Mặc dù vậy, TP.HCM vẫn tham vọng "phủ" metro trong 10 năm tới. Bởi theo ông Nguyễn Quốc Hiển (ảnh), vai trò của metro đối với một siêu đô thị như TP.HCM nói riêng và các đô thị nói chung là lời giải giao thông duy nhất.
Một câu hỏi mà người dân TP.HCM đều đang quan tâm nhất lúc này là khi nào metro số 1 chính thức đưa vào khai thác, thưa ông?
Tổng tiến độ tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã đạt 98,31%. Trong đó, đối với các tuyến thầu chính như gói thầu CP1a thi công đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến trước ga Nhà hát TP là 99,99%; gói thầu CP1b từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son và đoạn chuyển tiếp từ ga ngầm lên cao là 99,96%; gói thầu CP2 thi công cầu cạn đoạn trên cao, depot đạt 99,67% và gói thầu CP3 cung cấp toàn bộ thiết bị, máy móc, đầu máy toa xe, các hệ thống vận hành tàu là 96,53%... Nhìn vào tiến độ trên, có thể thấy nhìn chung, về mặt thi công kỹ thuật thì tuyến metro số 1 cơ bản đã hoàn thiện, chỉ còn một số hạng mục phụ như tòa nhà vận hành, cầu bộ hành, công tác chỉnh sửa kiến trúc còn lại… sẽ được hoàn thành trong thời gian từ 1 - 2 tháng sắp tới.
Hiện nay MAUR đang tập trung hết sức đẩy nhanh các đầu việc như công tác thử nghiệm tích hợp vận hành (ITC) dự kiến hoàn thành vào tháng 7 bởi nhà thầu Hitachi. Điều này mang ý nghĩa rất lớn về mặt kỹ thuật, bởi công tác này hoàn thành đồng nghĩa chứng minh được rằng về mặt kỹ thuật thì dự án đã sẵn sàng đưa vào vận hành. Những việc còn lại chỉ còn liên quan các công tác đánh giá an toàn hệ thống, hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, hoàn công…
Bên cạnh đó, chúng tôi đang phối hợp với đơn vị tư vấn đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống để thực hiện các công việc liên quan cũng như triển khai các phương án khi đưa tuyến vào vận hành để đánh giá thực tế. Hiện đơn vị tư vấn đã thực hiện được 9/12 báo cáo hợp đồng, tương đương hơn 75%. Đặc biệt, qua làm việc trực tiếp với chủ đầu tư và ngoài công trường, đơn vị tư vấn cho biết họ rất yên tâm về chất lượng dự án và rất tự tin khi triển khai công tác đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống trên tuyến metro số 1. Đây thật sự là tiến độ rất tích cực, tiền đề để đưa dự án về đích suôn sẻ. Ngoài ra, còn một số công việc liên quan thủ tục hoàn thành công trình theo quy định như nghiệm thu công tác PCCC, nghiệm thu, hoàn công… dự kiến cũng hoàn thành trong quý 3 và quý 4. Tuyến metro số 1 vẫn đang đảm bảo tiến độ hoàn thành vào cuối năm 2024 và đưa vào vận hành.
Trong suốt 12 năm thi công, tuyến metro số 1 đã "thất hứa" về đích với người dân TP.HCM 5 lần, đồng thời liên tiếp trải qua những lùm xùm từ việc phải ngưng thi công vì nợ tiền nhà thầu cho tới sự cố rơi gối cầu năm 2020 và mới nhất là các vụ kiện tụng, khiếu nại, tranh chấp giữa các nhà thầu. Ông lý giải thế nào về những điều này?
Phải thừa nhận rằng làm metro ở VN gặp rất nhiều vấn đề. Đâu chỉ tuyến metro số 1, cả tuyến Cát Linh - Hà Đông và tuyến metro số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội) tại Hà Nội đều gặp tình trạng chung là kéo dài và đội vốn. Dự án nào cũng bị như vậy, chứng tỏ có bất cập về mặt hệ thống. Những người làm metro như chúng tôi hiểu rất rõ những bất cập này là gì.
Đầu tiên, các dự án metro đều là dự án lớn, có tổng vốn đầu tư hàng tỉ USD. Trên cả nước, những dự án quy mô tỉ USD chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thứ hai, công nghệ làm metro với thế giới thì không mới nhưng với VN là hoàn toàn mới. Phải nói thật rằng anh em vừa làm vừa học. Cả nước hiện có 3 ban quản lý đường sắt đô thị, 1 của Bộ GTVT, 1 của Hà Nội và MAUR của TP.HCM, cả 3 ban chúng tôi thường xuyên có nhiều buổi giao lưu chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cả trực tuyến và trực tiếp. Anh em đều công nhận có nhiều điều mới phải tìm tòi học hỏi.
Thứ ba, các hợp đồng triển khai thi công thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM đều là các hợp đồng áp dụng mẫu của hợp đồng FIDIC (Hiệp hội tư vấn kỹ sư quốc tế). Mang về làm ở VN còn khó hơn vì vừa phải đảm bảo hợp đồng FIDIC, vừa phải đảm bảo quy định pháp luật của VN. Nếu chỉ làm theo hợp đồng thôi thì có nhiều chuyện giải quyết rất nhanh, nhưng khi làm phải xin ý kiến bộ, ngành, thậm chí Trung ương nên có nhiều thủ tục cần thời gian để giải quyết. Thời gian là tiền, nên chuyện các nhà thầu, đối tác họ phàn nàn, khiếu nại cũng là vì vậy.
Thực tế thì việc khiếu nại trong các dự án áp dụng mẫu của hợp đồng FIDIC là rất phổ biến trên thế giới, và việc xử lý các khiếu nại luôn được quy định rõ trong các hợp đồng. Việc giải quyết các khiếu nại luôn diễn ra song song với quá trình triển khai thực hiện dự án. Đây là chuyện hết sức bình thường.
Tương tự, gối cầu chỉ là 1 hạng mục, có gần 2.000 gối cầu nhưng chỉ có 1 gối cầu gặp sự cố, có thể thấy xác suất rất nhỏ. Nhìn chung, việc thi công metro số 1 đến giờ này an toàn tuyệt đối và được các đơn vị tư vấn đánh giá tốt về cả chất lượng lẫn mỹ quan hình thức.
Nói như ông, có vẻ như chậm trễ và sự cố là chuyện tất yếu?
Nếu nhìn lại, mọi người sẽ thấy tuyến cao tốc đầu tiên của khu vực phía nam là tuyến TP.HCM - Trung Lương chỉ có 40 km đường bộ cao tốc mà xây dựng mất 6 năm, từ 2004 - 2010 mới hoàn thiện. Chưa kể làm xong, những câu chuyện thu phí hay không thu phí, bảo trì thế nào, quản lý ra sao cũng còn phải tính toán, xem xét mất thêm 1 năm rưỡi tới 2 năm sau mới đưa vào vận hành chính thức đầu năm 2012. Trong khi bây giờ nếu làm 40 km đường cao tốc chỉ 2 năm là có thể thông xe công trình. Và chúng ta thấy rõ, các tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây… phát huy hiệu quả thế nào và cả nước đang ồ ạt triển khai hàng loạt tuyến cao tốc đường bộ.
Nói vậy để thấy, tuyến metro số 1 tuy trắc trở nhưng đó coi như học phí để tạo thành chuẩn mực tối thiểu cho chúng ta triển khai các tuyến metro tiếp theo. Các tuyến metro số 2, số 3 chắc chắn chỉ có tốt hơn, không thể nào kém hơn tuyến 1 được.
Chuẩn mực mà ông vừa nói cụ thể là gì? Từ tuyến metro số 1, chúng ta rút ra được những bài học gì cho các tuyến tiếp theo?
Như tôi đã nói ở trên, làm metro rất mới, rất khó nên bài học thì rất nhiều. Song tôi có thể tóm gọn thành 5 bài học lớn sau.
Đầu tiên là công tác chuẩn bị mặt bằng. Một tuyến metro bình thường, thời gian trung bình thi công chỉ cho phép từ 5 - 6 năm, nhưng tuyến metro số 1 từ khi khởi công đến giờ đã 12 - 13 năm. Một phần do quá trình khảo sát mặt bằng bị thiếu, chưa đầy đủ nên trong quá trình làm bị phát sinh tiền và thời gian. Vừa thi công vừa lo giải quyết ống cống hay đường dây điện thì sẽ rất dễ phát sinh khiếu nại, kiện tụng, kéo dài thời gian thi công dự án. Để làm metro, phải chuẩn bị mặt bằng "sạch" cả trên mặt đất và không gian ngầm dưới mặt đất thì mới thi công nhanh được. Tuyến metro số 2 đang được áp dụng ngay bài học này rồi. Chúng tôi khảo sát mặt bằng rất kỹ, đưa việc chuẩn bị mặt bằng sạch thành 1 dự án riêng và sau khi khởi công vào đầu năm 2024, chúng tôi có thể làm rất nhanh.
Thứ hai là bài học về pháp lý. Tuyến số 1 bị dừng mất mấy năm là do vướng pháp lý. Phải thừa nhận giai đoạn đó hành lang pháp lý còn quá mỏng, có những đầu việc không có quy định nào để áp dụng, để làm, phải trình lên trình xuống rất nhiều. Chúng ta làm việc lớn, dự án lớn thì cần có hệ thống pháp lý mạnh, rõ và chuẩn bị kỹ. Làm metro không thể làm kiểu nhỏ nhỏ vừa chạy vừa xếp hàng; tránh tuyệt đối việc vận dụng cái này, vận dụng cái kia. Một loại hình mới thì cần hành lang pháp lý mới, bài bản, rõ ràng.
Thứ ba là công tác chuẩn bị về mặt hợp đồng. Các hợp đồng thuộc dự án metro đều là những hợp đồng rất lớn, giá trị đều trên 100 triệu USD. Nhà thầu quốc tế đi thi công có đội ngũ pháp lý rất mạnh, đứng sau đều là các công ty luật nên cũng đòi hỏi phía VN cần công tác chuẩn bị hợp đồng kỹ lưỡng, từ hồ sơ mời thầu ban đầu đến quá trình thương thảo, ký hợp đồng, trách nhiệm… Rất nhiều điều khoản trong hợp đồng tuyến metro số 1 trách nhiệm không rõ nên giờ phát sinh nhiều mâu thuẫn giữa các nhà thầu, giữa tư vấn với nhà thầu…, cuối cùng kéo theo những hệ lụy không mong muốn. Nói vậy để thấy công tác quản lý hợp đồng phải chuẩn bị rất kỹ.
Thứ tư là bài học về sự tự chủ. Quá trình làm tuyến metro số 1, chúng tôi mất rất nhiều thời gian để đi xin ý kiến, lấy ý kiến các sở, ban, bộ, ngành… Trong đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM (Đề án metro) đến năm 2035 theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị mà TP.HCM chuẩn bị trình Chính phủ, chúng tôi cũng đã đề xuất tăng cường phân cấp, ủy quyền cho người quyết định đầu tư và chủ đầu tư. Như tuyến metro số 1, người quyết định chủ trương đầu tư là UBND TP.HCM, chủ đầu tư là MAUR thì phải phân cấp nhiều hơn, ủy quyền nhiều hơn, đi kèm với đó là trách nhiệm giải trình thì mới làm được. Vướng cái gì cũng phải xin ý kiến, phải báo cáo, mỗi lần như vậy lại kéo dài thời gian, mà như đã nói ở trên, thời gian chính là tiền, tiền thì nhà thầu lại khiếu nại, cứ luẩn quẩn như vậy.
Bài học lớn cuối cùng theo tôi là phải định hướng làm dự án metro, phải lấy vận hành là mục tiêu và sự tiện ích của hành khách sau này là đích đến. Không như làm cầu, đường, xây xong tuyến, nối 2 đầu là xong. Metro phải quan tâm tới công tác vận hành, bảo trì, đào tạo và công tác kết nối, tích hợp ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án.
Tất cả những bài học này đều đã được MAUR cùng các sở, ngành nghiên cứu đề xuất trong Đề án metro và nếu được thông qua, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin hiện thực hóa "giấc mơ" phủ metro trong thời gian tới.
Tôi vẫn hay nói với các anh em trong Ban rằng làm metro là đang làm công trình cho tương lai, xây metro là xây dựng tương lai nên khó mấy cũng phải làm. 4 năm trước, tôi đã nhấn mạnh lời giải duy nhất cho giao thông TP.HCM là metro, bây giờ vẫn đúng như vậy và sẽ đúng thế. Thực tế cho thấy ở tất cả các TP giàu có và thịnh vượng trên thế giới, người dân chủ yếu đi lại bằng giao thông công cộng. Bốn "con rồng châu Á" đều có hệ thống đường sắt phát triển và sự trỗi dậy của các nơi này thường trùng hợp với giai đoạn phát triển đường sắt đô thị. Thập niên này đất nước sẽ làm đường bộ nhưng thập niên sau, đất nước sẽ làm đường sắt. Các nghị quyết của Đảng, Nhà nước cũng đã nêu rất rõ nội dung này và đây là con đường buộc phải tiến tới.
Tại dự thảo Đề án hệ thống đường sắt đô thị tại TP.HCM sẽ gồm 12 tuyến, với 10 tuyến metro có tổng chiều dài khoảng 510 km, 2 tuyến tramway/LRV (khoảng 70 km), TP.HCM đặt mục tiêu giai đoạn 1 từ nay đến năm 2035 sẽ hoàn thành 6 tuyến với tổng chiều dài khoảng 183 km. Mạng lưới giai đoạn này dự kiến đảm nhận từ 40 - 50% lượng khách công cộng, đáp ứng 7 - 8 triệu lượt hành khách/ngày đêm.
Sơ bộ tổng mức đầu tư cho giai đoạn này cần hơn 871.216 tỉ đồng (khoảng 36,33 tỉ USD). Vốn để triển khai các dự án sẽ được huy động tối đa mọi nguồn lực nhà nước, đa dạng hóa các phương thức đầu tư. Trong đó, ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định để đầu tư toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị giai đoạn đến năm 2035.
Để thực hiện mục tiêu, đề án cũng đã xây dựng 6 nhóm cơ chế, chính sách với 28 cơ chế. Trong đó, có 17 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội; 11 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ.
Chính phủ lập tổ công tác thúc đẩy tiến độ metro
Đầu tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 62/QĐ-BCĐCTTĐQG thành lập Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM (gọi tắt Tổ công tác). Tổ trưởng là Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Tổ phó gồm Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Sỹ Thanh và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Bộ GTVT là cơ quan thường trực Tổ công tác. Hằng tháng, Tổ công tác đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc, giải quyết hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Theo Đồ án quy hoạch thủ đô, Hà Nội xác định có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ 14 tuyến đường sắt đô thị, tăng 4 tuyến so với quy hoạch trước đó. Ngoài việc tiếp tục triển khai 10 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, đồ án bổ sung 4 tuyến: Ngọc Hồi - Thường Tín - Cảng hàng không số 2; Mê Linh - Cổ Loa - Yên Viên - Dương Xá; Cát Linh - Lê Văn Lương - Vành đai 4 và Vĩnh Tuy - Minh Khai - Trường Chinh - Láng - Nhật Tân.
Tuy nhiên, thực tế tới nay mới chỉ tuyến Cát Linh - Hà Đông đi vào khai thác và tuyến Nhổn - ga Hà Nội đang triển khai trong tình trạng chậm tiến độ, nhiều lần điều chỉnh mốc khai thác.
Tương tự, theo quy hoạch, TP.HCM sẽ đầu tư 8 tuyến đường sắt đô thị và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray với tổng chiều dài khoảng 220 km, tổng vốn đầu tư ước hơn 25 tỉ USD. Dù vậy, đến nay TP.HCM mới có tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7 km sắp đi vào hoạt động và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) khởi công đầu năm 2024; các tuyến khác mới chỉ dừng lại ở công tác chuẩn bị đầu tư và kêu gọi đầu tư.
Bình luận (0)