc tranh tài của… máy?

Một cuộc thảo luận về Triển lãm điêu khắc toàn quốc 2023 đã diễn ra trên trang Facebook của ông Trần Việt Phương, một kiến trúc sư chuyên quét 3D và gần đây có in các tác phẩm điêu khắc cổ. "Triển lãm cho cả tác phẩm đục máy, thật là thức thời, có ý tưởng, kiếm người diễn - scan 3D rồi đục", ông viết và đưa lên trang hình chụp tác phẩm Ông lão chăn bò (chất liệu gỗ) của tác giả Lê Văn Bình. Đây là tác phẩm được giải khuyến khích trong triển lãm này.

Bên cạnh đó, tác phẩm được giải ba có tên Anh hùng, của Nguyễn Văn Tuệ, cũng được cho là scan rồi in, sau đó tô màu. "Đây là thi nghệ thuật nhưng lãnh giải về kỹ thuật công nghệ", một người bạn của ông Phương vào bình luận.

Máy đục, máy khắc 'tranh tài' ở Triển lãm điêu khắc toàn quốc?  - Ảnh 1.

Tác phẩm Ông lão chăn bò với các dấu tích được cho là đã sử dụng máy khắc sau khi scan 3D

Việt Phương

Kiến trúc sư Trần Việt Phương đã trao đổi với Thanh Niên về cách chế tác 2 tác phẩm điêu khắc Anh hùng Ông lão chăn bò: "Tôi thấy rằng đây là tác phẩm được làm bằng cách cho người thật tạo dáng rồi dùng phương pháp scan 3D, sau đó lấy máy khắc CNC để khắc lên khối gỗ tạo ra tác phẩm. Ở tượng Ông lão chăn bò còn thấy rõ các đường dao khắc nằm ngang. Dao khắc không vào được những góc khuất nên tác giả có đục tay một chút. Tác phẩm Anh hùng cũng vậy. Ở đây nhiều khả năng là người mẫu được mặc áo cứu hỏa tạo dáng và scan 3D rồi được cho vô máy CNC 3D để khắc".

Ngoài ra, theo ông Phương, trên các tác phẩm có độ mờ của các đường nét khi máy khắc chạy qua, trong khi nếu khắc tay thì sẽ nét và rõ thủ pháp người khắc.

Ông Phương cho biết công nghệ khắc này hiện khá thông dụng tại các cơ sở chế tác đồ mỹ nghệ, như tượng gỗ, đồ decor hay các cơ sở chế tác đồ nội thất. "Ưu điểm là có thể chế tác trước trên máy tính rồi đưa ra sản xuất hàng loạt. Nếu là đồ mỹ nghệ mang tính công nghiệp thì rất tốt, còn là tác phẩm mang tính độc bản thì lại là một vấn đề rất đáng suy nghĩ", ông Phương nói.

Máy đục, máy khắc 'tranh tài' ở Triển lãm điêu khắc toàn quốc?  - Ảnh 2.

Tác phẩm Anh hùng

Trinh Nguyễn

Thể lệ sơ sài và tụt hậu

Chưa vội kết luận hai tác phẩm trên có được thực hiện theo thể thức scan mẫu rồi in bằng máy hay không, tuy nhiên việc này không hề vi phạm thể lệ của Triển lãm điêu khắc toàn quốc mà Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL) đưa ra.

Cụ thể, triển lãm chỉ quy định loại hình, quy cách tác phẩm theo… chiều cao, cân nặng. Với tượng tròn và khối biểu tượng: kích thước chiều nhỏ nhất là 30 cm chiều lớn nhất là 150 cm, trọng lượng không quá 100 kg. Với phù điêu: kích thước chiều lớn nhất là 150 cm, chiều nhỏ nhất là 60 cm. Tác phẩm có khung, giá để sẵn sàng trưng bày. Trọng lượng không quá 50 kg.

Về chất liệu, chấp nhận rất cả các chất liệu; với tác phẩm dễ vỡ, dễ hư hỏng hoặc biến dạng, tác giả phải tự chịu trách nhiệm về độ an toàn của tác phẩm. Không chấp nhận các tác phẩm gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng lưu ý các tác phẩm gửi tham gia triển lãm không sử dụng các vật liệu cấm sử dụng, có yếu tố gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường.

Ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, cho rằng ông biết việc gần đây có cách thức scan một đồ vật, hoặc thiết kế một bản trên máy tính, sau đó dùng máy để in thành một tác phẩm điêu khắc. Tuy nhiên, theo ông Đoàn: "Tiếng nói của điêu khắc tùy ý tác giả, cái chính là hiệu quả thị giác. Còn bận tâm làm gì chuyện đấy, đấy là việc của họ, họ chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình".

Ông Đoàn cũng cho biết Triển lãm điêu khắc toàn quốc 2023 không phải cuộc thi. Tuy nhiên, ban tổ chức và hội đồng nghệ thuật có trao các giải thưởng nhất, nhì, ba. "Đây là xếp theo tương quan mà hội đồng đánh giá đóng góp của họ qua tác phẩm cho nghệ thuật điêu khắc đương đại. Quan trọng là anh em đưa ra được cách nhìn mới, còn cách họ làm, đục đẽo bằng tay hay máy thì cũng giống bây giờ rất nhiều tranh in lên toan xong vẽ màu lên. Nhưng điêu khắc là việc khác, nhờ công nghệ thì cái chính là ý tưởng và cách để thực hiện ngôn ngữ ấy của ý tưởng", ông Đoàn nói.

Mặc dù vậy, các ý kiến trao đổi vẫn cho rằng cần phải có ranh giới, quy định chi tiết cho việc "máy" tranh tài với "người" trong một triển lãm toàn quốc. Ông Việt Phương cho rằng: "Hiện thể lệ của triển lãm điêu khắc toàn quốc không quy định về việc có cấm tác phẩm làm bằng cách scan rồi in ra, hay đục rồi sơn vẽ ngoài hay không. Tuy nhiên tôi nghĩ là không nên, vì cách làm này sẽ không công bằng với các nghệ sĩ khổ công luyện tập về thủ pháp và phương pháp thể hiện". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.