May mà...

May mà vụ đổ sập công trình trường mầm non đang xây dựng ở Mỹ Đình (Hà Nội) hôm 25.9 không có thương vong nào. Nhưng đó là 'may mà'!

Nhiều ý kiến bạn đọc còn viện hai chữ “may mà” cho một suy luận xa hơn, rằng may mà công trình sập sớm lúc đang còn thi công, chứ sau này đưa vào sử dụng rồi mới đổ sập thì không biết hậu quả thế nào.
Hai chữ “may mà” như gọi tên điều gì đó sâu xa trong niềm tin mong manh của người dân về chuyện quản lý rủi ro của xã hội mình. Và gọi tên cả một thói suy nghĩ về trách nhiệm.
Rồi vụ sập cầu Ghềnh - cầu đường sắt hơn trăm tuổi quá hạn sử dụng ở Biên Hòa (Đồng Nai). May mắn dường như đã lọt qua khoảnh khắc rất hẹp của một cú thót tim. Nếu không có một người dân lao về phía đoàn tàu đang chạy đến để cảnh báo cầu sập thì đã không tránh khỏi một thảm họa.
Thế là “may mà”. Mà là nhiều cái may trong vụ cầu Ghềnh lắm. Cầu Ghềnh được cảnh báo hết hạn sử dụng nhưng chẳng ai có trách nhiệm chịu ký quyết định xây cầu mới. Phải đợi cho đến khi hai anh thợ lái xà lan tay ngang “ký quyết định” xây cầu mới. Cách liên hệ như thể một kiểu nói hài, nhưng ngẫm lại thấy nhiều phần đúng. Thế coi như rủi mà thành may, cầu Ghềnh được xây mới trong một trình tự phê duyệt không thể ngoạn mục hơn.
Mới đây là vụ sập sàn gỗ của một trường trung học cũ kỹ ở Đà Lạt khiến hàng chục học sinh bị thương. Rủi ro dường như đã được định nghĩa trước từ lâu trong tuổi thọ quá đát của ngôi trường, nhưng có vẻ như người ta an tâm chờ ngày sập trường sẽ đến. Và khi ngày ấy đến, lại có thể nói, may mà học sinh chỉ bị thương thôi, không ai chết.
Thế đó, là không có công nhân nào thiệt mạng cả trong vụ đổ sập công trình trường mầm non hôm rồi. Thế đó, vụ rủi ro nào cũng có cái để nói “may mà” rồi lạc quan mà tiếp tục sống. Cứ đà suy nghĩ đó thì rồi sẽ đến ngày, chúng ta phải tự an ủi mình rằng “may quá chúng ta còn sống”.
Đã đến lúc rồi, phải bỏ thói nghĩ “may mà” đi, để đối diện nghiêm túc với trách nhiệm. Chỉ một câu “may mà” được nói thôi. Là “may mà trước đó chúng tôi đã theo dõi, phát hiện và ngăn chặn kịp thời”.
Đừng để đến lúc đổ bể các đại án, đổ sụp các công trình rồi tặc lưỡi biện luận kiểu “may mà”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.