“Trâu nước” độc nhất miền Tây
|
Nói về xế cổ mobylette, ở miền Tây, phải kể đến anh Ngô Văn Quang (ở P.An Hòa, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ). Anh Quang đang sở hữu những chiếc xe rất quý và độc đáo như chiếc Mobylette SP50 được xem là không có chiếc thứ 2 ở ĐBSCL. Anh Quang kể: “Khi mới 20 tuổi, nghe nói ở Châu Đốc có nhiều mobylette, tôi đã trốn nhà đi lùng sục mua cho bằng được một chiếc nhưng phải mất hơn một tháng, mới đem được xe về”.
Theo anh Quang, Mobylette SP50 khác biệt ở chỗ nó có thiết kế lớn và ngầu hơn, động cơ mạnh mẽ hơn nên còn có biệt danh là “trâu nước”. Ngoài chiếc SP50 “trâu nước”, anh còn có 3 chiếc khác là AV44, AV85, AV88. Đây đều là những chiếc xe còn zin nguyên bản được nhập về Việt Nam trong những năm 1960.
Xế độc, biển số đẹp
Cùng với Mobylette thì Vespa và Lambretta cũng là những dòng xe cổ được giới trẻ miền Tây đam mê, sưu tầm nhiều. Trong giới trẻ chơi xe Vespa và Lambretta cổ ở Cần Thơ thì Vũ Xuân Bách (25 tuổi) là người sở hữu những chiếc xe khiến nhiều người phải ghen tị như Lambretta LI 150 Series 3 sản xuất năm 1962; Vespa Standard sản xuất năm 1965 và một chiếc Vespa Sprint sản xuất năm 1967. Bách bắt đầu chơi xe từ năm 2007, khi còn là học sinh phổ thông ở Tiền Giang.
|
Bách thường tốn rất nhiều công sức và tiền bạc để sưu tầm đồ đạc, phụ kiện để hoàn thiện chiếc xe đúng với thiết kế của nhà sản xuất. Hiện tại, chiếc xe Lambretta LI 150 Series 3 của anh là hoàn chỉnh nhất. Đây cũng là chiếc Lambretta cổ được giới chơi xe xem là đẹp nhất ở miền Tây với giá trị hơn 100 triệu đồng. “Để làm hoàn chỉnh chiếc xe này, tôi phải lên trang ebay để mua đồ từ nước ngoài về. Những phụ kiện nào cũ mình đều phục chế lại để chiếc xe đẹp như mới”, Bách kể.
Cũng là một tay chơi Vespa cổ nhưng anh Nguyễn Văn Quẫn (31 tuổi, ở H.An Minh, Kiên Giang) lại có phong cách chơi xe khá “cầu kỳ” với tiêu chí xe đẹp, biển số cũng phải đẹp. Hiện Quẫn có 1 chiếc Vespa PX đời 1982 có biển số 555; 1 chiếc Vespa super biển số tứ quý 1111 và một chiếc Rebel Nhật đời 94 màu xanh da trời cũng có biển số “9 nút” (1 màu zin độc rất hiếm thấy của dòng Rebel).
Đặc biệt trong giới trẻ chơi xe cổ miền Tây còn có rất nhiều bạn nữ; trong số đó, nổi bật nhất là Nguyễn Thị Khánh Huyền (21 tuổi, sinh viên năm cuối, Trường ĐH Cần Thơ), một cô gái chạy Vespa cổ từ thời còn học phổ thông. Huyền cũng đã đi du lịch bụi khắp các tỉnh ĐBSCL bằng Vespa cổ. Ngoài chiếc Vespa Standard biển số 011.11, Huyền còn có sở thích sưu tầm bất cứ thứ gì liên quan đến Vespa cổ, từ mô hình xe, áo thun, nón bảo hiểm, móc khóa, tranh ảnh bằng đủ loại chất liệu như vải, chì, kẽm, da, nhựa, gỗ…
Tại TP.Cần Thơ, hiện có một CLB với tên gọi “Vespa and Friends”, quy tụ khoảng 30 thành viên, hầu hết là thế hệ 8X, 9X; trong đó có khoảng 10 thành viên nữ. Cả Bách, Quang, Quẫn và Khánh Huyền đều là thành viên của CLB trên.
Anh Nguyễn Văn Quẫn, chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Mục đích của CLB là tạo nên một sân chơi ở đó những người cùng đam mê xe cổ kể cả không có xe có thể tập hợp lại để chia sẻ đam mê, và quan trọng hơn là tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội hướng đến cộng đồng”.
Đình Tuyển
>> Triển lãm xe cổ thời Bảo Đại
>> Triển lãm xe cổ và đấu giá ủng hộ người nghèo
>> Xe cổ "độc" đất Tây Đô
>> Mua xe cổ để làm từ thiện
Bình luận (0)