Mẹ khóc nghẹn vì con gái nén nỗi đau mới mất cha, lên đường chống dịch

13/07/2021 11:39 GMT+7

“Ba mới mất, nhà chỉ còn 2 mẹ con nên mẹ rất sợ khi mình tham gia hỗ trợ chống dịch chẳng may có chuyện gì. Mình rất thương mẹ nhưng cũng thương Sài Gòn, thành phố đang ốm nặng nên mình muốn góp một chút sức nhỏ”.

Những lời chia sẻ của Lê Thị Ngọc Thùy, cô sinh viên năm nhất Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam phân viện miền Nam, sau khi nén đi đau thương vì mất ba, động viên mẹ cho mình được tham gia hỗ trợ chống dịch, khiến nhiều người phải rơi nước mắt.
“Cũng có những lúc mình yếu lòng, đó là những lúc nghe mẹ khóc, hay mỗi lần tiếp xúc với F0 là tụi mình phải test nhanh xong mới được về, thật sự những lúc đó mình rất sợ, mình sợ mình có gì mẹ không vượt qua được, vì mẹ cũng bị bệnh tim. Chứ còn bản thân thì mình chỉ muốn sống hết mình vì tuổi trẻ, mình muốn làm thật nhiều điều có ý nghĩa cho cuộc đời để sau này không phải hối tiếc”, cô sinh viên năm nhất tâm sự.

Sáng sớm nay (13.7), Thuỳ đã tất bật hỗ trợ pha thuốc để xịt khuẩn tại các khu vực có ca dương tính

NVCC

“Khi nào Sài Gòn khỏe lại, mẹ con ta lại đoàn tụ”

Ba Thùy bị bệnh nặng mất cách đây được 44 ngày, mẹ bị khuyết tật ở chân do ảnh hưởng chất độc màu da cam. Cuộc sống gia đình khó khăn, mẹ không làm được việc nặng nên đi vá lưới thuê cho người khác, thương mẹ nên Thùy vừa đi học vừa đi làm để trang trải cuộc sống. Khi ba mất, Thùy về quê (ở Cà Mau) lo tang cho ba và phải chịu cách ly ở nhà 14 ngày theo hướng dẫn của y tế địa phương. Trong 14 ngày đó, Thùy thấy Thành đoàn TP.HCM đăng tuyển tình nguyện viên tham gia chống dịch, vì quá thương thành phố đang “ốm nặng” nên không một phút chần chừ, cô nàng nén đau thương vì nỗi đau mất ba, quyết tâm đăng ký và đợi hết 14 ngày cách ly là liền bắt xe lên TP.HCM để tham gia hỗ trợ chống dịch. 

Con luôn hiểu mẹ khóc chỉ vì lo lắng cho con, nhưng con cảm ơn mẹ vì đã luôn tin tưởng và ủng hộ con, để con được góp sức trẻ cho cộng đồng. Mẹ chờ nhé, khi nào chúng con hoàn thành nhiệm vụ, Sài Gòn khoẻ lại, mẹ con chúng ta đoàn tụ. Con sẽ dắt mẹ đi khắp Sài Gòn chiêm ngưỡng vẻ đẹp phồn hoa của nó, con sẽ chỉ cho mẹ xem những nơi nào con gái mẹ đã đi qua trong những ngày chống dịch, con sẽ kể mẹ nghe nhiều câu chuyện hay mùa dịch này

Lê Thị Ngọc Thuỳ

Cách đây vài hôm, trong những dòng nhật ký ghi lại hành trình tham gia hỗ trợ chống dịch của mình, Thùy đã viết:
“Đã một tháng trôi qua, thế mà ngày nào mẹ tôi cũng rơi lệ!
Tôi là sinh viên tại TP.HCM, từ ngày thành phố căng mình chiến đấu với dịch bệnh, tôi cũng đã lên đường tham gia hành trình chiến đấu với bộ đồ bảo hộ màu xanh. Cho dù tôi có mặc đồ bảo hộ bao nhiêu tiếng, không được uống nước, không được ăn trong khi làm vì nơi đây đầy nguy hiểm, thế mà tôi vẫn cứ cười tươi như hoa, trêu ghẹo mọi người. Câu cửa miệng của tôi mỗi khi có ca nhiễm nơi mình đến chính là: “Không sao đâu anh chị ơi, có gì mình đi cách ly chung, có tụ quánh bài online chứ không có gì đâu ạ”. Nhưng sau mỗi câu nói đó, sau lớp trang bịt kín kia, tôi đã rơi nước mắt.

Dù công việc hỗ trợ chống dịch rất vất vả nhưng Thuỳ lúc nào cũng vui vẻ và mang tinh thần tích cực đến với mọi người để cùng nhau có thêm sức mạnh vượt qua dịch bệnh

Tôi nhớ nhà, tôi nhớ mẹ vô cùng. Thật ra tôi xa nhà cũng chưa đầy một tháng. Nhưng điều làm tôi buồn nhất là nỗi đau mất ba chưa nguôi ngoai, nghe tin dịch bệnh cần sự trợ giúp của tình nguyện viên nên tôi lên đường. Mẹ tôi cũng đã rất nhiều lần khóc vì không gọi được cho tôi, bởi lúc làm việc tôi không sử dụng điện thoại được. Mẹ cũng bao lần năn nỉ tôi đừng đi nữa, nguy hiểm. Bởi nhà giờ chỉ còn có 2 mẹ con, nếu tôi có chuyện gì mẹ sẽ không chịu được. Những lúc ấy tôi xót xa lắm, nhưng cũng ráng cười nói với mẹ là con không sao đâu mẹ, tụi con được anh chị lo chu toàn ăn uống, mạnh khoẻ. Nếu lỡ có bệnh Nhà nước cũng không bỏ tụi con đâu. Nghe tôi nói vậy mẹ cũng chỉ biết ừ. Tôi hiểu mẹ, tôi biết mẹ ở nhà chẳng yên lòng mấy đâu, có khi mẹ còn thức cả đêm trăn trở. Nhưng vì thương con, ủng hộ việc con gái làm nên mẹ chỉ ngậm ngùi đứng ở phía sau dõi theo. Tôi cũng thương mẹ, nhưng tôi cũng thương Việt Nam, thương Sài Gòn lắm!
Mẹ sinh ra tôi, Sài Gòn là nơi giúp tôi trưởng thành và suy nghĩ chín chắn hơn. Sài Gòn đang bệnh, con không thể bỏ được. Chỉ mong mẹ hiểu rằng cho dù như thế nào con vẫn rất yêu mẹ, yêu nhiều hơn những gì con đã nói. Chỉ muốn nói với mẹ là con gái mẹ nay đã lớn, đã trưởng thành rồi. Con sẽ cố gắng làm tất cả mọi thứ và bảo vệ bản thân, để còn bảo vệ mẹ. Con xin lỗi đã làm mẹ lo lắng. Con luôn hiểu mẹ khóc chỉ vì lo lắng cho con, nhưng con cảm ơn mẹ vì đã luôn tin tưởng và ủng hộ con, để con được góp sức trẻ cho cộng đồng. Mẹ chờ nhé, khi nào chúng con hoàn thành nhiệm vụ, Sài Gòn khoẻ lại, mẹ con chúng ta đoàn tụ. Con sẽ dắt mẹ đi khắp Sài Gòn chiêm ngưỡng vẻ đẹp phồn hoa của nó, con sẽ chỉ cho mẹ xem những nơi nào con gái mẹ đã đi qua trong những ngày chống dịch, con sẽ kể mẹ nghe nhiều câu chuyện hay mùa dịch này…”.

Làm mệt nhưng nhiều lúc bị dân chửi xối xả, đòi đánh…

Từ lúc rời quê lên lại thành phố để tham gia hỗ trợ chống dịch đến nay, chỉ có những hôm tiêm vắc xin là Thùy xin nghỉ vì bị hành sốt, còn lại chưa có ngày nào là không có mặt cô sinh viên nhỏ nhắn này ở các điểm hỗ trợ chống dịch.
“Mình hỗ trợ ở các điểm tiêm vắc xin, trực chốt cách ly, tham gia hỗ trợ điều phối người dân lấy mẫu xét nghiệm, nếu lúc nào ở các điểm làm nhiệm vụ nhập mã mà kiệt sức thì mình cũng nhảy sang phụ và nhiều ngày hỗ trợ đến quên cả ăn là chuyện bình thường. Có mấy đợt, mình đi vào các khu có nguy cơ lây nhiễm cao, tiếp xúc với F0 khá nhiều, trời thì nóng mà không dám cởi khẩu trang ra uống nước nên vừa mất nước, vừa mệt nhưng ai cũng phải cố gắng”, Thùy kể.

Thuỳ cho biết cô nàng muốn bật khóc mỗi lần nhìn thấy đồng đội của mình dường như kiệt sức và nằm gục vất vưởng trên nền đất

NGUYỄN NGỌC HÙNG

Làm vất vả là thế nhưng Thùy cho biết việc bị người dân chửi vô cớ và đòi đánh cũng xảy ra rất nhiều: “Mình tham gia điều phối nên phải la lớn giọng để mọi người có thể nghe được sau lớp khẩu trang kín mít. Nhưng nhiều khi cũng rất mệt do có người không chịu nghe và còn chửi lại tụi mình. Như hôm qua, tụi mình truy ra khu đó có ca dương tính, vì không được tiết lộ danh tính nên chỉ nhắc nhở người dân đeo khẩu trang và đảm bảo an toàn. Nhưng sau đó, mình thấy có bé trai còn rất nhỏ ra đứng trước cửa mà không mang khẩu trang, mình lại nói: “Bé ơi, em vô nhà đi nguy hiểm lắm, không thì đeo khẩu trang vào đi em”. Thế là tự dưng có người đàn ông nhào ra chỉ vào mặt mình rồi chửi xối xả. Nhờ có công an khu vực lại can chứ không chắc mình bị đánh luôn rồi”.
 

Thuỳ cho biết tất cả tình nguyện viên đều luôn hừng hực ngọn lửa nhiệt huyết tham gia chống dịch, nhưng sức khoẻ cũng sẽ có hạn, Thuỳ lo sợ nếu dịch bệnh còn kéo dài lâu nữa thì ai rồi cũng sẽ kiệt sức, nên Thuỳ chỉ mong tất cả người dân hãy ý thức hơn để chung tay đẩy lùi dịch bệnh

Thùy cho biết rất buồn và đau lòng khi chứng kiến những người dân còn chưa có ý thức: “Cũng có lúc mình cảm thấy bất lực mà bật khóc luôn. Nhất là những lúc thấy đồng đội xung quanh gục ngã vì kiệt sức. Mỗi ngày, sau khi tụi mình làm mệt rã rời trở về nhà, mở điện thoại lên thì thấy con số thống kê ca nhiễm cứ tăng mạnh mỗi ngày. Thật lòng tụi mình còn trẻ, tụi mình còn khỏe nhưng sức trẻ cũng có hạn. Cuộc chiến nếu càng kéo dài hơn nữa thì rồi ai cũng sẽ kiệt sức, nhất là những đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Chính vì thế, mình rất mong, rất hy vọng sẽ nhìn thấy được nhiều hơn nữa sự đồng lòng từ người dân trong phòng chống dịch bệnh, để chúng ta sẽ nhanh chóng chiến thắng được cuộc chiến cam go này”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.