Theo luật pháp, đây là hành động bạo hành với trẻ em cần được luật pháp giáo dục và nghiêm trị. Nhưng hậu quả mà hành động này để lại là không bao giờ đong đếm được.
Đứa trẻ sẽ trở thành một cái máy hoạt động theo mục tiêu và thành tích mà người khác đặt ra, từ năm này sang năm khác. Bây giờ, những đứa trẻ như thế lại được coi là bình thường mất rồi. Một thế hệ học thuộc làu làu lý thuyết trong sách giáo khoa, thiếu trầm trọng kỹ năng sống và hoàn toàn không có khái niệm tương lai.
Cứ mỗi mùa thi, ta bắt đầu nghe tin đâu đó xảy ra những vụ tự tử chỉ vì con không đạt được số điểm hoặc thành tích mà ba mẹ, thầy cô mong muốn. Và những người xung quanh các em sẽ nhận xét về em như: ngoan, hiền, học giỏi... Mà “ngoan” theo khái niệm của thầy cô và phụ huynh bây giờ là nói gì nghe nấy, biết “vâng lời”.
Đầu năm họp phụ huynh, thế nào cũng được nghe những báo cáo kiểu như “năm nay lớp sẽ phấn đấu (và có đăng ký) số % đạt học sinh giỏi, % học sinh khá...”. Và để có kết quả như vậy, vào mùa thi, bao nhiêu áp lực đè nặng lên vai các em, cha mẹ và thầy cô sẵn sàng nói vô số những lời cay nghiệt nếu em nào làm lớp bị tuột hạng hoặc cá nhân em đó không đạt thành tích như mong muốn.
Vào năm học trước, chính con tôi, vì hiểu nhầm cách đánh dấu trắc nghiệm vào bài thi mà bài thi bị sai hết 50%, cô giáo đã gọi mẹ con tôi lên nhà và cho làm lại bài thi, với lời dặn “học kỳ 1 nó đạt học sinh giỏi, giờ mà chỉ có 5 điểm thì lớp tuột hạng, chị đừng nói với phụ huynh khác”.
Tôi từng thấy trên Facebook của một em học sinh lớp 12, với tấm ảnh mà mẹ đã dán trên tủ lạnh, nội dung “thi không đậu thì đừng gọi tôi là mẹ!”. Không cần nói gì cũng biết áp lực của em học sinh này lớn đến thế nào trước mỗi ngày đến trường.
Tôi được rất nhiều bậc phụ huynh cũng như các em lớp 12 cứ đến mùa thi là hỏi bây giờ nên thi vào trường nào? Tôi chỉ hỏi lại “ước mơ của em là gì?”. Ngạc nhiên là có rất nhiều em ngơ ngác không biết ước mơ của mình là gì? Làm sao chúng có được ước mơ của riêng chúng đây? Khi hàng ngày phải “gạo” bài để “trả bài” cho thầy cô, mang điểm số về cho cha mẹ, từng đó thôi đã khiến chúng không còn thời gian mà nghĩ được rằng rồi đời mình, mình muốn trở thành ai?
Nên năm học này khi con gái tôi về bảo “mẹ, cô giáo nói, mùa thi là mùa thi, nhưng tụi con xem như trò chơi thôi nhé!”, tôi bỗng thấy nể phục cô giáo của con quá đỗi. Tại sao ta không dạy trẻ như thế đi, chỉ là trò chơi thôi, điểm số không là gì hết.
Nếu cha mẹ và thầy cô cứ mãi miết chạy theo thành tích thì sẽ tạo ra một thế hệ “người máy” vô cùng thụ động, chưa kể gây ra những hệ lụy đáng tiếc như những điều xảy ra ở trên. Và tôi cho rằng, chúng ta gián tiếp gây ra tội ác cho chính con em của mình.
Bình luận (0)