Mercedes-Benz gian lận khí thải trên hàng loạt xe C-Class, G-Class?

30/05/2018 16:38 GMT+7

Nhà chức trách Đức đang yêu cầu Mercedes-Benz triệu hồi hàng loạt mẫu xe do vướng vào bê bối gian lận khí thải trong khi hãng xe sang Đức cho biết, sẵn sàng làm việc tại tòa án nếu cần thiết.

Mercedes-Benz thuộc Daimler và tất nhiên chẳng liên quan gì tới tập đoàn Volkswagen vốn từng lao đao khi bị phát hiện gian lận khí thải. Tuy nhiên, ngay sau bê bối gian lận khí thải của Volkswagen, hàng loạt hãng xe Đức bị rơi vào tầm ngắm bao gồm cả Merdedes-Benz. Ngay sau khi bị cơ quan giám sát phương tiện Đức KBA yêu cầu Daimler triệu hồi 1,6 triệu xe van Vito bản động cơ diesel 1.6 lít vì can thiệp phần mềm để gian lận khí thải thì nay tập đoàn này tiếp tục bị gọi tên liên quan tới hai dòng xe sang C-Class và G-Class.

Theo thông tin từ tạp chí Der Spiegel của Đức, Daimler đang phải đối mặt với lệnh triệu hồi hơn 600.000 xe sử dụng động cơ diesel bao gồm cả dòng sedan bán chạy C-Class và dòng xe địa hình G-Class. Phía KBA hiện đang có những nghi ngờ rõ ràng về việc những chiếc xe bị triệu hồi đã bị can thiệp bất hợp pháp nhằm thao túng mức phát thải khi đo đạc với thực tế.

Mercedes Vito bị triệu hồi vì gian lận khí thải

Tuy nhiên, chia sẻ với truyền thông Daimler cho biết họ chưa nhận được yêu cầu triệu hồi chính thức từ KBA về những mẫu xe thuộc dòng C-Class và G-Class nhưng lại từ chối bình luận về thông tin trên tờ Spiegel. Trước đó, Daimler đã mạnh bạo tuyên bố sẽ sàng làm việc với tòa án nếu cần thiết trước những cáo buộc gian lận khí thải của KBA trên mẫu xe van Vito.

Liên quan tới sự việc trên, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đức Andreas Scheuer đã triệu tập giám đốc điều hành Dieter Zetsche của Daimler để làm việc. Không rõ những tình tiết của cuộc "hội ngộ" này chỉ biết nó liên quan đến vai trò, trách nhiệm của Daimler với cáo buộc từ KBA. Ông Scheuer cũng yêu cầu KBA mở rộng điều tra thêm liên quan tới xe mang thương hiệu Mercedes-Benz của Daimler.

Phía Đức đang rất quyết liệt điều tra những vụ liên quan tới gian lận khí thải

Kể từ bê bối gian lận khí thải của Volkswagen bị phát hiện vào năm 2015, danh tiếng của ngành công nghiệp ô tô Đức cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Phía nhà chức trách Đức tích cực hơn trong việc điều tra, giam sát các nhà sản xuất trong việc kiểm soát mức phát thải trên những mẫu xe bán ra bao gồm cả các phiên bản cũ.

Trên thực tế, chính những quy định ngày càng nghiêm ngặt của châu Âu và Mỹ về lượng phát thải đã khiến không ít nhà sản xuất lao đao nhất là những thương hiệu đổ hàng triệu USD vào phát triển động cơ diesel. Đây là dòng động cơ tiết kiệm nhiên liệu nhưng lại có tác động tiêu cực tới môi trường do mức phát thải khí độc hại cao hơn động cơ xăng.

Nếu thực sự gian lận khí thải, đây sẽ là khó khăn không nhỏ với Mercedes-Benz bởi đây là một trong 3 thương hiệu xe sang bán chạy nhất thế giới. Không chỉ ảnh hưởng trên quy mô lớn về số lượng, gian lận khí thải cũng kéo theo danh tiếng và những khoản phạt khổng lồ khiến hãng xe sang Đức khó lòng cạnh tranh với người đồng hương BMW hay đối thủ Lexus trong tương lai gần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.