Mẹ đơn thân: Những người kỳ lạ?

16/05/2014 09:55 GMT+7

Ngày xưa, có thai mà không chồng sẽ bị cạo đầu, bôi vôi, đẩy ra sông cho chết, làng xóm xung quanh bu lại xem, ra điều hài lòng cho cái tục lệ và lề thói của mình lắm. Thời nay thì sao?

Ngày xưa, có thai mà không chồng sẽ bị cạo đầu, bôi vôi, đẩy ra sông cho chết, làng xóm xung quanh bu lại xem, ra điều hài lòng cho cái tục lệ và lề thói của mình lắm.


Nhiều người chưa có cái nhìn cảm thông đối với mẹ đơn thân - Ảnh: Reuters

Thời nay không ai dã man như vậy nữa. Nhưng nếu một phụ nữ muốn làm bà mẹ đơn thân, thì những “hình phạt của đời” kiểu cạo đầu bôi vôi kia lại xuất hiện dưới một hình thức khác.

Những ánh mắt kỳ lạ

Khi mang thai, nhiều thai phụ đơn thân luôn cảm thấy buồn trước những ánh mắt kỳ lạ. Bạn bè dòm bụng cô to dần, thay vì sờ em bé, nói chúc mừng bạn, lại hỏi “Có sao không?”, “Không chồng rồi em phải lo bé sao?” Phụ nữ lớn tuổi trong xóm, trong làng đi qua lại nhà, cứ dòm vô, ánh mắt không chứa niềm hoan hỷ cho một bé thơ sắp chào đời mà như chực đợi xem có gì hay, có gì mới từ ngôi nhà ấy. Những cậu bạn trai trước kia là bạn thân cô gái cũng nhìn cô như một sinh vật lạ. Đó không phải cái nhìn ác ý, nó dường như chỉ chứa đựng sự bất ngờ, ngạc nhiên, cả những dấu hỏi tò mò mà miệng họ không nói ra, nhưng đong đầy trong mắt.

Có một bà mẹ đơn thân từng tâm sự, đi siêu âm cho bé, bác sĩ ở phòng khám tư khám xong hỏi rõ to: “Chồng đâu, đọc tên chồng!” - Chị nói: Không có, em làm mẹ đơn thân. Bác sĩ nhìn chị lom lom. Một ánh nhìn khác với khi người ta nhìn những bà bầu đi khám thai mà có một anh chàng đi kèm, đó là ánh nhìn của sự khuyết thiếu, như thể ý hiểu ra rằng: “à, cô không có chồng!”.

Nhưng khổ sở hơn hết, một cô gái trẻ khi làm mẹ đơn thân phải đối mặt với chính gia đình mình. Gánh nặng của nghén, bầu, đau ốm những ngày có thai giờ nặng thêm gấp chục lần khi thỉnh thoảng cô thấy mẹ ngồi trong nhà một mình, nước mắt lã chã rơi, nhìn cô đầy vẻ thương xót. Có ông bố còn không thèm nhìn mặt con gái. Có ông bố “không muốn xấu mặt”, bắt ngay bà mẹ đi tìm một trung tâm cưu mang phụ nữ có thai ngoài ý muốn, ép con gái vào ở. Có người anh trai nghiêm khắc, ép em gái mình về quê, lên núi ở với người họ hàng xa nào đó, miễn là anh khỏi thấy con em có thai một mình ấy ở quanh nhà và nghe người khác xầm xì.

Và thế là, rất nhiều bà mẹ đơn thân, dù chủ động khao khát con trẻ, trong những ngày nghén, sắp mang nặng đẻ đau, cũng phải lặng lẽ dọn ra ở một phòng trọ riêng để tránh được các ánh mắt kỳ lạ từ những người thân của chính mình. Lúc ấy, các chị đành gửi gắm ngày “khai hoa nở nhụy” của mình cho... bà hàng xóm, đứa bạn ở... cách xa 10 km, cho... cô bán cháo trước cổng phòng trọ, để lỡ lúc đau còn có người gọi xe đưa vào bệnh viện. Và dưới những áp lực ấy, cái “danh hiệu” làm mẹ trở nên cực nhọc vô cùng tận.

Đạp mọi nỗi đau để chào đón thiên thần

Chỉ có một điều tuyệt vời duy nhất mà không ai chịu hiểu dùm cô gái: Cô đang hoài thai một con người, và can đảm gấp đôi những bà mẹ bình thường, vì cô chỉ có một mình và muốn làm mẹ.


Mẹ đơn thân phải chịu nhiều áp lực vô hình lẫn hữu hình - Ảnh: Reuters

Sẽ có 1.000 câu hỏi lý trí xuất hiện và chất vấn những bà mẹ đơn thân theo kiểu: “Sao cô ích kỷ thế, cô muốn con cô không cha à?”, hay “Sao cô không nghĩ đến đứa bé sẽ khiếm khuyết vì không có người đàn ông ở bên cạnh?”, “Em nghĩ coi, sẽ thế nào nếu con em bị bạn bè hỏi cha nó đâu?” - Nhưng một bà mẹ khi đã hoài thai em bé trong bụng mình sẽ không còn dư thời gian để nghĩ về những câu hỏi ấy.

Họ bận rộn chuẩn bị tiền bạc để chờ ngày sinh con. Họ bận rộn đi mua áo quần cho em bé nhỏ xíu. Họ chuẩn bị và lo lắng khi em bé lớn lên đi học sẽ ứng xử ra sao khi bị bạn bắt nạt, sẽ học điều gì để trở thành người tốt, sẽ học ăn, học nói thế nào qua từng tháng năm. Khi can đảm chọn lựa được thực hiện thiên chức làm mẹ, mọi bà mẹ trên đời này đều sẵn sàng chấp nhận những cay cực nhất trong cuộc đời.

Có những lý lẽ lớn hơn lý trí, hơn cả sự hiện diện của một người đàn ông trong đời, lớn hơn cả nỗi sợ giàu nghèo, đó là lý lẽ của tình mẹ con. Vì thế, khi không thể đưa tay ra để giúp một bà mẹ đơn thân, những người xung quanh có thể làm một việc để bớt gây ảnh hưởng đến họ nhất, đó là đừng nhìn họ như những người đàn bà dị giáo, đừng gắn cho những đứa con của họ "huy hiệu" không cha và khiến tâm hồn chúng khổ sở ngay từ tấm bé.

Khi một người đàn bà đã sẵn sàng làm bà mẹ đơn thân, họ sẽ có đủ can đảm để vượt qua mọi tiếng cười của người đời, vượt qua mọi trò ''cạo đầu bôi vôi", vượt qua những câu hỏi sống sượng nhất, bởi với họ, lúc ấy chỉ còn một sự thật có lý duy nhất đang tồn tại: Họ sắp được chào đón đứa con bé bỏng của mình. 

Thế giới này tồn tại được là nhờ có các bà mẹ. Ta nên tôn trọng những người đàn bà ấy, nhường họ trên xe buýt, mở cửa mời họ vào, đỡ đần, săn sóc họ, thay vì nhìn họ như những sinh vật kỳ lạ.

Xin đừng làm mẹ khóc, dù theo bất cứ một cách thức nào!

Duy Minh (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo đang sống và làm việc tại TP.HCM

>> Sức mạnh người mẹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.