Dân gian có câu “Hổ dữ không ăn thịt con”. Vậy mà một số bà mẹ Việt ngày nay lại sẵn sàng giết con mình chỉ vì tức giận chồng.
|
Thời gian gần đây, báo chí liên tục thông tin việc các bậc cha mẹ vì giận hờn, ghen tuông nhau ngoài tự hủy hoại cuộc sống của mình còn đang tâm tước đi cuộc sống của những đứa con do mình dứt ruột đẻ ra. Những câu chuyện ấy khiến không chỉ làm đau lòng người nghe mà còn cho một cảm giác bất an về một thực trạng xã hội mà ở đó con người ta vì lý do nào đó sẵn sàng giết bản thân và giết con cái mình.
Còn bạn, bạn có thể nghĩ gì khi đọc được những tin như: Nhẫn tâm chém đến chết con trai 8 tuổi chỉ vì giận chồng lấy vợ hai; giận chồng, mẹ giết chết con mới hai tháng tuổi; cãi nhau với chồng, vợ chèn gối giết chết đứa con một tuổi rồi tự vẫn; giận chồng, ra tay sát hại hai con (2 và 3 tuổi) rồi tự vẫn; giận chồng, tự treo cổ cả hai mẹ con…
Dân gian có câu “Hổ dữ không ăn thịt con”. Vậy mà một số bà mẹ Việt ngày nay lại sẵn sàng giết con mình chỉ vì tức giận chồng.
Cần nhìn nhận rằng liên tiếp xảy ra nhiều vụ án tương tự cho thấy hành vi này không phải là cá biệt hay chỉ là chuyện của một gia đình… Thách thức này cần được nhìn nhận trên bình diện xã hội… Đó là bài toán cần được giải mã, là câu chuyện phản ánh những lát cắt mới của cuộc sống. Phải chăng áp lực quá lớn đang đè nặng trong đời sống của mỗi người? Phải chăng sự mệt mỏi và căng thẳng quá mức dễ làm cho con người không còn đủ tỉnh táo để có thể ứng xử phù hợp?…
Có thể nói mỗi gia đình là một hoàn cảnh. Nhưng việc tự cho phép mình vượt quá giới hạn chính là bi kịch lớn nhất… Khi cuộc sống xã hội với nhiều thách thức, cuộc sống gia đình quá bức bách có thể đẩy nhiều bậc phụ huynh nóng nảy bất thường, thiếu kiểm soát hành vi của chính mình và thậm chí là có những kiểu hành xử lệch chuẩn. Đó chính là kiểu tự cho mình có quyền sinh, quyền sát với đứa con của mình, cho mình có quyền “thay trời hành đạo”. Nó phản ảnh sự kiểm soát kém của bản thân, sự thiếu bản lĩnh, sự ích kỷ và chủ quan quá mức của mỗi cá nhân – người mẹ trong cuộc sống này… Đó cũng chính là sự cùng quẫn trong tâm lý, là tình trạng tinh thần có vấn đề trong cuộc sống của một số cá nhân trong giai đoạn hiện nay. Điều này cho thấy việc quan tâm đến đời sống tinh thần thực sự là điều cần chú ý…
Chính guồng quay của cuộc sống xã hội, áp lực đa chiều bủa vây, cũng như việc có quá nhiều trách nhiệm và nhiệm vụ làm cho người ta thiếu cân bằng. Như đã khẳng định, chữ tình trong những sự vụ trên khó có thể nói là ít hay nhiều nhưng chữ nghĩa, chữ lý, chữ trí… vô tình bị xem nhẹ! Người ta có thể nổi nóng, có thể ích kỷ, có thể thất vọng nên căng thẳng, người ta có thể bị quy luật di chuyển của tình cảm nhưng không thể quên đi trọng trách hay sự bao dung của chính mình… Những điều này cần được xem xét và chấn chỉnh ngay để hạn chế sớm những hệ lụy.
Thực trạng trên cho thấy việc giải quyết các vấn đề mang tính tương tác giữa con người và con người cần được quan tâm nhiều hơn. Song song đó, cần chú trọng việc quan tâm đến stress cũng như sự định hướng cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi con người cũng như cả cộng đồng. Hơn thế nữa, ngay từ sớm, việc chuẩn bị tâm lý lứa đôi hay chuẩn bị chung sống cho các lứa đôi là điều cần làm. Tôi cho rằng chúng ta cần đẩy những giá trị làm người, làm cha, làm mẹ trở thành một nội dung để giáo dục các cặp vợ chồng mới kết hôn…
Đặc biệt, việc quan tâm đến đời sống tinh thần của con người là điều cần làm ngay. Cũng cần có những chiến lược chăm sóc tinh thần cho mỗi cá nhân đặc biệt là những đối tượng nhiều hiểm nguy... Các mối quan hệ gia đình phải được xây dựng theo nguyên tắc: Thân tình - dân chủ.. Điều này cần được thực hiện một cách nghiêm túc và dựa trên sự tự nguyện của mỗi thành viên, nếu có.
Hãy cho con mình sự sống trước khi mong muốn cho con mình cuộc sống hoàn hảo. Cuộc sống còn nhiều thách thức và con người ta phải luôn đối diện với nó nhưng tình yêu thực sự của người mẹ sẽ giúp họ vượt lên được những những khủng hoảng tinh thần, giúp họ tìm lại được lý trí. Lẽ thông thường, đứa con chính là nguồn động lực lớn lao, là lẽ sống của người mẹ trước những khổ đau, thử thách.
Làm người cần song hành với làm mẹ. Đừng vì những oan ức của mình mà tự cho phép tước đoạt quyền được làm người của con.
Huỳnh Văn Sơn*
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, PGS - TS, Phó trưởng Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM
>> Giận chồng, giết con
>> Mẹ giết con chỉ vì chồng nói con không giống ba
>> Phát hiện người mẹ trong tư thế treo cổ, ôm đứa con đã chết
Bình luận (0)