Mẹ Vân Kiều đi tìm con chữ ở tuổi 66

23/11/2021 08:16 GMT+7

66 tuổi, mẹ Hồ Thị Dần, trú thôn Khe Xoong, TT.Krông Klang, H.Đakrông (Quảng Trị) mới bước chân vào một hành trình mới. Hành trình đi học chữ.

Thôn Khe Xoong một ngày đầu đông, tìm đến nhà mẹ Dần, vừa ngang ngõ đã nghe tiếng mẹ (phụ nữ Vân Kiều có tuổi ở vùng cao Quảng Trị thường xưng là mẹ và muốn người khác gọi là mẹ). Mẹ Dần đang luyện đọc… Giọng đọc của người phụ nữ Vân Kiều đã đi qua 66 mùa cây rừng thay lá, dù không tròn vạnh như đám nhỏ đánh vần “i tờ” nhưng lại có một sức mạnh diệu kỳ. Rằng, mỗi sáng khi nghe mẹ Dần cất tiếng, những người hàng xóm vội vã gọi con cái vùng ra khỏi chăn ấm và ngồi ngay ngắn vào bàn, với lời răn: “Thấy mẹ Dần không, chừng ấy tuổi vẫn còn phải học”.

Một đời… thèm chữ

Nếu không có một tuổi thơ dữ dội, người mẹ này hẳn không phải làm quen với mặt chữ muộn màng đến thế. Ba mẹ của mẹ Dần qua đời rất sớm. Ở miền xuôi, phận mồ côi đắng đót, nhưng không bằng ở miền ngược, nơi đang còn bủa vây bởi nghèo khó và hủ tục lạc hậu. Bởi cho rằng “con bé” Dần ngày ấy là điềm xui xẻo, nên đến chính những người bà con cũng xa lánh, huống chi là dân bản.

Mẹ Dần đọc báo cùng đứa cháu nhỏ

Nhiều người nhỏ lệ thương cảm, nhưng vì một nỗi sợ vô hình, họ không dám gần gũi với cô bé mồ côi. May mắn, vẫn có 1 người họ hàng dám vượt qua những lời nguyền để đưa mẹ Dần về nhà nuôi. “Thời ấy, với mẹ, được sống, có cái bỏ bụng là may mắn lắm rồi. Con cái người họ hàng cưu mang mẹ không được đi học. Vì thế, mẹ cũng không dám mơ đến chuyện đèn sách”, mẹ Dần nói, kẽ mắt nhăn nheo, đỏ ngầu vì xúc động.

Biết phận mình, mẹ Dần chưa bao giờ dám mơ, dám nghĩ tới việc đến trường, chỉ quanh quẩn trên nương làm lụng rồi lại về bên xó bếp, lấm lem nhọ than. Mỗi lần câu “giá như bố mẹ còn sống” vang lên trong đầu, mẹ Dần lập tức kìm lại, dù nước mắt cứ thế tuôn.

Như cây như cỏ trên đồi cao, như con nai con hoẵng ở trong rừng, mẹ Dần lớn lên trong khi giấc mơ về con chữ tắt ngúm trước việc phải lo cái ăn, cái mặc cho bản thân. Chưa một lần cầm lấy ngòi bút viết lên những trang giấy, hàng chục năm trôi qua đi là hàng trăm lần ngón trỏ của mẹ đỏ quạch mỗi khi cần điểm chỉ lên các loại giấy tờ. “Là người ta bôi mực vào ngón tay mẹ, bảo mẹ ấn xuống thì mẹ ấn xuống, chứ mẹ cũng chả biết trong tờ giấy đó viết gì đâu. Những ngón tay đầy mực đó là một nỗi đau của mẹ, nỗi đau của một người không biết chữ”, mẹ Dần nói.

Nếm trải tủi nhục của một người không biết chữ, về sau, khi lập gia đình, có 4 mặt con, mẹ Dần đã thôi thúc chúng đến trường, dù mẹ có phải còng lưng trên nương rẫy để đủ tiền đóng học, mua đèn sách. Chúng đã hơn mẹ Dần, chúng biết chữ… nhưng tiếc thay, không có đứa nào đủ nghị lực để vượt qua những cơn đói để tới trường học hết cấp 3, tất cả đều nghỉ ngang. Mỗi lần như thế, trái tim mẹ Dần như bị bóp nghẹt.

Mẹ Dần mang cặp, chào đứa cháu nhỏ để đi học. Với mẹ, ở tuổi 66, đi học thực sự là hành trình diệu kỳ

THANH LỘC

Không bao giờ là quá muộn

Ngày 5.6.2021 là một ngày mà mẹ Dần sẽ không bao giờ quên, đó là ngày đầu tiên người mẹ Vân Kiều 66 tuổi… tới lớp. Chuyện rằng, vào thời điểm đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ TT.Krông Klang mở lớp xóa mù. Mẹ Dần ngồi nghe đám tre trẻ “trạo miệng” rủ nhau đi học, mẹ cũng muốn đi, ngặt nỗi có chút… xấu hổ. “Trên vùng cao này, ở tuổi của mẹ, người ta bắt đầu tính toán cái chỗ nằm, để… về với đất, chứ có đi học chữ đâu. Học cũng để làm gì nữa chứ?”, mẹ Dần kể lại khoảng thời gian ngần ngừ.

Khổ nỗi, cái lớp học xóa mù lại khá gần nhà mẹ Dần, nghe tiếng mấy đứa thuộc hàng em út, con cháu đánh vần vọng lại, mẹ… chịu không nổi. Ban đầu mẹ nép ở khe cửa nhìn vào, càng nhìn lại càng thích, nên mẹ “liều mạng” trải lòng với chị Phan Thị Chung (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TT.Krông Klang, người đứng ra tổ chức lớp xóa mù này). “Ban đầu, lớp có 24 chị em. Hôm lớp bước sang buổi học thứ 3, chúng tôi rất bất ngờ khi thấy mẹ Dần đến và xin tham gia. Mẹ bảo, phải học chữ để sau này không tiếc nuối”, chị Chung, người cán bộ Hội 11 năm gắn bó nên hiểu rất rõ khát khao con chữ của những người phụ nữ vùng cao, nói.

Ở tuổi 66, việc đi học là thử thách lớn đối với mẹ Hồ Thị Dần. Đôi tay vốn quen với cái cuốc, cây rựa của mẹ cứ cứng đơ, lóng ngóng khi cầm cây bút. Để đọc những nét chữ, con số, mắt mẹ Dần cũng phải căng ra. Biết mẹ gặp nhiều khó khăn hơn các chị em khác nên thầy cô đều nhiệt tình kèm cặp, hướng dẫn. Nhờ thế, mẹ Dần nhanh chóng hòa nhịp lớp học. Bước qua sự bỡ ngỡ, mẹ sớm tìm thấy niềm vui…

Được khoảng 1 tháng ê a với chữ nghĩa, thì lớp học xóa mù tạm thời đóng cửa vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Những ngày giãn cách xã hội trở nên dài lê thê đối với mẹ Dần, mẹ sợ con chữ… rơi rụng mất. Thế rồi, dịch bệnh ổn, được gọi đi học trở lại, mẹ còn vui hơn cả đám cháu con.

Niềm vui được lật giở trang vở của mẹ Dần

Học không chỉ cho riêng mình

Câu chuyện về hành trình tìm chữ của mẹ Hồ Thị Dần đã truyền cảm hứng cho nhiều chị em ở miền núi rừng phía tây Quảng Trị. Ai cũng khâm phục khi biết, với sự nỗ lực, quyết tâm, sau gần 2 tháng học lớp xóa mù chữ, mẹ Dần đã biết đọc, biết viết. Giờ đây, mẹ đã thực hiện được giấc mơ tưởng như đến chết cũng không làm được là đọc những dòng chữ trên chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm, sổ hộ khẩu mang tên mình. Những ngón tay mẹ cũng không còn phải chịu lấm mực đỏ lòm vì điểm chỉ nữa…

Đặc biệt, sau khi rời lớp xóa mù chữ, mẹ Dần vẫn đang miệt mài tự học. Ngôi nhà nhỏ của mẹ thường xuyên vang lên tiếng đọc sách, báo. Sợ con chữ “bỏ mình mà đi”, mẹ cũng đã đăng ký trước với Hội Liên hiệp Phụ nữ TT.Krông Klang xin tham gia nếu có lớp học mới. Đối với mẹ, việc học giờ không đơn thuần để đạt đích biết mặt chữ, con số, mà còn là niềm vui. Vì thế, mẹ Dần mong muốn nhân lên niềm vui không chỉ cho mình mà cả mọi người. “Giờ mẹ không chỉ học cho mẹ, mà học cho con cháu trong nhà, học cho những người chưa biết chữ mà vẫn còn e ngại, sợ những lời dèm pha”, mẹ Dần nói.

Hơn ai hết, mẹ Dần rất hiểu đói ăn, đói mặc làm cho nhiều người nghĩ học chữ là điều xa xỉ, nhưng mẹ cũng biết chính vì không có “cái chữ”, nên không ít người Pa Kô, Vân Kiều ở nhiều bản làng cứ sống trong nghèo khổ mãi. Ở tuổi 66 mới biết chữ, có thể mẹ Dần không có thời gian để thay đổi cuộc đời của mình, nhưng mẹ tin rằng rồi thế hệ sau sẽ khác. Rằng, chỉ cần nắm lấy “cái chữ” thật chặt, họ sẽ tự kéo mình ra với thế giới bên ngoài, để một ngày nào đó trở lại dựng xây bản làng to đẹp hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.