'Thần y' của bản làng

Khánh Hoan
Khánh Hoan
09/11/2021 08:36 GMT+7

.

Chồng của một sản phụ tất tả chạy đến gặp bác sĩ Và Bá Tủa, vừa nói vừa thở: “Bác sĩ ơi, cứu vợ mình với. Vợ mình đẻ con rồi nhưng cái rau không ra. Vợ đang nằm ở nhà, mình sợ lắm!”. Bác sĩ Tủa lật đật theo chồng sản phụ lên đường.

Trời đã gần tối, bác sĩ (BS) Tủa chuẩn bị thuốc men và dụng cụ y tế, cùng người chồng sản phụ cầm đèn pin, men theo con đường mòn trong rừng đi về hướng bản Sỏi Voi (xã Nhôn Mai, H.Tương Dương, Nghệ An). Cả hai vừa đi vừa chạy. Gần 11 giờ đêm, sau 4 giờ vượt rừng, họ đến được nơi cần đến. Sản phụ bị mất máu, chướng bụng và kiệt sức.

Cuộc “giải cứu” nhau thai bị mắc kẹt trong tử cung sản phụ kết thúc tốt đẹp sau hơn 1 giờ đồng hồ. BS Tủa thở phào nhẹ nhõm, xách đèn pin quay về trạm y tế xã khi trời rạng sáng. Đó là một trong nhiều ca cứu người của BS người Mông Và Bá Tủa (Trạm trưởng Trạm y tế xã Nhôn Mai), người được dân vùng cao, biên giới coi như “thần y” của bản làng.

Bác sĩ Và Bá Tủa

Đi học để cứu người

“Lúc nhỏ, thấy các anh bộ đội biên phòng dùng thuốc tây để cứu người, mình cũng muốn đi học để sau này làm thầy thuốc, chứ không phải dùng cách cúng bái để đuổi con ma như bố mình”, BS Tủa kể. Đó là lý do để cậu bé người Mông này băng rừng đi học chữ. Từ bản Huồi Cọ ra trường tiểu học của xã mất 8 giờ đi bộ nên Và Bá Tủa phải ở nhờ nhà người thân để đi học lớp 1 và lớp 2. Lên lớp 3, cậu xuống huyện học. Từ nhà xuống huyện mất 3 ngày đi bộ men theo sông Nậm Nơn. Lên lớp 5, Và Bá Tủa xuống tỉnh học trường nội trú... Và Tủa đã lấy được bằng trung cấp y tế năm 1994.

Bố ông Tủa là Và Nhìa Chư làm nghề thầy cúng. Bản Huồi Cọ nằm tít trên núi cao, biệt lập giữa rừng. Không tiếp cận được với y tế, khi có người mắc bệnh, dân bản nhờ thầy cúng Chư đến nhà cúng giải hạn, đuổi con ma. Khi thấy con mang tấm bằng tốt nghiệp trung cấp y tế về quê, bố ông cười bảo: “Cái bằng của mày thì chữa được bệnh gì”…

“Tôi nói với bố tôi, bây giờ nếu bị viên đạn bắn vào người, bố cúng có đuổi viên đạn ra được không, còn con, con sẽ đưa nó ra được và chữa lành vết thương đó. Lúc đó, bố tôi mới thừa nhận cúng bái không phải là cách chữa bệnh”, ông Tủa kể.

Nhôn Mai đang là một trong những xã khó khăn nhất ở Nghệ An

K.HOAN

Ít tháng sau khi tốt nghiệp, ông Tủa được nhận về Trạm y tế xã Nhôn Mai. Trước năm 2015, Nhôn Mai và Mai Sơn là 2 xã vùng biên khó khăn nhất của Nghệ An khi chưa có đường nhựa về xã. Để xuống được trung tâm huyện phải mất 4 - 5 giờ đồng hồ đi thuyền máy theo sông, chưa kể từ các bản ra trung tâm xã cũng mất nhiều giờ đi bộ vì chưa có đường. Khi gặp tai nạn hoặc bị bệnh, người dân rất khó để đến được bệnh viện. Trạm y tế xã vì thế cũng chỉ phục vụ cho một vài bản ở gần trung tâm xã, còn lại ông Tủa phải làm việc di động, đến nhà người bệnh để khám, điều trị cho họ.

Năm 2000, ông Tủa quyết định học lên đại học. 6 năm sau, tốt nghiệp Trường đại học Y Thái Bình, BS Tủa về làm Trưởng trạm Y tế xã Nhôn Mai. Ông là BS đầu tiên của người Mông ở Nghệ An tốt nghiệp đại học ngành y nên được ông Phạm Quốc Dương, Giám đốc Trung tâm y tế H.Tương Dương, mời về bệnh viện huyện làm việc, nhưng ông từ chối: “Cho tôi ở lại xã để giúp bà con”.

Những ca bệnh khó quên

Anh Và Nhìa Ninh (ngụ xã Mai Sơn, H.Tương Dương) bị bướu cổ với một khối u rất lớn. Vợ anh bán 2 con bò lấy tiền lặn lội đến các thầy lang, nhưng phải đưa chồng về “chờ chết” vì nghi bị ung thư giai đoạn cuối. Bố anh Ninh dẫn anh đến trạm y tế, hỏi BS Tủa: “Anh có chữa được không, hãy chữa cho nó, nếu không nó sẽ chết”. Ông Tủa nhìn ổ bướu, thấy vết áp xe lở loét, có phần đã bị hoại tử liền đáp: “Để tôi xem đã”. Khám xong, ông Tủa bảo sẽ xử lý được. Ngày rời trạm xá về nhà, bệnh nhân Ninh rất cảm động, xin nhận BS Tủa làm bố.

Một thanh niên ở bản Huồi Cọ đi săn, bị súng săn cướp cò trúng khuỷu tay phải, gây tổn thương nặng. Nhận tin lúc 3 giờ chiều, BS Tủa vội mang dụng cụ y tế, thuốc men đi bộ đến bản, mất hơn 6 tiếng đồng hồ. Sau một thời gian điều trị, cánh tay người thanh niên đã liền lại. “Bây giờ gặp tôi nó cứ bảo nếu không có bố thì con mất cánh tay rồi”, BS Tủa cười.

Một vụ cướp cò súng khác xảy ra với cô gái người Lào Thò Y Rùa ở H.Sầm Tớ bên kia biên giới, khi cô vô tình để khẩu súng rơi từ trên gác nhà xuống, khiến hàng chục mảnh đạn ghém găm đầy cẳng chân và đầu gối. Người nhà đưa cô đến Trạm y tế xã Nhôn Mai lúc mờ sáng. BS Tủa thăm khám, gắp từng mảnh đạn ra khỏi chân cô gái. Đã từng chữa cho một số người Lào nên khi có người cần cấp cứu, họ đều gọi điện nhờ BS Tủa giúp và ông luôn sẵn sàng: “Cứ đưa bệnh nhân đến đây”.

“Khi xã này chưa có đường bộ để ra huyện, bệnh nhân bị tai nạn, bệnh nặng không thể đến được bệnh viện, vì thế người nhà cứ phó mặc cho tôi. Họ nói anh cứ chữa đi, nếu có gặp rủi ro họ cũng chấp nhận. Tôi cũng xác định phải cứu họ bằng những gì có thể. Rất may, nhiều ca bệnh đã thành công. Hồi còn học ở Trường đại học Y Thái Bình, tôi thường phụ mổ cho thầy, rút được nhiều kinh nghiệm quý cho mình, nên cũng tự tin”, BS Tủa nói.

Bác sĩ Và Bá Tủa thăm khám cho người dân tại Trạm y tế xã Nhôn Mai

Bác sĩ của người nghèo

Năm 2015, con đường phía tây Nghệ An hoàn thành, 2 xã Nhôn Mai và Mai Sơn được “giải phóng” khỏi sự biệt lập. Tuy nhiên, từ đây đến trung tâm H.Tương Dương vẫn cách 120 km. Vì thế, những ca bệnh nặng BS Tủa cho chuyển bệnh viện thì nhiều người dân, nhất là người già, lại nằng nặc xin ở lại vì không có tiền để đi viện. Họ bảo sống chết cũng ở lại trạm, xin bác sĩ cho nợ tiền thuốc vì nhà hết tiền rồi. “Rồi cũng phải thuận theo ý họ, may mắn là các ca này mình cũng xử lý được”, BS Tủa nói.

Ông Lương Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã Nhôn Mai, nhìn nhận BS Và Bá Tủa là người rất có tâm, chuyên môn tốt. “Bất cứ lúc nào người dân cần, anh Tủa đều có mặt, dù phải đi bộ nhiều giờ đồng hồ. Ở đây, ai cũng quý anh ấy”, ông Thành nói.

Trạm y tế xã Nhôn Mai trong nhiều năm đã trở thành địa chỉ tìm đến của người dân các xã Nhôn Mai, Mai Sơn, Mỹ Lý, dù BS Tủa chỉ phụ trách xã Nhôn Mai. Các xã này là nơi đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú sinh sống nên ngoài tiếng Mông, bác sĩ Tủa còn phải học thêm các tiếng Thái, Khơ Mú và Kinh.

Một phụ nữ ở xã Mai Sơn đưa con 4 tuổi đến Trạm y tế Nhôn Mai khám. BS Tủa phát hiện đứa bé bị sởi, hỏi han và được người mẹ này cho biết ở bản còn nhiều người bị. Ông liền gọi điện cho giám đốc bệnh viện huyện để báo cáo, và được chỉ đạo: “Anh sang kiểm tra ngay”. BS Tủa đến xã Mai Sơn, phát hiện có 36 đứa trẻ bị sởi, đã có 1 trẻ tử vong. Ông được lệnh ở lại đó 10 ngày để điều trị và dập xong dịch sởi mới về.

Đầu năm 2021, BS Tủa bị tai biến, phải xuống bệnh viện tỉnh điều trị mất mấy tháng. Hiện ông đã phục hồi khá tốt, tuy nhiên cánh tay phải chưa thể hoạt động bình thường trở lại. Ông phải luyện viết và làm việc bằng tay trái. “50 tuổi rồi còn phải tập viết, may là mình còn khám bệnh được”, ông cười.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.