MC Phan Anh: “Thầy dạy tôi kiệm lời ngay cả với những gì mình biết rõ”
22/11/2016 16:30 GMT+7
MC Phan Anh - từ một MC truyền hình trở thành hình tượng nghĩa khí, can đảm giữa đời thường được rất nhiều người mến mộ - nói gì về người thầy mà anh kính trọng nhất nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11?
Tự động phát
|
“Ngẫm lại ngày ấy, chỉ cần bị thầy cô gọi lên bảng trả bài là đã… co vòi. Phải đến sau này khi đã ra trường rồi, về thăm thầy cô, mới dám nói hết “tâm sự” của mình, thì thầy cô chỉ cười xòa bảo rằng, con người ta sống trên đời phải biết sợ mới sống tốt được chứ. Câu nói này rất hay, khiến Phan Anh khắc cốt ghi tâm đến tận bây giờ”, Phan Anh tâm sự.
|
Mọi người cho rằng Phan Anh là người can đảm, không biết sợ sệt, dám đấu tranh đến cùng để bảo vệ chính kiến của mình. Nhưng Phan Anh cho biết anh cũng có nỗi sợ thầm kín của riêng mình. “Sợ mình không giữ được sự kiên định đến cuối cùng, sợ sức mạnh của nhiều thế lực làm mình nhụt chí, sợ nếu mình không lên tiếng đấu tranh cho lẽ phải thì dần dà mình cũng trở thành kể xấu lúc nào không hay”. Chính những nỗi sợ này đã tiếp thêm sức mạnh để anh vững vàng dấn thân vào hàng loạt những dự án cộng đồng, giúp đỡ đồng bào Miền Trung mặc dù chịu bao điều tiếng từ những người không hiểu mình.
Bước vào nghề truyền hình, có một “người thầy” nữa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến phong cách và thái độ của Phan Anh, đó chính là một người đồng nghiệp ở truyền hình cáp. Anh chia sẻ về kỷ niệm sâu sắc với người thầy đầu tiên trong nghề:“Ngày đó tôi được giao nhiệm vụ viết kịch bản cho chủ đề phổ nhạc cho thơ. Viết xong, tôi rất hào hứng và tự tin kịch bản của mình rất ổn, lời văn rất trau chuốt, ý tứ lai láng. Nhưng khi gởi cho chị Hạnh thì tôi nhận ngay một “gáo nước lạnh”, chị ấy sửa kịch bản tan nát cùng lời phê: hãy nói điều mình thực sự hiểu và thích, đừng hoa mỹ và giấu dốt. Hãy trân trọng những gì mình viết! Tôi giận đỏ hết mặt. Nhưng thế thì lại càng quyết tâm làm lại cho cẩn thận, tìm đọc tài liệu thật nhiều, viết câu nào chắc câu đó, không còn “ba hoa” vô tội vạ nữa. Và lần này, chị Hạnh phán ngắn gọn “tốt” và nói với tôi rằng “hãy giữ tinh thần đó của người làm báo, luôn cẩn trọng với những gì mình nói-viết và hãy truyền đạt mọi thứ với tinh thần dễ hiểu, dễ đọc nhất”. Và bài học đó đã đi theo Phan Anh suốt những năm làm nghề MC truyền hình, đó là không bao giờ nói điều mình không hiểu, không biết hoặc hiểu lờ mờ.
|
Đối với các con - thế hệ trẻ đã có sự khác biệt khá lớn với cha mẹ - Phan Anh vẫn luôn nhắc nhở về truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt, chỉ cho các con hiểu được giá trị của việc học và việc có được những người thầy đáng kính là sự may mắn trong cuộc đời mỗi con người. “Các con tuy chưa hiểu hết được những lời bố truyền đạt nhưng tôi tin rằng, việc kính trọng và biết ơn công lao dạy dỗ của thầy cô là điều các con tôi đều ý thức rất rõ. Còn gì xúc động hơn khi các con trai đã nhận ra “chân lý của sự tri ân”.
Bình luận (0)