'Hà Nội mặc thế là thường!'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
23/08/2020 06:30 GMT+7

Áo dài ngũ thân hay áo dài cách tân có chiết eo, bộ complet chỉn chu hay chiếc sơ mi trắng quần Âu... cho thấy văn hóa mặc của Hà Nội xưa.

Áo xưa giờ chỉ mặc tết

Khi nhà văn Nguyễn Trương Quý mặc bộ áo dài nam ngũ thân vào workshop Hà Nội mặc thế là thường (do Tí Toáy Atelier - một không gian văn hóa sáng tạo, chuyên về các hoạt động mỹ thuật, tổ chức tại 59 Láng Hạ, Hà Nội chiều 22.8), những học viên của lớp “nửa quen nửa lạ” vì chưa nhiều người thấy nam giới mặc áo dài. Chỉ một thành viên trong workshop là cậu bé Anh Trung (6 tuổi) cho biết gia đình mình có người mặc áo dài nam. Anh Trung nói: “Con nhìn thấy trang phục này khi tết đến”.
“Chiếc áo này có 5 thân, trước 2, sau 2 và 1 vạt bên trong nữa. Trang phục này chú mượn của một bác nghiên cứu văn hóa cổ. Các cụ còn có lớp áo cánh nữa cho lịch sự. Áo xưa mặc với quần ống rộng. Các cụ ăn mặc như thế này để tỏ lòng kính trọng với người xung quanh và nghiêm túc. Trên đầu chú đội khăn vấn, có 7 lớp. Khăn được làm đúng theo mẫu của vua Bảo Đại, nhà Nguyễn”, nhà văn Nguyễn Trương Quý nói trước ánh mắt háo hức của học trò.
“Hà Nội mặc thế là thường !”

Gia đình nhạc sĩ Đoàn Chuẩn

Có những trang phục là thường ngày trước đây ở Hà Nội nay đều thành trang phục khi tết đến, hay khi có việc quan trọng. Chẳng hạn, bộ áo dài truyền thống của cả nam và nữ hay bộ complet với đầy đủ lệ bộ từ chiếc nơ đến chiếc khăn lụa nhỏ bên túi áo ngực trái. Ngay cả khi bây giờ vẫn có áo dài nam, nhiều chiếc áo đã khác xưa. “Chiếc áo này chẳng hạn, nó có vạt ngắn hơn, tà ngắn hơn, tay áo ngắn hơn thì dễ hoạt động hơn. Còn áo dài nữ dài hơn, vải mỏng hơn, đường chiết để tạo eo, tôn dáng người mặc”, ông Quý nói.
Một đoạn phim ngắn Kiếp hoa cũng được trình chiếu trong workshop. Ở đó, người xem được ngắm trang phục của những năm 1953 - 1954 để thấy phom dáng những bộ áo dài nữ, những bộ complet nam. Trang phục cô dâu cũng xuất hiện trong đoạn phim ngắn này. Vào thời điểm đó, bộ trang phục cô dâu, chú rể gồm áo dài khăn vấn cho cô dâu, complet cho chú rể đã là tân thời. “Sự thay đổi của trang phục theo từng thời kỳ là điều tôi muốn chia sẻ”, nhà văn Nguyễn Trương Quý bày tỏ.
“Hà Nội mặc thế là thường !”

Trang phục trên phố Hà Nội 1973

Ảnh: Tư liệu của Nguyễn Trương Quý

“Cắt may” lịch sử

Bài tập của workshop dành cho các học viên từ 6 - 15 tuổi cũng rất thú vị. Các em chia các ảnh tư liệu thành 3 nhóm: áo dài, complet và trang phục hiện đại. Cũng có tư liệu ảnh không nằm trong nhóm đó, như ảnh tư liệu về một người đàn ông đóng khố. Mặc dù vậy, những hình ảnh còn lại rất đa dạng và cho hình dung về những thời kỳ đã qua. Chẳng hạn, những trang phục đám cưới hồi năm 1950, trang phục trên phố cũng thời kỳ này với áo dài và trang phục Âu; bức ảnh gia đình với trang phục rất truyền thống của người lớn nhưng lại là Âu phục cho trẻ em…
Các nhân vật nổi tiếng cũng xuất hiện trong nhóm ảnh này: nhạc sĩ Phạm Duy, nhà văn hóa Phạm Quỳnh, ca sĩ Ái Liên… Tới những năm 1980, có hình ảnh nam nữ thanh niên với những chiếc quần bò giá bằng cả chỉ vàng, hoặc những bộ váy được đi kèm với tất trắng cao tới đầu gối…
Nhưng bài tập thú vị nhất là thiết kế những trang phục theo ý muốn. Ở đó, các em sử dụng vải, phụ kiện như nơ, đá, khuy để cắt may những bộ quần áo đơn giản cho người mẫu bằng giấy. Áo dài là trang phục được nhiều em lựa chọn cắt và lên bộ rất linh hoạt. Những mảng ghép màu, những chất liệu khác nhau được các em tự chọn. “Con cắt áo dài bằng dạ đen cho ấm. Ở ngoài có một cái áo khoác bông cũng để cho đỡ lạnh”, Nguyễn Phương Thảo (11 tuổi) nói.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý cho biết ông đã cùng Tí Toáy Atelier làm nhiều workshop văn hóa như kiến trúc, bản đồ thành phố, tranh phong cảnh. Lần này, chương trình có chủ đề về trang phục phù hợp với thế mạnh của không gian văn hóa này là tạo hình và các hoạt động thủ công. Ông Quý cho biết: “Những hình ảnh trang phục được trích trong cuốn sách về Hà Nội sắp ra mắt của tôi và đều gắn với các hoạt động văn hóa. Nó có sự lịch lãm, trang nhã, tạo nên cảm nhận của các cháu về một xã hội văn minh, nền nếp tử tế, đâu ra đấy của hệ thống trang phục. Đây có thể chỉ là những lát cắt sơ lược, thậm chí chưa đầy đủ nhưng tạo ra cảm quan chung vì bản thân các cháu cũng đã có nhận thức riêng rồi”.
Đồng thời, qua cách hướng dẫn về trang phục, người tham gia cũng hiểu về việc trang phục có thể thay đổi theo thời kỳ, theo sở thích của bản thân đến đâu. “Dân chủ hóa của ngôn ngữ cơ thể, ngôn ngữ trang phục nó tạo ra cảm giác bây giờ ăn mặc xuề xòa hơn. Đúng là có hiện tượng những bộ trang phục như complet hay áo dài đòi hỏi người ta đi lại từ tốn khẽ khàng hơn, không va động mạnh. Nó là của một xã hội Hà Nội xưa khuôn mẫu như thế. Chúng ta sẽ thấy luôn luôn có những không gian đòi hỏi trang phục phải xứng với nơi đó. Nhưng nó cũng cho phép thể hiện cá tính”, nhà văn Nguyễn Trương Quý chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.