Mệt mỏi với cảnh nhân viên hàng quán tràn xuống đường mời khách

Tấn Đạt
Tấn Đạt
01/08/2023 11:48 GMT+7

Không chỉ lấn chiếm vỉa hè, một số chủ hàng quán, cửa tiệm còn cho nhân viên tràn xuống lòng đường để… mời khách. Nhiều người trẻ khá bức xúc với hành động này vì khiến tình trạng kẹt xe nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể gây tai nạn giao thông.

Chèo kéo khách vào quán của mình 

Ghi nhận của chúng tôi trên đường 3 Tháng 2, Q.10, TP.HCM (gần cầu vượt Thành Thái), một số nhân viên ở các cửa hàng bán phụ kiện điện thoại đã tràn xuống lề đường chèo kéo khách, làm cho người tham gia giao thông cảm thấy phiền toái vì đường đã kẹt xe nay lại kẹt hơn.

Mệt mỏi với cảnh nhân viên hàng quán tràn xuống đường mời khách - Ảnh 1.

ffd928726cafbff1e6be.jpg

Nhân viên ở các cửa hàng bán phụ kiện điện thoại tràn xuống lề đường để chèo kéo khách

TẤN ĐẠT

Từng bị chèo kéo mua phụ kiện điện thoại trong khi đang tham gia giao thông, chị Nguyễn Thị Thu (31 tuổi), làm viên chức tại Q.11, TP.HCM, rất bức xúc về việc nhiều nhân viên tràn xuống lòng đường để chèo kéo khách. Hành động này đã làm cho tình trạng kẹt xe thêm nghiêm trọng.

"Có lần tôi còn bị nhân viên chặn lại khi đang chạy xe, do dừng đột ngột nên phương tiện phía sau đã tông trúng và làm hư biển số xe. Mặc dù từ ngã tư đường 3 Tháng 2 đến Lý Thường Kiệt về cầu vượt Thành Thái chỉ vài trăm mét, nhưng tôi phải mất hơn 20 phút để di chuyển. Vào khung giờ cao điểm, đoạn này vốn đã kẹt xe lại càng kẹt hơn vì những người tràn xuống đường chào mời khách làm xe máy bị ùn tắc", chị Thu nói.

Người bán hàng rong ủng hộ thu phí vỉa hè: 'Hết cảnh thấy đô thị là hốt hàng chạy'

Còn trên đường Nguyễn Trãi, Q.5 hay đường Cách Mạng Tháng 8, Q.Tân Bình, TP.HCM, nhiều chủ cửa hàng thời trang cho nhân viên đứng giữa lòng đường để mời khách khiến người tham gia giao thông cũng gặp nhiều khó khăn.

700e8885ce581d064449.jpg

Một số nhân viên xuống giữa đường Nguyễn Trãi để mời khách

TẤN ĐẠT

Nguyễn Duy Khánh, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết đã từng bị tai nạn giao thông vì nhân viên quán chặn đầu xe, chèo kéo vào mua quần áo trên đường Nguyễn Trãi, Q.5.

"Nhiều lúc mình phát bực vì đang bận công việc nhưng họ lại chặn đường. Có khi, đang chạy xe thì nhân viên ùa ra và đưa tay để chèo kéo làm mình suýt bị ngã xuống đường", Khánh kể lại.

Ở các quán bún đậu mắm tôm trên đường Thành Thái, Q.10, TP.HCM, cũng xảy ra tình trạng tương tự. Đặc biệt, vào buổi tối số lượng nhân viên ở đây tràn xuống lề đường để mời khách có hơn 4 người.

45c1a32be4f637a86ee7.jpg

Nhân viên bất chấp nguy hiểm để xuống đường chèo kéo khách vào quán của mình

TẤN ĐẠT

Đứng nhìn từ xa, chúng tôi chứng kiến được công việc của N.T.T (27 tuổi), nhân viên quán bún đậu mắm tôm trên đường Thành Thái. T. liên tục đưa tay lên cao và nói to "anh ơi, vô quán này nè anh!". Đối với những phương tiện chạy chậm, T. sẵn sàng chặn đầu xe để cho khách dừng lại, dù không biết họ có mua hay không.

"Làm công việc này đơn giản nhưng nguy hiểm. Chủ yếu là mình chịu khó quan sát để biết là xe chạy tốc độ cao hay thấp, từ đó mình có thể tiếp cận khách dễ dàng", T nói.

f8d2ec90b64d65133c5c.jpg

Nhiều người trẻ làm công việc xuống đường chào mời khách

TẤN ĐẠT

T. cho hay chủ quán chia làm 2 khung giờ để nhân viên xuống đường chào mời khách (trưa từ 11-13 giờ, tối từ 18-23 giờ). Chỉ tay về các hàng quán đồ ăn bên cạnh, T. nói: "Việc làm này giúp tăng tính cạnh tranh, kéo những khách có ý định vào quán khác sang quán của mình".

Còn anh Lê Hồng Hải (32 tuổi), làm bảo vệ kiêm luôn nhân viên chào mời khách tại một cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi, Q.5, thừa nhận: "Có những hôm, do tôi đứng giữa đường và không quan sát kỹ nên bị xe quẹt, phải nghỉ ở nhà dưỡng thương 5 ngày. Dù biết cũng sẽ có nguy hiểm, nhưng tôi thấy công việc này đơn giản, không tốn sức nên cũng cố gắng làm".

Cần điều chỉnh tăng mức phạt để có sức răn đe

Theo luật sư Âu Trung Huê, Giám đốc Công ty luật quốc tế Song Thịnh (TP.HCM), các chủ cửa hàng bố trí nhân viên tràn xuống lòng đường để mời chào, có khi cưỡng ép vào hàng quán của mình, làm người đi đường giật mình dễ dẫn đến bị ngã xe, gây cản trở giao thông cả đoạn đường.

"Về việc cản trở giao thông, sử dụng trái phép lòng đường được quy định tại điểm b khoản 5, điều 12, Nghị định 100/2019 xử phạt vi phạm hành chính về giao thông. Phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa, sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ, làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông", luật sư Âu Trung Huê cho biết.

e75e27bb49669a38c377.jpg

Luật sư Huê (đeo cà vạt) tư vấn cho người dân về luật giao thông

TẤN ĐẠT

Cũng theo luật sư Huê, người cản trở giao thông mà gây tai nạn, ảnh hưởng đến tài sản và sức khỏe của người lưu thông trên đường, phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại về tài sản và tính mạng của nạn nhân.

"Tôi thấy hành vi cản trở giao thông nói chung và nhân viên xuống đường chào mời khách mua hàng nói riêng hiện nay khá phổ biến, nhưng hình phạt chưa đủ sức răn đe, tôi đề nghị cơ quan chức năng điều chỉnh tăng mức phạt và tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ nguy cơ gây cản trở giao thông. Song song đó, cần vận động họ tuân thủ quy định pháp luật đảm bảo an toàn giao thông đường bộ", luật sư Huê nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.