Mẹ Việt 'trị' con ngang bướng - Kỳ cuối: 5 'chiêu' dẹp loạn thói ăn vạ của trẻ

02/08/2018 21:08 GMT+7

Kiên quyết áp dụng những “chiêu dẹp loạn” phù hợp với bé, giờ đây con trai tôi không còn ăn vạ ba mẹ nữa.

Khi con trai tôi đề nghị mẹ cho xem iPad và không được đáp ứng thì bé dọa "con quậy mẹ bây giờ". "Ừ, con quậy đi!". Thấy không lay chuyển mẹ được, bạn ấy bắt đầu nhảy choi choi nhưng mẹ vẫn bình chân như vại. Một lúc sau, bé đổi chiến thuật năn nỉ: "Con thèm xem phim hoạt hình lắm, con buồn nữa, không biết chơi gì". Tôi ngồi xuống ngang mắt bé: "Mẹ biết là con muốn xem hoạt hình nhưng xem nhiều sẽ không tốt cho mắt và não của con. Con buồn mẹ sẽ chỉ cho con một số trò chơi thú vị nhé". Bé đồng ý và quên luôn việc đòi xem iPad khi tôi dành 10 phút sau đó để giúp bé bày biện đồ chơi nấu ăn ngoài ban công.

Mẹ có thể bày biện trò chơi mới để 'tách' con ra khỏi iPad và điện thoại thông minh ẢNH MINH HỌA: ĐỘC LẬP

Đối với các em bé khác, tình huống như trên có thể biến thành một trận khóc lóc ăn vạ tanh bành khiến hai mẹ con đều mệt mỏi. Đứa trẻ nào cũng ngang bướng và ba mẹ cần có cách ứng xử hợp lý để hiểu được con và giúp trẻ vượt qua những khủng hoảng tâm lý. Giờ con trai tôi không còn ăn vạ ba mẹ nữa tôi nghĩ là do mình kiên quyết áp dụng 5 “chiêu dẹp loạn” phù hợp sau đây:

Kiên quyết nói không hợp lý

Hợp lý nghĩa là khi bé yêu cầu một điều gì đó, tôi đều xem xét yêu cầu đó có chính đáng hay không. Nếu chính đáng, tôi cố gắng đáp ứng yêu cầu của bé và luôn nói với bé “mẹ thấy yêu cầu đó của con là hợp lý”. Còn nếu yêu cầu đó ảnh hưởng không tốt đến bé và người xung quanh, tôi sẽ nói với bé nguyên nhân tại sao không được và sau đó kiên quyết nói “ không” dù bé có khóc lóc.

Làm được như vậy bé sẽ hiểu rằng khi mẹ nói không nghĩa là yêu cầu của mình vô lý thật. Đồng thời, sau một thời gian bé sẽ phân biệt được yêu cầu nào là chính đáng từ đó không đòi hỏi bừa bãi. Đừng nói không cộc lốc với bé cũng đừng nói không với tất cả mọi thứ bé đòi vì như vậy bé sẽ có cảm giác mẹ luôn gạt phắt nhu cầu của mình. Khi nói không với con, tôi cũng thường dùng âm điệu bình thản, nhẹ nhàng nhất có thể để bé không bị ảnh hưởng cảm xúc tiêu cực từ mẹ.

Thừa nhận cảm xúc của con khi bị từ chối

Khi bị từ chối chắc chắn con sẽ rất khó chịu. Các bé lại chưa có được cơ chế kiểm soát cảm xúc như người lớn nên khóc lóc, ăn vạ là điều đương nhiên. Tôi luôn coi đó là chuyện bình thường của các em bé. Khi tâm thế mẹ nhẹ nhàng, mẹ sẽ dễ dàng chấp nhận cảm xúc của con. Khi bé khóc đừng nói “con hư quá”, “khóc là xấu”, “có gì đâu mà khóc”…hay quát tháo con. Những lời nói này khiến bé cảm thấy mình không được thông cảm nên đôi khi sẽ khóc to hơn hoặc trong lòng rất ấm ức. Khi con khóc tôi vẫn thường im lặng, thái độ bình tĩnh, chờ cho bé nín và nói “mẹ biết con rất buồn khi không được mua xe ô tô”,  “mẹ biết con không vui khi không được ăn xúc xích” để bé hiểu rằng mẹ đang chia sẻ với mình.

Không bỏ mặc con

Nhiều lời khuyên nói rằng bố mẹ cứ để mặc bé một mình và sau khi bé hết khóc cứ phớt lờ bé để bé bình tĩnh lại. Nhưng theo cá nhân tôi thì bố mẹ nên tìm cho bé một chỗ riêng tư và ở bên cạnh khi con khóc lóc. Khi bạn đang buồn mà người thân thờ ơ không hỏi han gì cảm xúc của bạn sẽ thế nào? Hãy nghĩ về điều đó để chú ý đến cảm giác của bé. Tôi thường ngồi bên cạnh chờ đợi khi con khóc lóc. Có thể có mẹ bé sẽ khóc to hơn nhưng qua nhiều lần, bé sẽ hiểu “mẹ ở đây là để chia sẻ và làm con bớt buồn chứ không phải để đáp ứng đòi hỏi kia của con”. Bé sẽ dần biết được là khóc lóc chẳng giải quyết được gì. Với lại, khi ứng xử như vậy, tôi cũng muốn con trai tôi học được một điều là biết chia sẻ khi người khác buồn, đừng phớt lờ và để mặc họ.

Khen ngợi khi con không ăn vạ

Sau một thời gian biết ăn vạ không còn tác dụng, các bé sẽ có xu hướng không ăn vạ nữa, những tình huống bé ứng xử tốt mẹ nên khen ngợi bé. Tôi thỉnh thoảng khen con bằng những cách như nói với bé: “Mẹ vui lắm, hôm này con đi siêu thị nhưng không đòi mua đồ chơi” hay trong bữa cơm nói với chồng trước mặt con: “Bố ạ, hôm nay con đòi ăn xúc xích nhưng mẹ không đưa tiền và con cũng rất vui vẻ thông cảm cho mẹ không hề khóc lóc gì hết. Bố thấy con giỏi không”. Lời khen cụ thể, chân thành bao giờ cũng có tác dụng tuyệt vời để các em bé làm điều tốt.

Khuyến khích bé sử dụng ngôn ngữ biểu đạt ý kiến

Giúp con phát triển ngôn ngữ tốt sẽ khiến bé bày tỏ được ý kiến của mình thay vì khóc lóc. Tôi thường trò chuyện với con về những đòi hỏi của con sau khi cơn khóc lóc đi qua. Mục đích là để tìm ra nguyên nhân thực sự khiến bé tức giận, từ đó bày cho bé cách nói về nhu cầu, cảm xúc của mình để mẹ hiểu. Khi ngôn ngữ tốt, bé sẽ dùng ngôn ngữ chứ không cần dùng tiếng khóc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.