Trong con hẻm hơn chục hộ gia đình nhiễm Covid-19, cả nhà em V.T.P.A. (6 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng trong hoàn cảnh tương tự. Chỉ khác là sau khi cách ly điều trị, mọi người đều về hết, chỉ thiếu mỗi mẹ của 3 chị em P.A.
Biến cố dồn dập
Tháng 3.2021, ông Võ Hùng (53 tuổi, ba của P.A.) bị tai biến, may mắn được hàng xóm sơ cứu kịp thời, vào bệnh viện được bác sĩ kéo ông về từ cửa tử. Ông Hùng phải trải qua ca phẫu thuật não và đặt máy trợ tim, uống thuốc chống đông máu cả đời để tiếp tục duy trì sự sống. Trước đó, ông Hùng làm công trình, chuyên nhận xây nhà phố. Một mình ông bươn chải chăm cả 3 con là P.N. (22 tuổi), P.N. (16 tuổi) và P.A. Vợ ông, bà Huỳnh Ngọc Thùy (45 tuổi) ở nhà quanh quẩn gian bếp, chu toàn việc nhà. Biến cố ập đến bất ngờ, số tiền cả nhà tằn tiện mấy năm trời đổ hết vào cuộc phẫu thuật cho người đàn ông trụ cột gia đình. Mẹ của P.A. bắt đầu đi giúp việc theo giờ để trang trải cuộc sống.
|
Quý nhà hảo tâm có nhã ý chung tay cùng Chương trình bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 của Báo Thanh Niên, vui lòng gửi thông tin trao đổi về việc nhận bảo trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 về email: baotrotremocoi@thanhnien.vn hoặc liên hệ số điện thoại: 0933044866 (gặp nhà báo Trần Thanh Bình, Ban Công tác bạn đọc). Trên cơ sở khảo sát tìm hiểu và thiết lập hồ sơ từng em mồ côi do đại dịch Covid-19 có hoàn cảnh sống khó khăn, đôi bên sẽ cùng tham gia ký bản thỏa thuận bảo trợ và lên phương án giúp đỡ cụ thể cho từng hoàn cảnh với mức bảo trợ theo từng giai đoạn. Quý nhà hảo tâm có nhã ý tham gia việc bảo trợ các em theo hình thức trực tiếp chuyển tiền mặt đến Phòng Tài vụ Báo Thanh Niên, số 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM hoặc chuyển khoản theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Ủng hộ trẻ mồ côi do dịch Covid-19. Báo Thanh Niên sẽ tính toán điều phối số tiền này cho chương trình một cách công tâm, hợp lý, hiệu quả nhất và sẽ cập nhật, công bố đầy đủ trên các ấn phẩm của Thanh Niên. |
“Tháng 7, cả nhà em mắc Covid-19, cùng nhau đi cách ly. Mẹ trở nặng được chuyển sang Bệnh viện quận Gò Vấp, em xin cho bé Như đi theo chăm mẹ. Qua tới đây mẹ diễn tiến tốt, cả nhà đinh ninh sắp được gặp lại nhau thì mẹ lại ra đi đột ngột. Covid-19 nghiệt ngã lắm”, P.N. tâm sự.
Ba mất sức lao động, chỉ vừa tập đi lại được vài bước, tay chân còn run rẩy, nói chưa rõ chữ vì di chứng của cơn tai biến. Giờ không còn mẹ, P.N. lau nước mắt, lập bàn thờ cho mẹ. Bỗng chốc thành người gồng gánh gia đình, Nhi phải tính cả chuyện ăn uống, thuốc men cho ba, liên hệ trường lớp sắp xếp việc học của các em… Mọi chuyện ụp hết lên vai, N. tự nhủ phải mạnh mẽ để là điểm tựa cho ba và các em.
P.N. tâm sự: “Từ ngày tai biến, tinh thần ba suy sụp nhiều, ba rất dễ khóc và khóc không kiểm soát được. Khi mẹ mất, ba chỉ ngồi yên trên phòng coi ti vi để quên đi chuyện đau buồn. Tụi em hiểu vậy nên cũng hạn chế nhắc về mẹ trước mặt ba. Nhưng ba dễ tủi thân lắm, chỉ cần nghe giọng người nhà qua điện thoại cũng rưng rức khóc”.
|
“Mẹ lên trời rồi…”
- N. ơi, mẹ đâu rồi/Mẹ đi lên trời rồi.
- Mẹ lên trời vậy em kêu mẹ về được không/Mẹ ở trên trời không xuống được.
- Vậy em lên với mẹ được không N.?
Những câu hỏi hồn nhiên của bé út P.A. như vết dao cứa vào tâm can hai người chị. Để em quên đi nỗi nhớ mẹ, hai chị em lại đánh trống lảng qua chuyện khác. Trong căn nhà nhỏ, P.A. tíu tít cầm sách Tiếng Việt chạy tới lui đọc bảng chữ cái. Thấy PV đang ngồi nói chuyện với hai chị về mẹ của mình, P.A. chạy đến bên hồ hởi: “Mẹ đi lên trời rồi. Mẹ có cánh bay lên trời. Mẹ sẽ khỏe lại và có sức mạnh. Trái tim yêu cho mẹ nè”. Nói rồi, em cúp bàn tay thành hình trái tim để trước ngực, tỏ vẻ thích thú. Cô bé vừa vào lớp 1 vẫn hồn nhiên, đôi mắt em trong veo khi nhắc đến mẹ, khiến những người ngồi bên lại nghèn nghẹn trong lòng. Hôm nào thuộc được một chữ mới, xem được một clip hay, P.A. lại chạy phăng phăng đến trước bàn thờ, kể chuyện cho mẹ nghe.
P.Nh., người ở bên mẹ những giây phút cuối đời và cũng là người thân với mẹ nhất, kể trong bệnh viện, em và mẹ nói nhiều về chuyện ở nhà. Biết Nh. học chưa giỏi, mẹ động viên, bàn kế hoạch hết dịch cả nhà cùng nhau đi chơi Đầm Sen. Nh. bộc bạch: “Hôm đó mẹ trở nặng, em theo mẹ vào phòng hồi sức tích cực, đứng bên thấy mẹ vẫn tỉnh, em gọi mẹ còn “ơi”, nhưng mặt mẹ đã trắng bệch vì thiếu ô xy. Em đứng đó được 5 phút thì ra ngoài nhìn mẹ qua lớp cửa kính, bác sĩ tích cực nhồi tim. 5 phút sau, bác sĩ ra báo mẹ em không qua khỏi...”.
Hình ảnh mẹ trước lúc ra đi cứ như một cuốn phim chiếu đi chiếu lại trong tâm trí của Nh. Mỗi tối trước khi đi ngủ, hình ảnh 10 phút quay chậm ấy lại hiện ra, lo sợ có, trống trải có…
Nỗi lo ngày mai nặng đôi vai chị hai
Trong căn phòng chưa đầy 10 m2 ở trên gác, ông Hùng nhìn chăm chăm vào ti vi, con gái út cầm chiếc lồng đèn ngôi sao 5 cánh chạy qua chạy lại trên giường. Vẻ mặt tiều tụy, ông gật đầu chào, rồi bật khóc nói những câu không rõ chữ. “Coi ti vi cả ngày vậy cho quên đi”, ông lắc đầu, chỉ lên trên lầu - nơi đặt bàn thờ và hũ cốt của vợ. Thấy ba khóc, P. A. dù chưa hiểu chuyện gì cũng vội vàng chạy qua thơm vào má.
P.N. hiện là sinh viên năm cuối ngành công nghệ sinh học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên; P.Nh. học lớp 10 Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.12, và P.A. vừa vào lớp 1 Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Q.Gò Vấp)… Đó vừa là niềm tự hào, cũng vừa là nỗi lo của chị hai P.N. vì giờ không có ai trong nhà làm ra tiền. Những đồng tiền mẹ còn để sót lại, N. chỉ dám dành mua thuốc cho ba qua ngày.
“Mỗi ngày ba em uống 12 viên thuốc, loại đắt nhất 60.000 đồng/viên. Em không dám mở loa tiếng tụng kinh lớn vì sợ ba nghe thấy lại buồn. Trước mắt khi hết dịch, bà ngoại em sẽ qua gửi tro cốt của mẹ vào chùa, làm lại bàn thờ cho mẹ. Giờ em chỉ mong sớm tốt nghiệp, đi xin việc để lo cho ba và các em ăn học”, N. chia sẻ.
Mấy chục năm trời, cả nhà N. không chụp ảnh cùng nhau. Chỉ có tết năm vừa rồi, Nhi và Như năn nỉ ba mẹ chụp cùng một tấm kỷ niệm. Nào ngờ đâu, đó cũng là tấm ảnh duy nhất được chụp chung với ba mẹ…
|
Bình luận (0)