Sau khi Thanh Niên đăng bài Mẹ chồng sống chung với… nàng dâu: Các mẹ hãy
xác định lại vị trí! (thực ra đó là phần 1 của câu chuyện nhiều có tên
Sống chung với… nàng dâu) bàn về một câu chuyện rất xưa nhưng rất mới.
Hôm nay xin đăng tiếp phần 2.
Chút chuyện bên lề
Đầu tiên phải xin lỗi bạn đọc cho tôi được xưng là Chị già. Chị vì cũng chưa đến mức thành cô, bà, nhưng già là vì đã có cháu nội. Hai là, được viết với ngôn ngữ bình dân, dùng từ địa phương như đang tám chuyện với các mẹ. Tám thì phải cho vui. Vậy nha.
tin liên quan
Mẹ chồng sống chung với… nàng dâu: Các mẹ hãy xác định lại vị trí!VTV1 đang phát những tập cuối 'Sống chung với mẹ chồng' vào giờ vàng, có khá nhiều người xem. Chị già, hòa trong không khí đó, cũng có xem một số tập. Chuyện phim hay dở nói sau.
Sau khi Thanh Niên đăng bài Mẹ chồng sống chung với… nàng dâu: Các mẹ hãy xác định lại vị trí! có nhiều bạn gặp Chị già cười ha ha. “Chị (cô) nói quá chính xác!”.
Chị già sau khi hơ hơ cười lại thì nghiêm mặt với mấy đứa trẻ trẻ (đang là nàng dâu) “Hay, sao không comment ủng hộ?”
Nói rứa để cho biết, chị già viết cái bài nớ là với tâm thế của một bà mẹ chồng (mấy đứa hiện đang là nàng dâu thì đừng có dại mà like chị).
Nàng dâu thì kiểu gì cũng phải mặc định ngay từ đầu là phải tôn trọng mẹ chồng, đừng có mà cả gan nói năng văng mạng, không nên!
Hôm nay, Chị già giữ lời hứa, tiếp tục đăng tiếp phần (Như thế nào, kiểu thứ tự các W, ai, tại sao, thế nào…).
Đầu tiên, Chị già nói thiệt là mình hình như có sẵn tướng làm mẹ chồng. Tại bởi, hồì lâu, khi con trai chưa có người yêu, có một bác đạo diễn người Hà Nội, đến cơ quan, thấy mấy em xinh đẹp toàn rủ sắp tới muốn mời đóng vai này vai kia trong phim bác ấy sắp làm. Chị già hỏi: “Vậy ông mời tui đóng vai chi?” Bác ấy nói chắc nụi: “ Mẹ chồng khó tính!” hahaha…
Con gái Chị già thì nói: “Công nhận ở với mẹ thì rất thú vị, cơ mà khi mẹ khó chịu thì khủng khiếp lắm!”. Là con gái mình nói đó nha! Mấy đứa cháu thì có lần bảo “ Mai kia o mà làm Mẹ chồng thì ôi thôi rồi”…. Hic.
Đó, mẹ chồng thì bẩm sinh khó tính, con dâu thì cá tính ngút trời, hứa hẹn để làm phim! Người ta không quan tâm mới lạ.
Nhớ lại: Hồi bọn trẻ nhà Chị già làm đám cưới xong, nhiều người hỏi Chị già: “Cảm giác thế nào, áp lực lắm không?”
Đặc biệt nhiều người còn rất ngạc nhiên và ái ngại khuyên: “Sao cưới dâu về mà để ra ở riêng liền vậy, ít nhất là để nó làm dâu vài tháng đã chớ làm vậy không sợ người ta nói à?” (Ý là không biết giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống chi cả, thiệt là ái ngại làm sao!)
Đồng minh
Bây giờ cho Chị già hỏi lại: “Người ta có sống cuộc sống của mình không?”
(Hóa ra làm mẹ chồng cũng áp lực lắm chớ phải na).
Với Chị già, “ sống chung” không có nghĩa là “ở chung”.
Thiệt tình, sẽ sung sướng thoải mái hơn nhiều khi hai anh chị già sáng ra ngủ không được thì pha trà mà uống, mở báo mà đọc, nóng thì mặc quần đùi mà thênh thang trong nhà hết phòng ni qua phòng khác…
Bọn hắn trẻ, đêm thức làm việc, coi phim, sáng ngủ nướng, xong kêu trà sữa cơm tấm về vừa ăn vừa đùa… Kệ hắn!
Chẳng biết có chi sướng ích khi sáng ra mắt nhắm mắt mở, hắn gõ của hỏi: “Hôm qua mẹ ngủ được không?” Xong rồi mặt mày bơ thờ vội vội vàng vàng khệ nệ dọn đồ cho mẹ ăn sáng (mất độc lập tự do òm).
Tất nhiên sẽ có người nói, như rứa là thiếu nền nếp, thiếu giữ gìn bản sắc dân tộc…
Chị già nói thiệt: Bản sắc chi thì mục đích cuối cùng cũng là để mọi người luôn cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ, hài lòng. Một gia đình được coi là hạnh phúc chỉ khi mọi cá nhân trong đó đều thấy hạnh phúc.
Chị già nhớ là sau khi con trai và con dâu làm lễ đính hôn (bắt đầu gọi ba mẹ của bên kia bằng ba mẹ), Chị già đã có một cuộc nói chuyện ngắn với hai đứa.
Nội dung chủ yếu là thống nhất vài điểm cơ bản:
Một là, khi chúng ta quyết định kết hôn với ai đó tức là chúng ta sẽ chung sống với không chỉ với người đó mà phải thích nghi và chung sống với một gia đình, một dòng họ và cả một nền văn hóa mà người đó thụ hưởng.
Hai là, sau khi kết hôn, các con sẽ ở riêng. Nếu chưa có tiền để mua hoặc làm nhà thì hãy đi thuê, nhưng nói chung là nên ở riêng!
Có rất nhiều việc phải làm sau khi kết hôn nhưng tạm thời là rứa đã, cứ giải quyết từng việc một.
Bọn hắn nghe xong đưa mắt liếc nhau cười đầy… thấu cảm.
Cũng phải công nhận, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu thực sự sẽ được nâng lên tầm cao mới khi có cháu.
Nhưng nói thiệt chớ Chị già thấy sao sao á khi có cô bạn gái vừa đến chơi là đã vội vội vàng vàng “về để bồng cháu kẻo để mẹ con hắn một mình”. Rồi thì thấy rất nhiều chị đồng nghiệp ngất ngây kể: “Vợ chồng hắn chuẩn bị sinh tiếp để bà trông luôn thể”.
Nhìn qua nhìn lại, hóng hóng bạn bè để học tập đặng áp dụng cho bản thân, nhận ra một vài điều nữa. Có cảm giác: Từ những gương mặt khó tính uy nghi, một thế hệ mẹ chồng mới đang hình thành với hình ảnh của một Osin không hơn không kém!
Xin được nói thật dù Chị già là người… cuồng cháu.
Đôi khi cứ thầm hỏi: Ủa, chớ ngoài bồng cháu ra bà không có chi để say mê nữa sao (Trồng hoa, đi chơi với ông hay với bạn chẳng hạn…).
Sao không để cho con cái mình, dâu rễ mình sống cuộc đời của chúng. Hãy cứ để cho các con mình tự quyết định và chịu trách nhiệm về gia đình nhỏ của nó. Cứ bắt đầu từ việc tôn trọng những sở thích cá nhân, những nguyên tắc mà chúng đặt ra trong cái gia đình mới kia…
Thực ra, bất cứ cuộc hôn nhân nào, gia đình nào, cũng đều ẩn chứa trong đó rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Tuy nhiên, như bài trước đã nói, trước khi được làm mẹ chồng thì ai cũng đều là những nàng dâu. Vì vậy, mối quan hệ này rất dễ có được sự “thấu cảm” (coi như theo trào lưu để câu like, trừ trường hợp có nhiều cựu nàng dâu vì bị ấm ức quá nên khi được làm mẹ chồng rồi thì trả thù cho nó biết!). Sự thấu cảm sẽ giúp cả hai bên thấy người kia là đồng minh của mình. Khi đã là đồng minh thì sẽ dễ thông cảm, tôn trọng nhau hơn bằng sự chân thành. Còn nếu coi dâu là đối tượng đã san sẻ mất tình cảm của con trai mình giành cho mình thì sẽ bứt rứt. Dâu hiền quá thì kêu chậm, đù; cá tính thì kêu thiếu phép tắc…
Một khi, mẹ chồng, với việc không ngừng tự làm mới mình bằng việc hãy giành thời gian thích đáng để cập nhật thêm những kiến thức mới của nhân loại, cùng với kinh nghiệm được tích lũy từ thực tế để rồi từ đó hậu thuẫn cho con dâu ngay từ “thủa bơ vơ mới về” trong việc tổ chức gia đình của nó thì chắc chắn không có nàng dâu nào dù bướng bỉnh đến đâu lại coi mẹ là đối thủ.
Hãy góp ý nhưng đừng áp đặt. Bởi vì:
“Con cái sinh ra thông qua bạn chứ đâu từ các bạn. Cho dù có ở cùng chúng vẫn chẳng thuộc về các bạn…vì tâm hồn chúng tú ngụ trong ngôi nhà của ngày mai, nơi mà các bạn không thể đến thăm dù chỉ là trong mộng tưởng”.
“Chúng ta chỉ có thể cố công để giống chúng nhưng đừng tìm cách để làm chúng giống mình”. Đó là những lời được Kahlil Gibran viết ra từ rất lâu rồi.
Còn với Chị già, khi có một người nào đó giữa cả tỉ người, tự nhiên gắn bó với con mình, nương tựa, vỗ về, cùng con mình cả những khi đau ốm lẫn khỏe mạnh, vui vẻ lẫn buồn tủi, rồi cùng sinh ra những đứa cháu… há chẳng phải là duyên nợ ngàn kiếp rồi đó sao?
Để rồi, một hôm, lòng bỗng rưng rưng khi nghe từ phòng bên con dâu đang tranh luận với con trai chuyện gì đó đã dẫn nguồn “mẹ nói”.
Rồi một hôm khác, nghe chị giúp việc kể: “Bữa nay, cứ chiều tối là hai mẹ con lại soạn ghế bế nhau ra ngồi hóng xuống. Nhiều hôm cứ: “Sao giờ này mà vẫn chưa thấy bà đến vậy ta?”
Và sẽ rất vui vẻ khi vài ngày, cả con dâu với mẹ chồng đóng bếp kéo nhau ra ngoài ăn, xong đứng dậy về khỏi mất công nấu nấu dọn dọn.
Thỉnh thoảng bọn hắn cùng ông bà nội ngoại trốn đi đâu đó chơi vài hôm đổi gió xong về tiếp tục thức đêm quần quật làm việc kiếm tiền.
Hạnh phúc là được nhìn thấy ánh mắt đang cười của con trai và con dâu khi chúng quàng tay mỗi khi ở bên nhau.
Là một ngày, đột nhiên con dâu bụng mang dạ chửa xuất hiện ở hành lang của bệnh viện chỉ một mực để con chở mẹ về vì không muốn mẹ chạy xe giữa nắng.
Và một ngày kia, khi chúng ta từ giã cõi đời này, giữa những người thân yêu ta nghe con dâu mình tha thiết gọi: “Mẹ ơi…”.
Bình luận (0)