Trải nghiệm hội chợ súng ở Mỹ

04/02/2019 12:00 GMT+7

Đi đến Mỹ mà không một lần ghé xem hội chợ vũ khí cũng có nghĩa là chưa chạm được đến truyền thống của dân bản xứ, một truyền thống được hình thành từ trước thời lập quốc.

Trời California vừa chớm sang hè vẫn còn mang theo không khí tươi mát và se lạnh của mùa xuân. Bầu trời khu quận Cam chẳng gợn chút mây. Dưới cái nắng vàng rực vào buổi sáng, nhiều người lái xe ra các bãi biển gần đó để tận hưởng, nhưng không ít người, chủ yếu là cánh đàn ông, lại tới Trung tâm Sự kiện và Hội chợ Quận Cam tại TP.Costa Mesa. Đối với họ, hấp lực từ bãi biển hay sóng nước không thể nào bằng sự kiện đang diễn ra tại đây: hội chợ súng do Crossroads of the West Gun Shows tổ chức.
Mua súng đạn như mua rau
Từ bãi đậu xe, với phí giữ xe 8 USD/chiếc, đến cổng vào hội chợ, bạn dễ dàng thấy nhiều người đàn ông vác thùng đạn trên vai khệnh khạng đi bộ ra ngoài. Một người Việt đi cùng tôi giải thích đây là chuyện thường thấy vì mua đạn trong các hội chợ súng kiểu này rẻ hơn nhiều so với các cửa hàng bán vũ khí. Có thể họ không đến đây mua súng nhưng đa số đều mua đạn. Khi đến cổng, ai không có thẻ thành viên của các tổ chức súng ống như Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA) phải bỏ 16 USD mua vé vào. Những ai tiếc tiền có thể đến quầy bên trái đăng ký ngay lập tức thẻ hội viên của NRA để được… giảm lần sau.
Hội chợ dường như cũng là nơi các tay chơi vũ khí “khoe” súng, khi không ít người vác balô nhét theo vũ khí cưng với nòng súng đen ngòm lồi lên khỏi miệng balô. Vài người còn ngông nghênh hơn khi xách khẩu AK-47 trên tay dạo hội chợ. Tuy nhiên, để tránh trường hợp súng nổ bất ngờ và biến nơi này thành bãi đấu súng không mong muốn, tất cả vũ khí của các cá nhân ra vào hội chợ đều phải trong tình trạng không nạp đạn và nhân viên an ninh cũng kiểm tra kỹ đồ đạc của khách hàng tại cổng ra vào.
Súng được bày la liệt trên giá Thụy Miên
Khuôn viên hội chợ trải rộng khắp địa điểm tổ chức, nhưng dường như vẫn không đủ chỗ dựng các quầy hàng. Hội chợ tại Costa Mesa trưng bày vô số mặt hàng từ súng ống mới toanh đến đã qua sử dụng, dao, kiếm, mác, đồ dùng, trang thiết bị quân sự và cả vũ khí cổ. Đã vào đến nơi này khó có thể cưỡng lại sự thôi thúc muốn mua cái gì đấy mang về, vì giá nhiều mặt hàng đặc biệt rẻ. Một thanh kiếm hai lưỡi giá chỉ 20 USD, dao, rựa cũng đồng giá. Ổ đạn AK-47 hoặc AR-15 dao động tầm 20-25 USD. Mua hộp khóa nòng trên của AR-15 với giá 125 USD sẽ được giảm 80% giá hộp khóa nòng dưới cùng bộ.
Bên cạnh đó, có vẻ như thừa biết nhu cầu mua đạn cao nên phía nhà tổ chức sắp xếp cho các quầy bán đạn được đặt đối diện cổng kiểm tra an ninh, vừa vào là thấy ngay. Rất nhiều người tập trung tại một quầy ở vị trí bắt mắt nhất và trên kệ đã vơi hàng khá nhiều, đặc biệt là những hộp đạn cỡ từ 25 đến 250 viên. Một số người chịu chơi mua đến vài thùng đạn Wolf 7,62x 39 mm loại 1000 viên, giá 199,95 USD. Đây là loại đạn phổ biến, được nạp cho loại vũ khí thông dụng và nổi tiếng sau thế chiến thứ hai là AK-47, nên không ngạc nhiên về độ đắt hàng của nó. Ở hội chợ, đạn được bán riêng, và ai muốn bảo quản đạn trong điều kiện tốt thì mua thêm thùng đạn, giá từ 6,95 USD/thùng cho loại rẻ nhất.
Súng tự chế
Từ những mặt hàng tại hội chợ, có thể thấy được gu của người dùng súng Mỹ là mua các bộ phận và tự lắp ráp lại thành loại vũ khí ưa thích. Một số quầy treo bảng: “Bạn có bộ phụ tùng AK-47 không? Cần lắp ráp hoàn chỉnh? Chúng tôi có thể giúp bạn”, và trên bàn bày một số khẩu súng “độc”, từ súng lục đến súng trường. Một quầy khác rao bán hộp khóa nòng trên của M16 được xuất xưởng tại California với giá 425 USD. Tuy nhiên, một người Việt thường xuyên dạo hội chợ súng phát hiện có một dạng mặt hàng đặc biệt xuất hiện trong vô vàn hàng hóa, vũ khí được trưng bày năm nay. Đó là súng tự chế.
Quầy súng tự chế Thụy Miên
Một quầy nằm ở góc khuất nhưng độ nhộn nhịp không hề thua kém so với các quầy bên ngoài. Trên bàn đặt đầy những khuôn súng bằng kim loại sáng loáng, giá 1.180 USD, kèm theo bộ chế súng lục bán tự động loại 1911 hoàn chỉnh 80% do hãng Phantom Arms cung cấp. Dù chủ cửa hàng dán bảng thông báo ghi rõ tất cả thân súng đều phải được đăng ký số hiệu tại California trước khi lắp ráp hoàn chỉnh, nhưng không có gì đảm bảo quy định này sẽ được thực thi, chẳng hạn như trong trường hợp một kẻ có âm mưu gì khác. Và vì thế, những loại súng tự chế tại nhà càng trở nên nguy hiểm hơn.
Luật súng ống tại bang California thuộc dạng nghiêm ngặt nhất ở Mỹ. Kể từ năm 2000, tiểu bang này cấm bán ổ đạn nhiều hơn 10 viên, nhưng các hung thủ trong những vụ xả súng tại California luôn thành công trong việc “độ” súng và mở rộng ổ đạn. Có thể kể đến vụ tấn công khủng bố San Bernardino vào cuối năm 2015 khiến 14 người thiệt mạng và vụ xả súng Thousand Oaks hôm 7.11.2018 cướp đi mạng sống của 13 người.
Về thói quen dùng vũ khí của người Mỹ, tiến sĩ Châu Nhật Tân của Học viện Voviology, bang California, cho hay: “Khởi nguồn của người Mỹ luôn gắn liền với cây súng. Tổ tiên họ di dân từ châu Âu sang Tân Thế giới, để khai phá, tìm vàng… ở vùng đất “mới”. Tuy nhiên, nơi này từ lâu đã có chủ nhân nên quá trình khai phá của họ luôn bị đe dọa. Vì lý do đó, bất kỳ đi đâu, làm gì, họ cũng mang súng và khẩu súng trở thành nhu cầu không thể thiếu. Hầu hết ai đến vùng đất “mới” đều sở hữu súng, thế nên khi lập quốc cây súng gắn liền bên cạnh con người là điều tự nhiên. Và hiến pháp của Mỹ khi ra đời đã khẳng định điều này vì nó là điều kiện cần thiết và đương nhiên phải có trong thời gian đất nước hình thành”.
Đối với người Mỹ, súng ống đã trở thành một truyền thống. Điều này cũng giống như người VN quen với cơm gạo từ lúc biết ăn, thì sau đó dù có trải qua nhiều năm ở Mỹ, xứ thực phẩm chính là lúa mì, họ vẫn xem cơm gạo là món chính mỗi ngày, theo tiến sĩ Tân. Về những vụ thảm sát hoặc xả súng, ông cho rằng các biện pháp được áp dụng hiện tại khó mang lại kết quả như giới hữu trách mong muốn. Ông phân tích thêm: “Sở hữu súng là điều kiện có tự nhiên của người Mỹ nhưng tinh thần luôn hướng đến vật chất, đòi hỏi phải có vật chất và chiếm hữu cũng là tư tưởng tự nhiên của người Mỹ từ thời điểm hình thành đất nước này. Rõ ràng những người đào vàng và những người khai phá đã đến xứ sở của người khác, mang theo súng với mưu đồ chiếm hữu. Thế nên, đó là nguyên lý Nhân và Quả, sự can thiệp đúng không phải là xử lý phần kết quả của chuỗi tư tưởng đã được hình thành và bám rễ”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.