Mẹ giữa mùa Vu Lan - Kỳ 2: Oằn lưng dưới cả tấn hàng nuôi con ăn học

16/08/2016 09:16 GMT+7

Chồng mất sớm, một mình cô Bích 'lặn lội thân cò' oằn mình kéo từng xe hàng nặng hơn 200kg ở chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM) mỗi đêm để con trai có tiền đóng học phí.

12 giờ đêm, khi mọi người ngon giấc trên chiếc giường ấm áp thì lại là giờ làm việc cao điểm của cô Ngô Thị Ngọc Bích (54 tuổi, ngụ quận 12) - nữ cửu vạn (bốc vác) tại chợ đầu mối Thủ Đức.

tin liên quan

Trái tim của người mẹ ve chai
Ngay lúc cùng khổ nhất, người mẹ ấy vẫn không bỏ con. Dù phải sống ngoài lề đường, người mẹ già nua vẫn nhặt ve chai để nuôi đứa con bệnh tật.
 
 
Ứa nước mắt khi con xin tiền học
Ngày nào cũng vậy, đúng 7 giờ tối cô Bích đón xe buýt từ cầu vượt Quang Trung đến chợ đầu mối Thủ Đức để bắt đầu công việc.
Cô Bích kể, khi cậu con trai duy nhất vừa tròn 6 tuổi thì chồng qua đời. Từ đó, tất cả công việc gia đình đều do một tay cô gánh hết.
“Làm công nhân ban ngày thì lương không cao nên tôi qua chợ Cầu Muối xin làm thế chân bốc vác của chồng lúc còn sống. Công việc nặng nhọc nên người ta cần cửu vạn thanh niên khỏe mạnh chứ nhìn thấy mình thấp bé người ta cũng ngại. Tôi năn nỉ mãi rồi thuyết phục làm thế chân suất của chồng với đang thất nghiệp và nuôi con nhỏ thì họ mới chịu”.
Cô Bích luôn miệt mài từ 8 giờ tối đến 2 giờ đêm hôm sau
Cô Bích luôn miệt mài từ 8 giờ tối đến 2 giờ sáng hôm sau Ảnh: Vũ Phượng
Sau ngày làm việc đầu tiên, hai bàn tay sưng rộp, vai mỏi nhừ còn lưng thì đau thắt lại nhưng sợ mất việc nên cô vẫn tới chợ thật sớm để tiếp tục. Những ngày đầu chưa quen việc, những vết rộp ở tay vỡ ra rỉ máu, đau rát nhưng cô vẫn kiên trì kéo gần 50 xe hàng trong đêm với sự giúp đỡ và ngưỡng mộ của những đồng nghiệp nam.
Cô tâm sự: “Tháng đầu tôi làm chưa quen việc nên tiền công không nhiều, lại nuôi thêm mẹ già nên mỗi lần con về xin tiền học hay mua sách vở mà không có thì chỉ biết im lặng. Rồi sau đó thầm khóc”.
Dáng cô Bích nhỏ bé nhưng vẫn kéo những xe hàng cả trăm kg
Dáng cô nhỏ bé nhưng vẫn kéo những xe hàng cả trăm kg Ảnh: Vũ Phượng
Đến năm 2003, chợ Cầu Muối giải thể, cô Bích lâm vào tình cảnh bế tắc do không tìm được việc làm. May sao có một đồng nghiệp cũ nói cô cầm quyển sổ ghi chép công việc lúc còn làm ở chợ Cầu Muối đến xin làm lại công việc cũ ở chợ đầu mối Thủ Đức mới mở. Vì có kinh nghiệm, cô được nhận và trở thành một trong những nữ cửu vạn đầu tiên ở khu chợ nông sản sầm uất này.
Một năm chỉ ngủ ở nhà đêm giao thừa
Cứ như vậy, cô Bích gắn bó với công việc cửu vạn ở chợ đầu mối Thủ Đức bất kể ngày mưa hay nắng. Mỗi tháng công ty cho nghỉ phép 4 ngày nhưng cô không nghỉ mà cứ làm quần quật quanh năm. “Nhiều hôm thấy uể oải nhưng chị Bích vẫn cố đi làm, chỉ khi nào ốm liệt giường mới chịu nằm viện”, một đồng nghiệp lâu năm kể về cô Bích.
Công việc của cô thường kết thúc lúc 2 giờ sáng... Ảnh: Vũ Phượng
Trung bình mỗi đêm cô kéo khoảng 50 lượt hàng nặng từ 100-250kg từ xe tải đến các sạp. Mỗi lần kéo hàng nặng hay chuẩn bị lên dốc, cô lại đứng thở một phút rồi lấy đà kéo tiếp. Dáng người nhỏ bé, gầy còm kéo từng xe hàng một cách vội vã, nhưng vẫn niềm nở: “Mấy ngày nay trời nắng kéo khỏe nè, chứ mấy ngày mưa trơn trượt ghê lắm, trượt chân một cái là cả tạ rau củ đè lên người, không biết sao luôn”.
Tất cả chi phí trong gia đình đè nặng lên đôi vai của cô Bích
Tất cả chi phí trong gia đình đè nặng lên đôi vai của cô Ảnh: Vũ Phượng
Thường thì công việc kết thúc lúc 2 giờ sáng, nhưng cũng có những hôm xe xuống hàng nhiều phải làm thêm 30 phút.
Sau đó, cô đến khu nhà của đội bốc xếp để nghỉ ngơi và chợp mắt chờ đến 4 giờ đón xe buýt về nhà. Do đặc thù công việc nên cả năm chỉ có một đêm duy nhất cô ngủ ở nhà với con là đêm giao thừa. “Có lần con trai tới chợ để xem công việc của tôi, nó òa khóc và đòi đi làm thêm để phụ mẹ nhưng tôi không đồng ý vì muốn con tập trung cho năm cuối đại học”, cô Bích kể.
Công việc nặng nhọc nhưng cô Bích vẫn luôn niềm nở với mọi người
Công việc nặng nhọc nhưng cô vẫn luôn niềm nở với mọi người Ảnh: Vũ Phượng
Đã 20 năm trôi qua, đôi bàn tay cô không còn sưng rộp mà là những vết chai cứng, mái tóc cũng bạc hơn nhiều so với độ tuổi.
Gần 1 giờ sáng, chợ đầu mối Thủ Đức vẫn tấp nập xe cộ ra vào, tiếng lạch cạch của xe đẩy hàng trộn với tiếng thúc hối của chủ sạp và tiếng nói của cửu vạn làm náo nhiệt cả khu chợ. Giữa sự huyên náo ấy, cô vẫn miệt mài kéo từng xe bắp cải nặng 250kg để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống của 3 người trong gia đình, đặc biệt là người con trai đang học đại học.
“Khu vực rau củ có 358 cửu vạn nhưng chưa tới chục người là nữ. Những người này đã làm việc rất lâu, đa số từ chợ Cầu Muối cũ theo nghề về chợ mới này chứ công ty không tuyển mới cửu vạn là nữ do đặc thù công việc nặng nhọc, thức đêm”, một quản lý đội bốc xếp cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.