Giữa cuộc sống xô bồ tấp nập, đã có nhiều con người hành xử bằng mệnh lệnh cao thượng của trái tim: vượt qua mọi khó khăn, phiền phức để ra tay nghĩa hiệp, cứu người trong lúc lâm nguy. Họ đã viết nên những trang sách đẹp trong cuộc đời mình...
Hà Nội, 16g30. Đường Phạm Hùng, người xe như mắc cửi sau giờ tan tầm. Bất chợt... rầm... Một thanh niên đang đi bộ ngã vật ra đường sau cú tông trực diện từ một chiếc xe gắn máy đang phóng nhanh giành đường. Người bị nạn nằm bất động. Máu chảy tràn ra từ miệng, mũi, tai của anh, rồi lan cả vũng trên mặt đường.
Chuyện trước ngày cưới
Đúng lúc đó, một chiếc xe buýt trờ tới. Phạm Văn Lương từ trên xe bước xuống. Anh vừa dự đám tang một người em kết nghĩa trở về, và chuẩn bị đón tiếp xe xuống Hải Phòng. Người yêu của anh mới gọi điện nhắn anh về để chuẩn bị cho ngày thành hôn. Chỉ ít hôm nữa chàng trai 27 tuổi này sẽ làm lễ cưới. Anh đang rất bận rộn, hồi hộp, chuẩn bị bước vào giai đoạn mới của cuộc đời.
Vừa xuống xe, Lương đã giật mình. Nạn nhân bị đụng xe đầm đìa máu nằm ngay trước mặt anh. Không kịp suy nghĩ gì, anh lao đến bên nạn nhân, áp tai nghe thấy vẫn còn tiếng thở yếu ớt. Anh cuống quýt vẫy taxi, nhưng mấy chiếc chạy thẳng qua mà không chịu dừng lại. Cuối cùng, một chiếc chịu dừng. Nhưng khi tài xế mở cửa xe, thấy nạn nhân bị chảy máu bết đầm người, lại ngần ngừ tỏ vẻ không muốn chở. Lương phải hét lên: “Thôi, làm phúc đi anh!”.
Bây giờ, ngồi kể lại chuyện này, Lương nhớ khoảnh khắc ấy mình không kịp suy nghĩ gì cả. “Tôi chỉ thấy trước mặt mình có một con người sắp chết, và thế là tôi lao đến”- Lương kể tiếp. Cuối giờ chiều, đường phố Hà Nội tắc nghẽn, taxi phải mất cả nửa giờ mới luồn lách đến được Bệnh viện 19-8 ở cách đó không xa. Cuống quýt bế nạn nhân vào phòng cấp cứu, nhân viên y tế hỏi gì Lương cũng gật, kể cả anh có phải là thân nhân không. Anh muốn mọi thủ tục thật nhanh để nạn nhân được cấp cứu kịp thời. Mãi sau đó Lương mới sực nhớ lục tìm giấy tờ trong túi quần áo nạn nhân để tìm người thân, nhưng chẳng có gì, kể cả điện thoại di động.
Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày chậm chạp trôi qua, lòng Lương nóng như lửa đốt. Anh vừa thương nạn nhân đang thoi thóp giữa làn ranh sinh tử, vừa lo việc đám cưới dở dang ở nhà. Bác sĩ rồi công an đến điều tra tai nạn không gặp được người thân, chỉ biết gặp Lương. Họ hỏi nhiều điều nhưng anh chẳng biết gì hơn ngoài điều duy nhất mình chính là người bế nạn nhân vào đây.
Cả tuần lễ Lương không về nhà, gia đình phải gửi quần áo, tiền nong lên cho anh. Lương lấy quần áo mình mặc cho nạn nhân đỡ lạnh lẽo, tủi thân trong giờ phút sinh tử đau đớn. Lương liên hệ với các báo để thông tin tìm người thân, rồi anh lại gặp các cơ quan công an xem có manh mối gì.
Không thể về nhà chuẩn bị lễ cưới, nhưng Lương may mắn có người yêu hiểu chuyện, thông cảm với việc giữa đường của mình. Cô từ Hải Phòng lên Hà Nội, chia sẻ khó khăn và nỗi buồn với người chồng sắp cưới. Ngày thứ sáu thì nạn nhân xấu số tử vong. Cuối cùng, khi Lương về đến quê thì sụt đúng 5kg!
Số phận của trái tim
Những ngày về Hải Phòng, tôi nghe rất nhiều chuyện kể về Lương. Người đầu tiên mà tôi gặp ở cầu Quán Toan chính là Trần Thị Cẩm, vợ mới cưới của anh. Cẩm có vẻ gầy yếu nhưng ánh mắt toát niềm vui, lạc quan: “Số nhà em lạ lắm anh à, cứ ra đường là gặp người bị nạn. Có hôm anh về nhà mà máu me đầy người. Em cứ tưởng anh bị tai nạn, hóa ra là máu người bị nạn được anh giúp đỡ bết vào”.
Rồi Cẩm lại vui vẻ tâm sự tiếp: “Nói vậy thôi, chứ em nghĩ chắc tính anh thấy người bị nạn không nỡ làm ngơ nên mới hay gặp chuyện này”. Nhiều lần Lương đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu, rồi lại hối hả kêu vợ đưa tiền lên trang trải viện phí giúp. Sáng ra vợ nhìn chồng, chồng nhìn vợ mới hay chẳng ai còn đồng nào...
Về quê Lương, có người nói số phận anh là thế. Riêng tôi nghĩ rằng đó là “số phận của trái tim” thì đúng hơn. Chuyện Lương tình cờ giúp đỡ thanh niên bị tai nạn giao thông vừa rồi chỉ là một trong rất nhiều trường hợp anh không thể làm ngơ. Nhà nghèo, mới 15 tuổi Lương đã ra đường buôn gà. Ngày ngày chứng kiến bao nhiêu nụ cười lẫn nước mắt ngoài xã hội làm anh hay nặng lòng.
Người đầu tiên mà anh giúp đỡ chính là ở chợ Vĩnh Bảo. Sáng hôm đó chợ ế, Lương đang chuẩn bị về thì thấy một phụ nữ lớn tuổi đang ngồi bỗng dưng ngã ra đất, rồi cứng đờ như tắt thở. Mọi người xúm lại chưa biết làm gì thì Lương nhanh trí cõng đến bệnh viện. Bác sĩ nói bà rất may mắn vì đến kịp bệnh viện trong cơn tai biến, chậm tích tắc có thể ảnh hưởng đến tính mạng mà nhẹ lắm là bại liệt. Sau đó, Lương mới biết tên bà là Thận. Và xúc động là bà Thận đã xin nhận Lương làm con nuôi để tạ ơn cứu mạng mình.
Mới đây, Lương lại lao vào cứu một người buôn đồng nát bị tai nạn giao thông ngay cầu Quán Toan, Hải Phòng. Buổi tối chập choạng trên đường đi làm về, người đàn ông này bị xe máy đụng lăn ra đường, chảy máu đầm đìa cả người. Nhiều người qua đường lặng lẽ bỏ chạy luôn, có người tò mò dừng lại nhưng chỉ đứng nhìn mà không làm gì để giúp nạn nhân. Ông bị ra máu nhiều quá, họ ngại vấy vào mình, kể cả nghĩ chắc ông chết rồi. Lúc đó Lương đang ăn cơm sau nhà. Nghe tiếng ồn ào trước đường, anh bỏ dở bát cơm, lao ra rồi vội vàng đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Trong lúc đợi bác sĩ cứu chữa, anh lấy số máy nạn nhân gọi thử thì trúng ngay số máy nhà ông ở sát hiện trường vụ tai nạn. Chính họ cũng có mặt trong đám người tò mò đứng xem, nhưng vì máu ra nhiều quá nên không nhận diện được thân nhân mình. Khi qua khỏi, ông (tên Hiển) đã dẫn vợ sang tạ ơn Lương. Anh nhẹ nhàng nói: “Lúc ấy, con chỉ thấy có người sắp chết thì cứu thôi, chứ chẳng biết bác là ai. Gặp bác hay gặp người khác con cũng làm thế thôi mà. Đâu có gì mà bác ơn nghĩa”.
Tháng 10-2010 ở Hà Nội, Lương lại tình cờ cứu kịp hai học sinh bị tai nạn giao thông trên đường Kim Mã. Hai em bị xe máy đâm, xuất huyết rất nhiều và nằm bất động. Người qua lại rất đông nhưng chỉ tò mò đứng nhìn. Lương ngang qua thấy cảnh đau lòng, vội kêu taxi chở nạn nhân đến bệnh viện. Mấy tài xế thấy máu me, vọt luôn. Lương phải đứng chặn trước mũi, một chiếc mới chịu dừng lại. Đưa hai em vào cấp cứu ở Bệnh viện Việt - Đức, Lương lấy điện thoại các em gọi về nhà. Lát sau, bố mẹ các em đến nhưng thất thần, chẳng còn biết làm gì. Lương nán lại ở bệnh viện cả đêm để giúp thủ tục cấp cứu cho các em.
Ba tháng sau, bố các em đưa con từ Hà Nội về Hải Phòng tìm Lương để tạ ơn. Nhưng hôm đó, họ không gặp được Lương vì anh lại đang đi tìm người thân cho một nạn nhân tai nạn giao thông khác tình cờ gặp trên đường...
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)