Má năm nay hơn 60 tuổi. Tôi gọi má lần đầu là ngày cưới anh. Má là má chồng tôi, một người má chồng miền Trung hiền lành, thật thà và hồn hậu như chính nét cười của bà.
Má nói rằng bằng mọi cách má sẽ truyền lại cho tôi cách kho món cá lóc đồng của má. Vì lẽ, với món ăn ấy, tôi có thể được nhiều người yêu mến và cũng vì thằng con trai má, nó mê món đó nhất trên đời!
|
Tôi, một đứa con gái thành phố, quả thật ngạc nhiên trước những lời nói đó. Tôi đã ăn qua nhiều món trên đời nhưng chưa có món ăn nào khiến tôi phải dừng lại đủ lâu như má nói. Con trai má (tức chồng tôi) có thể ăn duy nhất một món trong liên tục trong 10 ngày liền, mỗi ngày 3 bữa cơm với món cá kho bí truyền đó mà không thấy ngán. Chỉ biết ăn đến khi hết cá, khi "lủng nồi lủng xoong" thì thôi.
Tôi không tin. Mãi cho đến ngày về nhà chồng, được má cho ăn bữa cơm với cá lóc đồng kho nghệ. Tôi không nhớ mình đã ăn hết bao nhiêu chén cơm, mà chỉ nhớ cái cảm giác tê rân nơi đầu lưỡi khi cắn miếng cá đầu tiên. Bao nhiêu giác quan dừng lại ngay lúc ấy.
Chao ôi là ngon, ngon đến tê tái! Miếng cá lóc chạy dọc theo thân mình, thịt cá dai, mặn, ngọt, cay, béo đủ vị, mà vị nào “tới” vị đó, thấm tháp vô cùng. Tôi trộm nghĩ, chắc ông trời xui khiến tôi lấy anh để một đứa mê ăn ngon như tôi được ăn món cá kho này. Tôi thương má vô cùng từ giây phút ấy...
Cá kho kiểu của má nhất định phải nướng thật kỹ, thật chín, thậm chí có hơi cháy xém. Cá phải chín sâu bên trong để thịt kho lên có độ dai.
|
Để có được nồi cá kho này, má tôi mất gần một ngày trời hì hục, nấu nấu nướng nướng. Má kỹ lắm, cá phải là cá lóc đồng tự nhiên chứ không mua cá nuôi để nấu. Cá mua về làm sạch vảy, nhớt. Một ông anh tôi gọi công đoạn này là “sự tận lực của miền Trung”.
Bao nhiêu sức lực má có dồn hết vô khâu làm sạch cá này. Với má, con cá phải thật sạch nhớt, sạch hết vảy thì kho mới ngon nên má chà đi chà lại cá trên nền gạch rất lâu. Xong xuôi, má cuộn tròn con cá lại bằng lạt tre để cá cứng mình rồi mới nướng. Cá kho kiểu của má nhất định phải nướng thật kỹ, thật chín, thậm chí có hơi cháy xém. Cá phải chín sâu bên trong để thịt kho lên có độ dai.
Nướng cá xong, má chiên cá bằng thứ dầu phộng nhà trồng rồi ép. Bước này sẽ giúp cá thêm dai thịt, có màu vàng đẹp mắt. Công đoạn làm nước kho cá cũng "một trời" công phu. Hành hương giã nhuyễn với ớt thật nhiều rồi xào chín. Tiếp đến là đổ nước mắm ngon, đường phèn, bột ngọt, bột nghệ vào chờ sôi lên. Sau đó, đổ nước dừa xiêm cho ngọt nước kho vào nấu sôi. Xong đâu đó, má sắp cá cho đều vào nồi rồi đổ phần nước gia vị vừa nấu vào. Nồi cá kho bắc trên bếp lửa than liu riu cho nước kho thấm sâu vào từng thớ thịt. Cuối cùng, má xắt nhỏ lá gừng tươi bỏ vô nồi rồi nhắc xuống.
Giờ thì thơm đến nức mũi! Mùi cá kho khiến cái bụng réo ùng ục. Anh chồng vốn đã xa quê lâu ngày nay được ăn lại món “ruột” bỗng sụt sùi. Ký ức chợt từ đâu len lén ùa về, anh nói sao mà nhớ cái mùi rơm rạ, mùi bùn đất, mùi của những cơn mưa quê trên cánh đồng tuổi thơ dữ dội năm nào…
Mớ cá đồng hiếm hoi má mua vào đãi lũ con ở phố
|
|
|
|
Muốn có món cá kho ngon, phải cuộn tròn con cá lóc lại bằng lạt tre. Cá vì cong mình mà thịt cũng dai hơn nhiều lần.
|
Nướng cá. Mùi thơm sực nức bắt đầu từ đây. Cá cần được nướng chín kỹ để giữ được độ dai ngọt của thịt.
|
|
Để có được nồi cá kho này, má tôi mất gần một ngày trời hì hục
|
|
|
Sau nướng là khâu chiên. Từng con cá chiên vàng thấm dầu phộng béo ngậy
|
|
|
|
Gia vị cho món cá kho cũng công phu dữ lắm
|
|
|
Cá nướng, chiên xong rồi, chỉ việc sắp cá ngay ngắn vào nồi rồi đổ phần nước gia vị đã nấu sẵn vào. Nêm thêm ít đường phèn để nồi cá thanh ngọt.
|
Cá kho gần xong, rắc thêm ít lá gừng tươi xắt nhỏ. Mùi lá gừng chín tới kết hợp với nồi cá tạo một mùi thơm đặc trưng, chỉ ngửi thôi đã thèm ăn với cơm lắm rồi!
|
|
Tâm Ngọc
(thực hiện)
Bình luận (0)