Mệt mỏi, muốn ‘sang chấn tâm lý’ vì… lặt lá mai nhưng sao ai cũng mong?

Tấn Đạt
Tấn Đạt
17/01/2022 08:30 GMT+7

Dù mệt mỏi hay nhiều khi muốn 'sang chấn tâm lý'… khi lặt lá mai cùng với gia đình nhưng với nhiều người đó là những kỷ niệm đẹp không bao giờ quên.

Đến hẹn lại lên, hàng loạt bạn trẻ chia sẻ hình ảnh lặt lá mai lên mạng xã hội

cmh

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2022. Đến hẹn lại lên, nhiều ngày nay, các bạn trẻ liên tục đăng bài, chia sẻ hình ảnh lặt lá mai cùng với người thân trên mạng xã hội. Điều này, cũng khiến một số người phải... chạnh lòng vì với họ đã rất lâu rồi chưa cùng với gia đình làm việc này.

“Bao nhiêu mùa tết rồi bạn chưa lặt lá mai cùng với gia đình?”

“Bao nhiêu mùa tết rồi bạn chưa lặt lá mai cùng với gia đình?”, dòng trạng thái ngắn gọn được chị Nguyễn Thị Ngọc Hân, 29 tuổi, làm truyền thông tại số 123 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM đăng tải lên Facebook cá nhân vào sáng 16.1.

Chị Ngọc Hân cho hay mấy ngày qua thấy các bạn chia sẻ hình ảnh “ngày toàn dân lặt lá mai” khiến chị vui và nôn nao được về nhà vì đã gần 8 năm qua chị chưa cùng gia đình quay quần bên nhau trong dịp đó. Chị Hân cho biết việc lặt lá mai mệt, nhiều lúc muốn… "sang chấn tâm lý" nhưng với chị công việc này không chỉ là một kỷ niệm đẹp, mà nó còn mang lại niềm vui, sự gắn kết gia đình.

Nhiều bạn trẻ cảm thấy khá mệt và đùa vui rằng bị "sang chấn tâm lý" khi lặt lá mai với gia đình

uyển quỳnh

“Nhà tôi có vài cây mai trước ngõ, cao gần 4m, tán khá rộng. Gần tết là gia đình cùng nhau lặt lá. Tôi còn nhớ, mẹ tôi nói muốn mai ra bông thật đều, đẹp thì lặt lá trước tết tầm 10 đến 15 ngày. Với lại, phải lặt cẩn thận từng lá, không nắm hoặc bứt 1 lần cả chùm, như thế nụ mai sẽ bị rụng. Phụ huynh thì đứng dưới gốc mai, còn tôi thì bắt ghế trèo lên cao, lặt lá những cành phía trên và ngoài. Khi làm việc này sợ nhất là một mình vì đứng giữa trời nắng gắt, cắm mặt vào lặt từng lá rất chán và buồn ngủ. Nếu mà không kiên nhẫn thì không thể làm được hết. Mỗi lần như thế là ngót nghét hết một ngày, nhiều khi mệt muốn... 'sang chấn tâm lý' luôn", chị Hân hài hước kể lại.

Một số nhà có mai nhiều, việc lặt lá vô cùng khó khăn

uyển quỳnh

Giống như chị Hân, đây là năm thứ 3 liên tiếp mà cô nàng 9X Nguyễn Tuyết Phượng, 25 tuổi, quê Giồng Trôm, Bến Tre, không cùng với gia đình lặt lá mai vì phải rời quê mưu sinh.

Phượng chia sẻ: “Thời chưa xa quê, tầm 15.12 (âm lịch) là bà ngoại bắt đám cháu chúng tôi tuốt lá mai. Thú thật, vừa làm biếng vừa mệt, lặt kiểu cho lẹ, xong nhanh. Làm xong cành nào là cành đó mất hết nụ. Con nít mà lúc nào cũng ham chơi có bao giờ làm ra trò trống gì đâu. Đến những ngày cận tết, ngoại bắt đầu lựa cành nào nhiều nụ rồi cắt đem ra chợ bán”.

Tầm 15.12 (âm lịch) là bà ngoại kêu đàn cháu tuốt lá mai

tuyết Phượng

Cô nàng 9X nói: “Đi làm xa mới thấu hiểu tình cảm gia đình như thế nào. Những ngày đến tết công việc càng nhiều. Trên con đường đi về, nhìn những hàng mai kiểng bán ngoài đường, nghe đâu đó những bài nhạc xuân, làm tôi nhớ những kỷ niệm lặt lá mai vô cùng".

Có nhiều hoa vàng để góp màu cho xuân

May mắn hơn các bạn trẻ khác, anh Lê Hoài Linh, 24 tuổi, ngụ ở Quới Thành, Châu Thành, Bến Tre năm nào cũng được lặt lá mai cùng với gia đình vì Linh làm việc gần nhà.

Hoài Linh cho hay dù bản thân đã lớn nhưng lúc nào cũng nôn nao đến việc cùng người thân lặt lá mai vào ngày 14-15 tháng chạp để mai nở đúng vào mùng 1 Tết Nguyên đán.

Gia đình Hoài Linh lặt lá mai đón xuân năm 2022

hoài linh

“Ngày đó vui lắm! cả nhà nhà kéo ra sân, mỗi người một nhánh lặt lá lia lịa. Phải làm sao không bị đứt nụ hoa và thật sạch lá. Vừa lặt vừa nói chuyện cuối năm và kế hoạch đón tết, cảm giác rất háo hức”, Linh chia sẻ.

Cây mai nhà Linh trong dịp tết năm 2021

nvcc

“Nhiều lúc mỏi cái tay, đau cổ vì liên tục lặt lá và với tay lên những cành cao. Có năm trời xế chiều cũng tranh thủ làm cho mau xong, nắng tạt vô mặt, rất mệt . Có năm cây toàn sâu, nhìn kinh hãi. Tuy nhiên, với tôi, công việc lặt lá này cũng tạo niềm vui, mọi người chuyện trò rôm rả, gắn kết gia đình hơn nữa”, Linh nói.

Còn chị Lê Thị Ngọc Diệu, 24 tuổi, ngụ H.Tấn Phú, Đồng Nai, cũng vừa lặt lá mai ở gia đình và cơ quan xong vài ngày trước.

Chị Diệu cho hay mọi năm việc nhiều, loay hoay không nhớ ngày tháng. Năm nay canh đếm từng ngày để lặt. Theo chị, nên canh đúng 14 âm lịch hãy lặt. Nếu nụ to quá thì bớt tưới nước. Còn nụ nhỏ nên siêng tưới để thúc cho đúng ngày tết hoa kịp nở.

Ngọc Diệu hy vọng mai sẽ nhiều hoa, cuộc sống bà con được an yên hơn

nvcc

Chị Diệu tâm sự: “Năm nay cây mai nhà tôi ít nụ, nhưng hy vọng có nhiều hoa vàng để góp màu cho xuân thắm tươi vì cả năm qua dịch Covid-19 làm mọi chuyện thay đổi, mất mát nhiều thứ. Mong năm sau bớt dịch, cuộc sống dễ dàng và nhẹ nhàng hơn, nhiều người được đoàn tụ với gia đình vào dịp tết”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.