'Mây tỏa sắt cầm': Phụ nữ xưa mặc gì trong ngày cưới?

02/02/2022 17:59 GMT+7

Dịp đầu năm mới, ê-kíp Mây Tỏa Đỉnh Hồ vừa giới thiệu dự án Mây tỏa sắt cầm, với đoạn clip mô tả các dạng thức trang phục cưới truyền thống của cô dâu 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Mây tỏa sắt cầm là dự án khởi động cho chuỗi sản phẩm văn hóa - nghệ thuật được ê-kíp Mây Tỏa Đỉnh Hồ thực hiện, nhằm quảng bá cho phim ngắn Mây tỏa đỉnh hồ (dự kiến ra mắt vào quý 3 năm 2022).

Theo ê-kíp thực hiện, Mây tỏa sắt cầm dựa trên các ghi chép, tư liệu và hiện vật lịch sử nhằm tìm lời giải cho thắc mắc: phụ nữ ngày xưa (cụ thể là giai đoạn từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20) đã mặc gì trong ngày cưới của họ? Dự án được nghiên cứu, thực hiện cẩn trọng với hơn 200 giờ công lao động miệt mài nhằm phỏng dựng trang phục cưới truyền thống với mức độ chính xác trong khả năng và điều kiện của ê-kíp.

Các dạng thức trang phục trong dự án (từ trái qua: miền Bắc, miền Trung, miền Nam)

hoa niên

Trong dự án này, MC Hồng Loan hóa thân thành cô dâu miền Nam, 2 nữ diễn viên trẻ triển vọng Như Thủy và Tường Vy lần lượt đảm nhiệm cô dâu miền Bắc và miền Trung.

Qua Mây tỏa sắt cầm, ê-kíp thực hiện mong muốn giới thiệu đến công chúng các dạng thức áo cưới truyền thống, có thể ứng dụng cho các cặp đôi trong ngày trọng đại nhất của cuộc đời. Những bộ trang phục cưới truyền thống được phỏng dựng nghiêm túc không chỉ hài hòa về mặt thẩm mỹ mà còn góp phần thiết thực trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống Việt Nam.

Các dạng thức phục trang trong Mây tỏa sắt cầm đều được thực hiện bởi Hoa Niên - Năm Tháng Tươi Đẹp (thương hiệu Việt phục được đông đảo người trẻ biết đến thời gian gần đây). Hơn 2 năm hoạt động, Hoa Niên đã trở thành một trong những thương hiệu Việt phục hàng đầu tại Việt Nam với các bộ sưu tập mang đậm dấu ấn riêng: có sự kết hợp hài hòa giữa dạng thức áo truyền thống của dân tộc với tư duy thẩm mỹ hiện đại. Có thể thấy nhiều nghệ sĩ và influencer đã tìm đến Hoa Niên để có những bộ Việt phục phù hợp trong các dự án nghệ thuật cũng như những lần xuất hiện ở các sự kiện văn hóa quan trọng: Dzung Yoko, Jun Phạm, Ninh Dương Lan Ngọc, Thúy Ngân, Erik, K-ICM, Denis Đặng, Hoàng Duyên, Phương Mỹ Chi, Lê Bống, Mạc Trung Kiên, Jang Mi, DTAP,...

Các dạng thức trang phục trong Mây tỏa sắt cầm

Trang phục cô dâu miền Bắc

Theo nhiều cổ vật tranh thêu, cô dâu nông thôn miền Bắc thường mặc áo “mớ ba" - dạng thức áo được tạo thành bởi việc mặc lồng 2 lớp áo màu sắc rực rỡ bên trong và hoàn chỉnh bằng việc khoác thêm một áo màu trầm, có độ thấu quang bên ngoài và có thể buộc một hay nhiều dải thắt lưng theo lối “Nửa trong nửa ngoài". Áo mớ ba để lộ yếm bên trong màu đào hoặc mỡ gà. Bên dưới áo mặc quần hoặc váy thâm.

Theo ghi chép từ Phong tục Việt Nam của tác giả Toan Ánh (xuất bản năm 1968): “Đầu các cô dâu thường vấn khăn vấn đầu lẳn, vắt vẻo cái đuôi gà. Vấn đầu bằng sa-tanh hoặc bằng nhung đen tùy gia cảnh của cô dâu. Tai các cô đeo đôi hoa có mặt đá" […]. "Các cô đeo chiếc dây xà tích bạc lủng lẳng, lách cách theo bước chân đi. Chân các cô đi đôi dép cong...", "khi vu quy, các cô đội thêm chiếc nón ba tầm quai thao, dù trời mưa hay nắng". Ngoài ra, rất nhiều tranh còn thể hiện các cô dâu Việt dùng quạt để che mặt hoa e thẹn trong ngày vu quy.

Ở khu vực thành thị, nhiều bưu ảnh cho thấy các cô dâu phối khăn lượt nhung và áo dệt cài hoa. Không sử dụng nón Thúng vào ngày cưới. Chân mang guốc kinh hoặc hài. Tay ôm hoa cưới.

Trang phục cô dâu miền Nam

Cô dâu miền Nam mặc áo tấc - theo ngôn ngữ địa phương còn gọi là áo rộng hay áo thụng. Cô dâu mặc lồng hai áo thì gọi là áo cặp.

Ngày cưới, cô dâu Nam bộ đầu đội nón cụ quai tơ hoặc quai cung có trang trí cầu bông ở hai bên đầu và phía sau để làm duyên. Khác với suy nghĩ hiện nay bị ảnh hưởng bởi các giá trị bên ngoài - màu áo cưới của cô dâu Nam bộ không nhất thiết phải mang màu đỏ.

Trước những biến đổi và du nhập của thời cuộc, thập niên 1950 về sau, miền quê Nam kỳ xuất hiện kiểu thức vận áo đội khăn theo kiểu áo cưới từ sau ngày triều Nguyễn cáo chung nhưng vẫn xuất hiện cùng chiếc nón cụ - vốn là chiếc nón được truyền qua nhiều thế hệ trong gia đình. Sự mới lạ trong việc gắn quai tơ vào nón cụ Phú Gia cũng bởi sự thất lạc quai cung sau nhiều năm tháng và chùm bông nhung vốn ở phía sau được đưa ra bên ngoài để làm duyên.

Trang phục cô dâu miền Trung

Theo từ điển xuất bản vào khoảng 1899-1900 đã có ghi chép về việc áo nhật bình được sử dụng như trang phục cưới. Ngoài ra, không nhiều ghi chép về việc sử dụng dạng thức trang phục này được tìm thấy.

Tuy nhiên, theo nhiều hình ảnh từ những năm 1930, các đám cưới của giới quý tộc và quan lại vốn liên quan mật thiết với văn hóa cung đình Huế đã có sử dụng dạng thức trang phục này khi cô dâu ở các gia đình này đầu vấn khăn vành, chân mang guốc kinh, khoác áo nhật bình về nhà chồng.

Do là đất thần kinh quy tụ nhiều sắc dân từ các miền, ghi chép về áo cưới cô dâu dân gian tại miền Trung cũng có lúc là tấm áo mớ ba hoặc áo cặp, đầu đội nón Nghệ quai tơ hay các loại nón chằm lá khác tuỳ theo điều kiện cũng như vùng miền. Phong tục này đến nay vẫn được lưu giữ ở miền Trung Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.