Đổi mới, "bắt trend”
Năm 2018, chị Lương Thị Nhi (33 tuổi), ngụ Q. Bình Thạnh, TP.HCM, cùng chồng của mình mở quán chè bưởi trên đường Chu Văn An. Hiện tại, chị có thêm 2 chi nhánh ở đường Nguyễn Trọng Tuyển, Nguyễn Huệ. Điều đặc biệt, hơn 5 năm qua chị chỉ bán duy nhất là… chè bưởi.
Tuy nhiên, đến tháng 4.2023, cô chủ 33 tuổi phải “chuyển mình” sang hình thức kinh doanh thêm các loại nước ép. “Sau đợt tết 2023, doanh thu tất cả các chi nhánh đều bị giảm từ 20 - 30%. Nếu tôi tiếp tục bán như thế, thì quán sẽ rơi vào tình trạng… trả mặt bằng”, chị Nhi tâm sự.
“Chi nhánh ở đường Nguyễn Huệ là tôi chịu "nặng" tiền nhất, dù có diện tích 30 m2 nhưng giá thuê đã hơn 90 triệu đồng/tháng. Trước đây, mỗi ngày, ở tất cả mặt bằng nhân viên đều được thưởng vì bán vượt chỉ tiêu, nhưng hơn 2 tháng nay, có những bạn liên tục 10 ngày không nhận được tiền thưởng”, chủ quán chè 33 tuổi cho hay.
“Ngoài bán thêm nước ép trái cây tôi còn kết hợp các hãng giao đồ ăn công nghệ bằng nhiều chương trình khuyến mãi như: giao hàng 0 đồng, giảm giá từ 10 – 30%. Bên cạnh đó, tôi tích cực tham gia các chương trình do chính quyền tổ chức về quảng bá sản phẩm ở các hội chợ, triển lãm… nhờ thế doanh thu đã tăng từ 10-15% mỗi tháng”, chị Nhi nói.
Trước đây, Nguyễn Thị Thu Hương (29 tuổi), sống ở hẻm 135 Thành Thái, Q.10, TP.HCM, kinh doanh các loại trà sữa truyền thống như: trân châu đường đen, thái xanh, thái đỏ. Trung bình mỗi tháng, Hương lời hơn 20 triệu đồng (đã trả tiền thuê mặt bằng 10 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, vào tháng 3 và 4.2023, cô gái 29 tuổi liên tục chịu lỗ vì lượng người đến quán chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Để giải quyết vấn đề trên, cô chủ 29 tuổi đã “bắt trend” bán thêm các loại nước uống được nhiều người yêu thích hiện nay, theo mùa như: trà mãng cầu, trà chanh, dừa tắc xí muội, cà phê muối… “Không ít học sinh, giới trẻ thích thú với những sản phẩm mới của mình. Và doanh thu tháng 5 vừa rồi, mình lời hơn 20 triệu đồng”, Hương nói.
Cô gái 29 tuổi cũng thừa nhận: “Những đồ uống theo “trend” rất dễ làm, chi phí rẻ, nhiều người mua. Song, mình lại khá lo vì sự kiện gì, món ăn, đồ uống nào theo xu hướng thì chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định. Hiện tại, mình đang cố gắng “gồng” mỗi ngày, tới đâu hay tới đó vì nếu không chịu "chuyển mình" thì việc trả mặt bằng là chuyện sớm muộn”.
Phố Tây Bùi Viện 'dính' làn sóng trả mặt bằng: Chủ tiệm thức làm 20 tiếng/ngày cầm cự
Đổi tên thương hiệu, xây dựng lại không gian quán
Sau hơn 4 năm làm ăn bên lĩnh vực ăn uống, Lê Đắc Thành (27 tuổi), đồng sáng lập quán cà phê ở số 178A Pasteur, Q.1, TP.HCM, cũng gặp không ít khó khăn trong vấn đề kinh doanh. Tuy nhiên, thay vì trả mặt bằng, vào tháng 5 vừa qua, Thành đã quyết định đổi tên thương hiệu, xây dựng lại không gian quán, đổi chiến lược kinh doanh...
“Du lịch ở TP.HCM đang phục hồi nhanh chóng, lượng khách nước ngoài đến vui chơi ngày càng tăng. Đây cũng là đối tượng mà cửa hàng muốn hướng tới. Ở quán, mình xây dựng theo phong cách tối giản, sử dụng các loại cà phê đặc sản có điểm đánh giá cao trên thế giới, và giữ hương vị nguyên bản của hạt cà phê, nên vị hơi chua và cơ bản khác so với phương cách pha chế của cà phê Việt. Đồng thời, quán cà phê không chỉ là điểm bán mà còn đem đến không gian trải nghiệm thương hiệu cho khách hàng khi ghé thăm”, Thành chia sẻ.
Được biết mặt bằng quán cà phê Thành thuê ở đường Pasteur, có giá khoảng 80 triệu đồng/tháng (diện tích 200 m2 với 1 trệt 3 lầu) và đã ký hợp đồng 10 năm. “Dù giá thành cao từ 80.000 đồng đến gần 500.000 đồng cho một ly cà phê so với mặt bằng chung của các cửa hàng cà phê tại Việt Nam, nhưng bên mình vẫn duy trì lượng khách ổn định, hợp tác với nhiều đối tác cung ứng cà phê chất lượng trên thế giới”, chàng trai 27 tuổi nói.
Trong khi đó, hiện nay, không ít quán cà phê, trà sữa phải trả mặt bằng… tuy nhiên, đây cũng là cơ hội của một số người trẻ kinh doanh cùng lĩnh vực.
Điển hình như anh Phùng Anh Thế (31 tuổi), quê Hà Nội, chủ một thương hiệu trà sữa khá nổi tiếng ở TP.HCM cho hay từ tháng 4 đến nay mình đã mở thêm 10 chi nhánh (tổng cộng có 50 chi nhánh) rải rác khắp các quận huyện ở TP.HCM.
Theo anh Thế, tất cả chi nhánh trà sữa của mình đều kinh doanh theo hình thức “bán mang đi” và những mặt bằng chỉ có diện tích vỏn vẹn từ 20 - 40 m2. Để tiết kiệm chi phí và tạo ấn tượng riêng chàng trai 31 tuổi đã tự lên ý tưởng thiết kế, sơn sửa lại quán, đặt từng cái ca đong nước, bình đựng mứt...
“Hiện nay, một số nơi cho thuê mặt bằng giá khá cao. Tôi phải cân nhắc, đo lường, ví dụ không thể nào thuê liên tục những nơi trung tâm hay có vị trí đắc địa, như thế dễ bị rơi vào tình trạng “kẹt tài chính”. Ngoài ra, việc đảm bảo đội ngũ nhân sự xoay vòng theo kịp tiến độ cũng như chất lượng đồng đều về năng lực là một điều người chủ cần lưu ý trong tình hình ngày nay”, anh Thế nói.
Hơn 5 năm kinh doanh trà sữa, trải qua bao nhiêu sóng gió nhưng anh Thế vẫn “trụ” lại được và phát triển không ngừng. “Cốt lõi vẫn là chất lượng sản phẩm cũng như thương hiệu. Dù thời buổi kinh tế khó khăn nhưng dòng trà sữa giá rẻ vẫn là thức uống luôn được nhiều người như: dân văn phòng, dân lao động bình thường hay học sinh, sinh viên chi mua nhiều”, anh Thế khẳng định.
Bình luận (0)