Mẹ liệt sĩ như chuối chín cây, sao kịp tôn vinh

31/07/2014 11:09 GMT+7

Hôm 29.7, câu chuyện thời sự về một người vợ và cũng là người mẹ của 2 con liệt sĩ chống Mỹ ở TP.HCM vừa bị gạt khỏi danh sách Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đợt 27.7 mới rồi do tái giá đã khiến cuộc làm việc của đoàn công tác Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội khoá 13 "nóng" hơn trong buổi làm việc về tình hình thực hiện các chính sách ưu đãi cho người có công.

Hôm 29.7, câu chuyện thời sự về một người vợ và cũng là người mẹ của 2 con liệt sĩ chống Mỹ ở TP.HCM vừa bị gạt khỏi danh sách Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đợt 27.7 mới rồi do tái giá đã khiến cuộc làm việc của đoàn công tác Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội khoá 13 "nóng" hơn trong buổi làm việc về tình hình thực hiện các chính sách ưu đãi cho người có công.

>> Trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 182 mẹ
>> Trao, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 89 người
>> Phát hành bộ tem Bà mẹ Việt Nam anh hùng
>> Chờ ý kiến của Thủ tướng về công trình tượng đài bà mẹ Việt Nam anh hùng
>> Những tác phẩm tri ân Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Hầu hết ý kiến của đại biểu bày tỏ sự cảm thông và đề nghị sớm giải quyết công nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho vợ liệt sĩ tái giá. Đó là dấu hiệu cho thấy thái độ nghiêm túc, vì dân mà các đại biểu chuyên trách của Quốc hội cũng như những người thực hiện đã đứng trước một thực tế lẽ ra không đáng có.

Bà Trần Thị M. (phường 12, quận Bình Thạnh,TP.HCM), thương binh chống Mỹ hạng 2/4 với thương tích tới 72%. Bà đã 3 lần vượt qua nỗi đau bị mất chồng và mất con trong kháng chiến. Ông Võ Mười, chồng bà hy sinh năm mới 30 tuổi. Hai năm sau đó, con trai út Võ Danh của bà bị bắn chết khi vừa 6 tuổi khi đang được giao nhiệm vụ cảnh giới cho các chú cán bộ họp. 7 năm sau nữa, năm 1971, con trai lớn Võ Thái làm giao liên cho Ban Binh vận Khu ủy Khu V lại hy sinh ở tuổi 16. Bà biến nỗi đau của mình vào công việc của cách mạng, bất chấp bị giam cầm, tra tấn dã man. Vào năm 1974, bà về sống với một người đồng đội, ông Thái Văn Thới với suy nghĩ giản dị: "Thương nhau, thông cảm hoàn cảnh của nhau thì về sống với nhau thôi”, bà nói. Tháng 2.2014, UBND phường sở tại đã tổ chức cuộc họp để xét duyệt và đề nghị Nhà nước tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho bà. Tiếc rằng, trường hợp của bà bị trả lại với cách giải thích, chỉ nghe mà cũng thấy đau nhói trong lòng: Cơ quan có thẩm quyền thông báo bà chưa được lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng do đã... tái giá. Rồi bà cũng biết chuyện. Bà bảo: “Mình đâu phải xin xét tặng để đòi hỏi chế độ của Nhà nước. Có thì là niềm vinh dự cho cháu con, không có thì thôi. Gia đình đã cống hiến cho đất nước ba người, cả đời tôi, đời của ông chồng sau nữa rồi, sá chi tờ giấy”.

Thì ra, nó xuất phát từ sự hướng dẫn của những "cán bộ ngồi phòng máy lạnh" nghiên cứu chính sách, ít xuống cơ sở, chậm điều chỉnh khi thấy bất cập. Điều này làm khó cho cán bộ cơ sở luôn giáp mặt với đối tượng. Bản thân họ cũng thấy rất lúng túng và khó xử. Nhưng ta có thể đặt câu hỏi: năm nào Bộ LĐ-TB-XH chẳng họp sơ kết, tổng kết, chẳng tập huấn này nọ. Cuộc chiến tranh thì đã lùi xa tới vài chục năm, vậy mà sao nó có thể trì trệ đến thế?

“Chồng mất, con mất nhưng các mẹ vẫn cố gắng sống tốt quãng đời còn lại, bước thêm bước nữa cũng là để xây dựng hạnh phúc gia đình, vẫn thờ cúng chồng con, giữ đúng đạo lý dân tộc thì hoàn toàn xứng đáng được ghi nhận. Sao ta lại không công nhận Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho người ta? Có nên khắt khe như thế về chuyện này không?”, ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM bày tỏ tại buổi làm việc, thật xác đáng!

Ông Dũng còn cho biết thêm: Năm 2014, ở thành phố này, trong đợt phong tặng vào tháng 5, từ lúc xong thủ tục, có quyết định đến lúc tổ chức lễ phong tặng thì có 3 mẹ mất. Đợt phong tặng thứ hai vào dịp 27.7 vừa rồi, từ lúc có quyết định cho tới lúc làm lễ chỉ trong vòng 1 tuần mà có đến 10 mẹ qua đời, không kịp tôn vinh. “Mẹ già như chuối chín cây. Nếu chúng ta không làm nhanh thì các mẹ không còn kịp chờ đến ngày được tôn vinh”, ông Dũng nói mà có cái gì đượm buồn, chua xót...

Còn đây là câu chuyện có thực mà gia đình tôi đã trải qua. Đó là những chuỗi ngày sau Hoà bình lập lại 1954. Bà nội tôi đã mòn mỏi chờ tin tức người con trai cả Nguyễn Kỳ Tô (trong số 3 người con trai của bà tòng quân chống Pháp lần lượt trở về, nhưng mãi vẫn không có tin tức của bác cả tôi. Sau đó, về chế độ của một liệt sĩ là Đại đội trưởng, hy sinh ở Mặt trận Đông Bắc năm 1952 thì Nhà nước vẫn cho lĩnh, song cái bằng Tổ quốc ghi công như bao liệt sĩ khác, bà vẫn không được trao vì thuộc diện mất tích, chưa xác minh.

Nỗi đau càng lớn hơn khi thời gian đã bước sang thập kỷ 70, nó lại cứa sâu thêm vào trong tim bà tôi, khi phòng Thương binh Xã hội Quận Hồng Bàng (hồi đó gọi là Khu Hành chính Hồng Bàng, thuộc Hải Phòng) trả lời bà sau nhiều lần lên trình bày nguyện vọng của gia đình mà không được xem xét. Một cô nhân viên gì đó của phòng này trả lời rất vô cảm: "Thôi cụ về đi, cứ chờ đấy. Có nhiều người hy sinh trong chống Mỹ mới đây còn không tìm được xác mà còn chịu, huống hồ con cụ hy sinh từ thời chống Pháp!".

Bị chạm vào nỗi đau ấy, bà tôi không còn chịu nổi nữa nên quyết định gửi thư lên lãnh đạo Thành uỷ Hải Phòng, bày tỏ những bức xúc khi họ trả lời quá vô tình đến thế. Thật không ngờ, đích thân Bí thư Thành uỷ đọc đơn trình bày xong đã chỉ đạo Trưởng phòng Thương binh xã hội Hồng Bàng cùng cô nhân viên trả lời bà hôm nào phải xuống tận nhà xin lỗi gia đình tôi ngay. Họ hứa sẽ kiểm tra khẩn trương để làm thủ tục công nhận liệt sĩ mặc dù trước đó, trong hồ sơ, có cả một tờ giấy xác nhận của một Ủy viên thường vụ Thành ủy, là đồng đội với bác tôi (sau đó vài năm, ông làm Chủ tịch thành phố Hải Phòng), ông đã thoát chết trong cái trận đánh mà đơn vị bị địch phục kích đó.

Những tưởng sau này, sự vô cảm, hờ hững của những viên chức làm công tác chính sách, khi họ có kinh nghiệm thực tiễn hơn, họ lại ăn lương bằng thuế của dân đóng thì sẽ khác. Nào ngờ đâu, nó vẫn còn sót lại những kiểu giải đáp chính sách kỳ lạ, rồi được in ra thành những cuốn giải đáp thắc mắc, giúp cán bộ cơ sở tham khảo, giải quyết khi vướng. Thực tế, có khi lại làm khó cho cơ sở chứ không hề giúp cơ sở.

Thay cho lời kết của bài viết, tôi xin được trở lại cái buổi làm việc với TP.HCM vừa nêu. Tại đây, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: “Có khi chính sách rất tốt nhưng thủ tục rườm rà, tầng tầng nấc nấc khiến người có công không thể tiếp cận, làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của chế độ ta”. Theo bà Mai, "trong quá trình tổ chức thực hiện, chúng ta phải làm sao để người có công cảm thấy mình được trân trọng, cảm thấy sự hy sinh, cống hiến của mình là xứng đáng”.

Hành Thiện (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống ở Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.