Năm 2003, khoảng 300.000 tín hữu đã có mặt tại Vatican để dự lễ phong chân phước cho Mẹ Teresa do Giáo hoàng John-Paul II cử hành. Hôm nay 4.9, dự kiến ít nhất nửa triệu người sẽ lấp kín quảng trường Thánh Peter và các tuyến đường xung quanh để chứng kiến giây phút vị nữ tu được Giáo hoàng Francis tuyên thánh.
Những con số nói trên đã thể hiện phần nào lòng tôn kính của cộng đồng Công giáo đối với Mẹ Teresa, người đã dành cả cuộc đời để phục vụ những mảnh đời bất hạnh với câu nói nổi tiếng: “Nếu có người nghèo trên mặt trăng, chúng tôi cũng sẽ đến đó”.
Bà là người sáng lập Dòng Thừa sai Bác Ái, hiện có khoảng 4.000 nữ tu hoạt động tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Nhà báo Élie Maréchal nhận định trên tờ Le Figaro: “Di sản của Mẹ Teresa gồm 2 bộ tu phục áo sari (trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ) trắng viền xanh, 1 xâu chuỗi, 1 túi xách bằng vải, 1 cây dù, 1 đôi xăng đan và 1 áo len xanh cho mùa lạnh. Nhưng hơn hết, mẹ còn để lại một công trình bác ái đồ sộ”.
Chuyến tàu “mở mắt”
Mẹ Teresa (1910 - 1997) sinh tại thủ đô Skopje của Macedonia, thời điểm ấy là một thành phố thuộc đế chế Ottoman. Tên khai sinh của bà là Anjezë Gonxhe Bojaxhiu. Năm 18 tuổi, cô gái trẻ vùng Balkan đã xa gia đình để gia nhập Dòng Đức Bà Lorette tại Ireland. Đây là một chuyến đi dài đằng đẵng vì phải hơn 60 năm sau, năm 1989, vị nữ tu mới có dịp quay về quê nhà để viếng mộ cha mẹ, theo Le Figaro.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi đến Ireland, nữ tu Bojaxhiu đã được gửi sang Calcutta (tên cũ của TP.Kolkata hiện nay), miền đông Ấn Độ. Tại đây, trong gần 20 năm, bà dạy môn địa lý ở Trường Thánh Maria dành cho các nữ sinh xuất thân từ tầng lớp thượng lưu.
Có lẽ việc chỉ quanh quẩn ở một ngôi trường kín cổng cao tường và gặp gỡ những người khá giả đã làm cho bà không thể nhận biết trọn vẹn về xã hội bên ngoài. Tất cả đã hoàn toàn thay đổi vào ngày 10.9.1946 khi bà có dịp đi một chuyến tàu bình dân đến TP.Darjeeling. Vị nữ tu bàng hoàng khi chứng kiến vô số cảnh đời nghèo khổ ở ngay cạnh mình. Sau chuyến tàu ấy, bà quyết định sẽ toàn tâm toàn ý phục vụ “những người nghèo nhất trong số những người nghèo”. Trở về, nữ tu Bojaxhiu xin phép rời khỏi dòng. Bề trên Dòng Đức Bà Lorette chấp thuận, với điều kiện phải được giáo hoàng cho phép. Tháng 8.1948, vị đứng đầu Giáo hội Công giáo đã chuẩn y đề nghị của bà.
|
Những người cùng khổ
Rời khỏi cánh cổng của ngôi trường dành cho giới thượng lưu, nữ tu Bojaxhiu bắt đầu hành trình mới, thẳng tiến đến những khu ổ chuột lầy lội nhất Kolkata. Bà đổi tên theo tên của Thánh Teresa miền Lisieux (Pháp) và sáng lập Dòng Thừa sai Bác Ái. Để có thể phục vụ người nghèo một cách hiệu quả, bà học một khóa đào tạo y tá trong 3 tháng. Không lâu sau khóa học, Mẹ Teresa chăm sóc cho một cụ già bị bỏ rơi ở bãi rác, trên người kiến bu đầy.
Ngày 21.12.1948, bà được cấp phép mở trường học đầu tiên của dòng tại ngoại ô thành phố. Trường của Mẹ Teresa trên thực tế là lớp học dã chiến tại một công viên để dạy chữ và... phát xà phòng cho trẻ em nghèo, theo tờ La Croix. Với những đứa trẻ này, đảm bảo được những điều kiện vệ sinh tối thiểu còn cấp thiết hơn học đọc, học viết.
Vào thập niên 1950, những khu ổ chuột tại Kolkata thật sự là địa ngục. Mọi khổ đau trên thế gian gần như đều tập trung tại những nơi này. Những người cần được giúp đỡ quá nhiều, trong khi vị nữ tu chỉ là một phụ nữ gầy gò, nhỏ bé. May mắn là Mẹ Teresa không đơn độc. Tháng 3.1949, một bạn trẻ xin gia nhập dòng của bà. Đáng ngạc nhiên vì đây là học trò của vị nữ tu ở trường dành cho nữ sinh của giới thượng lưu.
Tháng 10.1950, Dòng Thừa sai Bác Ái chính thức được Tòa thánh công nhận. Ngoài 3 lời khấn đặc trưng của các dòng tu Công giáo là khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, Mẹ Teresa thêm vào lời khấn thứ tư cho dòng của mình: dành trọn đời cho người nghèo và không bao giờ chấp nhận được trả công bằng vật chất. Để vững bước trên con đường đầy khó khăn đã chọn, bà dặn dò các nữ tu: “Điều quan trọng không phải là làm được nhiều mà là dành nhiều tình thương trong những việc chúng ta làm”.
“Chết như một con người”
Một đêm tháng 6.1952, Mẹ Teresa bắt gặp một phụ nữ hấp hối bên vệ đường ngập nước sau một ngày mưa giông. Chuột bò ra cắn tay chân bà ta. Mẹ Teresa gõ cửa mọi bệnh viện ở gần đó nhưng chỉ nhận lại cái lắc đầu từ chối. Sáng hôm sau, người phụ nữ tội nghiệp qua đời trong vòng tay của Mẹ Teresa.
Vừa đau xót, vừa phẫn nộ, vị nữ tu tìm đến Tòa thị chính, đề nghị cấp một chỗ để có thể chăm sóc những người nghèo hấp hối mà không chốn nương thân. Chính quyền thành phố chấp thuận đề nghị và dành cho bà một khu nhà phụ trong ngôi đền thờ thần Kali của Ấn giáo. Nơi này được đặt tên “Nhà Khiết tâm”. Mỗi sáng, cảnh sát đưa đến đây những người vô gia cư bệnh tình đã quá trầm trọng, thời gian sống chỉ còn tính bằng ngày, thậm chí bằng giờ. Mẹ Teresa dang rộng vòng tay đón nhận họ, với tâm nguyện: “Những người này đã trải qua quá nhiều tủi nhục khi còn sống, ít nhất họ có thể chết ở đây như một con người”.
Từng bước, Mẹ Teresa mở rộng hoạt động của Dòng Thừa sai Bác Ái và ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ. Sau trường học và Nhà Khiết tâm, bà bắt đầu hướng tới 50.000 người bị bệnh phong ở Kolkata và các khu vực lân cận. Nhiều tình nguyện viên đăng ký tham gia các chương trình của Mẹ Teresa. Một số mạnh thường quân tặng xe cứu thương, lập tức bà nhờ cải tạo để xe trở thành một “trạm xá di động”, dễ dàng ra vào các khu vực có đông người bị bệnh này sinh sống. Mẹ Teresa cũng cho thành lập Khu phố Hòa bình, nơi các gia đình bệnh phong có thể học nghề và con em họ được đến lớp. Bà luôn mong muốn góp một phần để “những người nghèo nhất trong những người nghèo” có thể tìm lại phẩm giá: “Họ không cần được thương hại nhưng cần được tôn trọng”.
Dòng của Mẹ Teresa đã nhanh chóng có mặt tại nhiều thành phố của Ấn Độ. Năm 1965, cơ sở đầu tiên ở nước ngoài của Dòng Thừa sai Bác Ái được mở tại Venezuela. Bằng sự quyết đoán và đôi khi có phần táo bạo, Mẹ Teresa đã tìm cách kết nối với chính quyền của nhiều quốc gia ở khắp các châu lục để hướng tầm mắt của họ vào những phận đời đang bị quên lãng. Một lần, bà không ngại ngần hỏi Giáo hoàng John-Paul II: “Thưa Đức Thánh Cha, cha có biết thế nào là tử tế không? Là chia cho người nghèo chỉ một nửa sự giàu sang của Vatican”, theo Le Figaro.
Lễ trao giải đặc biệt
Theo Le Figaro, Mẹ Teresa đã nhận được 124 giải thưởng từ nhiều tổ chức, chính phủ, bao gồm: Giải Nobel Hòa bình (năm 1979); Huy chương Tự do do Tổng thống Mỹ Ronald Reagan trao tặng (1985); Huy chương vàng của Ủy ban Hòa bình Liên Xô (1987)... Năm 2010, chính phủ Ấn Độ đã cho phát hành đồng xu 5 rupee có in hình ảnh Mẹ Teresa.
Lễ trao giải Nobel Hòa bình cho vị nữ tu này tại Tòa thị chính thủ đô Oslo của Na Uy vào tháng 12.1979 rất đặc biệt. Mẹ Teresa đã đề nghị bỏ tiệc chiêu đãi truyền thống với sự tham dự của gia đình hoàng gia và Thủ tướng Na Uy. Chi phí dành cho bữa tiệc, tương đương 7.000 USD, đã được chuyển cho quỹ hỗ trợ người nghèo.
|
Quy trình tuyên thánh
Theo Đài phát thanh Europe 1, quy trình tuyên thánh thường gồm 3 giai đoạn và bắt đầu sau ít nhất 5 năm kể từ khi người được xét qua đời. Đầu tiên, người này phải được một giám mục địa phương xác nhận là người đức độ, thật sự là tấm gương cho những giáo dân khác noi theo. Kế tiếp, nếu được Vatican chuẩn thuận và công nhận đã thực hiện 1 phép lạ, ứng viên sẽ được tuyên chân phước. Sau cùng, người này sẽ được Bộ Phong thánh của Tòa thánh tiếp nhận hồ sơ, thu thập thêm thông tin, xác nhận về phẩm cách và công nhận đã thực hiện phép lạ thứ 2 trước khi chính thức tuyên thánh.
Nhìn chung, có 2 lý do chính để được Giáo hội Công giáo tuyên thánh: tử vì đạo hoặc là người rất đức độ. Ngoài công trình bác ái đồ sộ, Mẹ Teresa được công nhận 2 phép lạ: một phụ nữ Ấn Độ đột ngột khỏi bệnh ung thư sau khi cầu nguyện với vị nữ tu này vào năm 1998; cũng với hành động tương tự, một bệnh nhân người Brazil tên Marcilio Haddad Andrino đã mất hẳn khối u ở não vào năm 2008. Reuters dẫn lời ông Andrino nói trong cuộc họp báo tại Vatican ngày 1.9: “Tôi vô cùng biết ơn nhưng không cảm thấy mình là người đặc biệt. Nếu không phải tôi thì cũng sẽ có người khác nhận được phép lạ. Mẹ Teresa không phân biệt những người cần giúp đỡ”.
|
Bình luận (0)