Với cái nhìn của một con người từng trải, thấm nhuần đức tin, Đặng Phúc Minh đã đem đến cho bạn đọc những trang viết chân thực, thú vị và bổ ích. Mẹ - Nguồn yêu thương vô bờ khơi dậy trong tâm hồn độc giả khát vọng kiếm tìm để đi đến giá trị của chân - thiện - mỹ. Hành trình kiếm tìm ấy chính là động lực để sống, để hình thành một hướng đi đúng đắn nhất cho cuộc đời mỗi con người.
250 trang sách, được phân bố theo 5 nội dung với nhiều bài viết đầu tư kỹ lưỡng, giàu tâm huyết bằng tinh thần trách nhiệm và ý thức sâu sắc của một người thầy giáo. Tất cả đều hướng về những giá trị cốt lõi, tạo tiền đề, hành trang để mỗi cá nhân bước vào đời một cách toàn vẹn, sống thiện lương và giúp ích cho đời.
Đặng Phúc Minh đã dành phần nhiều để luận bàn về mối quan hệ giữa gia đình và xã hội. Trong đó, anh nhấn mạnh đến vai trò của người mẹ; vấn đề giáo dục con cái; lòng chung thủy và đi đến sự khẳng định gia đình là nền tảng của xã hội. Cuộc đời của mẹ mình, cách đối xử của mẹ với mọi người xung quanh và sự quan tâm chỉ dạy của mẹ dành cho bản thân anh là vô cùng lớn lao, vĩ đại. Nhà giáo, nhà thơ Đặng Phúc Minh nghiệm ra: Yêu thương quả là cội nguồn của bình an; Yêu thương là cội nguồn của hạnh phúc. Bởi hạnh phúc đích thực chỉ có khi con người hướng đến những giá trị tinh thần, tìm đến những lẽ phải để tạo dựng lòng tin và sự yêu mến của mọi người. Ngược lại, những thỏa mãn vật chất tầm thường chỉ mang lại cảm giác sung sướng nhất thời và sẽ nhanh chóng mất đi. Quan niệm về hạnh phúc còn có tác động lớn đến nhân cách: nhận thức đúng, con người sẽ dần đẹp lên mỗi ngày; nhận thức sai, con người trở nên lệch lạc và dần phá đi nhân cách...
Ở bài Gia đình là nền tảng, là tế bào của xã hội, tác giả đã đi từ khái quát đến cụ thể bằng những số liệu thống kê rõ ràng về thực trạng gia đình hiện nay ở Việt Nam, với những suy thoái đang ngày một gia tăng, đó là: Sự ly hôn và nạn phá thai; sự gian dối đang diễn ra ngày càng nhiều. Điều này khiến cho những người có lương tri, trách nhiệm không khỏi đau lòng. Đọc những con số đáng báo động được tổng hợp, nêu ra trong bài viết, thấy rõ nỗi niềm trăn trở của tác giả: Theo phóng viên Ben Bland của tờ Financial Times, Radio Australia, số vụ ly hôn ở Việt Nam ngày càng gia tăng nhanh (tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng 5 năm, từ 53.000 vụ trong năm 2005 lên đến 90.000 vụ năm 2010)... Còn trên Báo Tuổi Trẻ ngày 27.9.2013, tác giả Nguyễn Quang Thân cho hay: theo công bố của Trung tâm Xã hội học thì tỷ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp I là 22%; cấp II là 50%, cấp III là 64%; và sinh viên là 80%. Bên ngoài xã hội, sự dối trá diễn ra phổ biến và trở thành căn bệnh mãn tính...
“Thắp một ngọn nến, thay vì ngồi đó nguyền rủa bóng tối. Chúng ta đang sống trong một xã hội với biết bao thách đố, nhưng chúng ta không thể ngồi yên để nguyền rủa bóng tối... hãy thắp một ngọn nến thì tin chắc rằng ít nhiều bóng tối sẽ được xua tan...”, đó là tinh thần xuyên suốt của tác giả trong tập sách Mẹ - Nguồn yêu thương vô bờ.
Trong Mẹ - Nguồn yêu thương vô bờ còn có phần truyện, thơ, nhạc: gồm 3 truyện ngắn, 4 bài thơ của Đặng Phúc Minh (4 bài thơ đã được phổ nhạc kèm theo bài bình của những nhà nghiên cứu văn học). Tất cả các tác phẩm đều hướng về vẻ đẹp, tình yêu thương trong sự đan cài giữa Đời và Đạo, Đạo và Đời. Em là tiếng chim ban mai/ Tiếng ru hồn người/ Tiếng ru vào đời/ Thắm tươi!// Em là lúa xanh reo vui/ Lúa xanh mặt trời/ Lúa xanh tình người/ Dấu yêu! (Tiếng ru).
Bình luận (0)