Ngày tôi đưa chồng tương lai về nhà ra mắt, bố mẹ tôi đều không chê anh điểm gì, thứ khiến cả bố và mẹ khóc nhiều nhất đó là: nhà anh ở xa quá.
Tôi ở một tỉnh thành miền Bắc, anh ở Sài Gòn, từ nhà anh về tới nhà tôi là gần 2.000 km. Trước ngày đưa dâu tôi, mẹ cẩn thận gấp từng món đồ vào chiếc va li cho con gái và cứ thế khóc nức nở: “Con ơi, giờ là con người ta rồi, con khó về với bố mẹ lắm biết không. Rồi lúc con đau ốm, mẹ làm sao ở cạnh bên mà nấu cho con bát cháo, nồi nước xông. Rồi khi mẹ chết, biết đâu con chẳng kịp về...”.
Tôi giấu đôi mắt mình trong lớp chăn bông, cắn chặt răng để những tiếc nấc nghẹn ngào không thể thoát ra. Nhưng, đó vẫn chưa phải là những ngày tôi thấm thía giọt lệ buồn của mẹ…
Lấy chồng rồi, là làm chủ cuộc sống của riêng mình, đói no tự chịu, khổ sở cũng không dám than vì sợ bố mẹ đau lòng.
|
tin liên quan
Mẹ chồng - nàng dâu Việt: 'Sốc' vì bị cho ăn cơm trứng chiên khi ở cữGiá như, mẹ đẻ ở gần, con tôi sẽ chẳng bao giờ thiếu thốn tình yêu thương, chẳng bao giờ tôi phải nơm nớp lo sợ rằng hôm nay con ăn gì, con có bị người ta mắng không, đánh không, quát nạt không…
Tôi nhớ những ngày ở trong vòng tay cha mẹ đẻ, những ngày cuối tuần về thăm nhà, mẹ lúc nào cũng hỏi “con thích ăn món gì”, thế rồi dù giữa trưa nắng gắt hay sáng mùa đông lạnh cắt da, mẹ cũng tỉ mẩn nhiều giờ liền trong bếp.
Về nhà chồng rồi, tôi tự lo bếp núc của mình. Mỗi buổi chiều, tôi mê mẩn phóng xe từ cơ quan về qua chợ, rồi đón con từ nhà trẻ. Chưa kịp thay bộ đồ đã bết mồ hôi, hai mẹ con tự xoay xở trong bếp. Con khóc không chịu ngồi trong cũi, tôi để con bò dưới chân mình và chơi đồ chơi của riêng con. Còn tôi hối hả với gạo, nước, rau, cá, mồ hôi rơi không kịp lấy tay lau. Lắm lúc tủi thân vì thấy chỉ có một mình, tôi ôm con trong lòng, hai mẹ con cùng khóc.
Tôi nhớ lời mẹ dặn ngày xưa, trước khi tôi đi lấy chồng xa “Con ơi, rồi khi con bận con mệt, ai sẽ đỡ đần con bếp núc, việc nhà? Mẹ chồng con có giúp con không? Chồng con có giúp con không? Ai sẽ thương con thay phần của mẹ...”.
Lấy chồng rồi, là xa nhà cả giỗ chạp, lễ, tết, thanh minh. Tôi sợ nhất những dịp đoàn viên, chẳng mấy khi dám vào facebook nhìn cảnh bạn bè khoe ảnh đoàn tụ với cha mẹ, anh em. Những ngày ấy, bố mẹ lúc nào cũng gọi điện hỏi thăm, tôi bảo: “Bố ơi, bố nhắn tin cho con nhé, con chăm em bé không nói chuyện được lâu”. Nhưng thật ra, tôi sợ mình khóc òa lên khi nghe tiếng bố, nghe tiếng mẹ và tiếng các cháu ríu rít ở đầu dây phía ấy. Xa nhà 2.000 km rồi, tôi lúc nào cũng ước ao, giá như chỉ là 20 km.
|
Nằm đó, giữa một căn phòng xa lạ, im ắng, qua ô cửa sổ tôi thấy bầu trời rất xanh và nắng rất trong, những con chim trong chiếc lồng sắt của ông hàng xóm cất những tiếng kêu thảng thốt.
Nếu giờ này được ở quê nhà, mẹ sẽ nấu cho tôi một bát cháo trứng rắc rất nhiều hạt tiêu và bỏ rất nhiều hành. Sau đó, mẹ sẽ xuống vườn, mang về một bó lá xông với đủ hương nhu, cỏ sả, lá tre, lá khoai, lá bưởi mà chỉ ngửi mùi thôi cũng đủ thấy mình khỏe lại. Tối đó, mẹ tôi sẽ bế con bé và chơi cùng nó, dạy nó đọc bài thơ “Con chim chích, mày đậu cành chanh” rồi cả hai bà cháu cười như nắc nẻ.
Tôi giật thót mình. Tiếng mẹ chồng tôi đang mắng ai đó xa xả trước hiên nhà. Tôi uống 2 viên thuốc cảm màu vàng và chìm vào một giấc ngủ nhiều mộng mị, tôi thấy mẹ tôi, khu vườn tuổi thơ tôi và bầu trời nắng rất trong. Tôi thấy mắt mình đang có hai dòng nước…
Bình luận (0)