Metro số 1 lại... lùi đích

09/04/2021 06:22 GMT+7

Sau rất nhiều năm chật vật gỡ vướng chính sách, ở giai đoạn nước rút, tuyến metro số 1 của TP.HCM tiếp tục phải lùi đích vì sự cố kỹ thuật.

Nguy cơ phải sửa toàn bộ 1.138 gối cao su

Từ đầu năm đến nay, thông tin về sự cố lệch gối cầu tại tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân TP. Từ lãnh đạo cho tới các chuyên gia của Tổ công tác độc lập, ai cũng mong sự cố chỉ xảy ra trên 1 - 2 vị trí và sẽ nhanh chóng xác định được nguyên nhân, tìm ra phương án giải quyết để dự án vẫn có thể giữ lịch chạy thương mại vào cuối 2021, như quyết tâm TP đã đề ra. Thế nhưng, mỗi thông tin thêm 1 vị trí gối cầu bị phát hiện xê dịch không rõ lý do, nỗi lo lùi đích toàn tuyến càng tăng lên.
Mới nhất, trong văn bản khẩn gửi UBND TP.HCM, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết đã phát hiện thêm 4 gối cao su có hiện tượng bất thường và nhận định ban đầu các gối cao su bản thép sử dụng cho cầu cạn đang tiếp tục bị dịch chuyển, xô lệch khỏi đá kê gối, có tính chất hệ thống (xảy ra hàng loạt). Trước mắt, đơn vị này đang yêu cầu Liên danh NJPT giám sát, đôn đốc Tổng thầu EPC tiếp tục quan trắc, rà soát, kiểm tra lại toàn bộ gối cao su bản thép đã lắp đặt của Gói thầu số 2, đánh giá tổng thể việc tiếp xúc êm thuận giữa đáy dầm và gối cầu, độ ổn định của gối cầu, chất lượng gối cầu thực tế cho đến nay, các biến dạng hình học có thể xảy ra nhằm hạn chế các sự việc tương tự xảy ra. Một chuyên gia về đường sắt cho biết sự cố lệch dầm cầu nếu chỉ xuất hiện tại một vài vị trí có thể nhanh chóng khắc phục. Tuy nhiên, nếu xảy ra trên toàn hệ thống sẽ cực kỳ nguy hiểm vì dẫn đến nguy cơ phải sửa lại toàn bộ 1.138 gối cao su, kéo theo làm lại mố trụ, dầm cầu, thời gian nhanh cũng phải mất ít nhất 6 tháng. Điều này có nghĩa metro số 1 chắc chắn sẽ lỡ hẹn vận hành thương mại vào cuối năm nay.
Không chỉ gặp sự cố kỹ thuật, đến nay, tuyến metro số 1 vẫn chưa xác định được giá trị ODA cấp phát còn lại do chưa thống nhất về áp dụng đồng tiền giữa các bộ nên TP vẫn chưa nhận được vốn giải ngân từ T.Ư. Hơn 4.000 tỉ đồng ngân sách TP tạm ứng để thực hiện dự án trong quá trình hoàn thành thủ tục nâng tổng mức đầu tư, đến nay vẫn chưa được hoàn lại.
Bên cạnh đó, thời gian thực hiện các hợp đồng kéo dài, một số nội dung của hợp đồng gốc đã không còn phù hợp với tình hình triển khai thực tế, dẫn đến yêu cầu phải ký kết các phụ lục điều chỉnh hợp đồng. Những vướng mắc về vốn và phụ lục hợp đồng khiến công tác đào tạo lái tàu đang phải ngưng trệ, kế hoạch cho tàu lăn bánh chạy thử vào tháng 9 cũng không còn được đảm bảo.
Trước đó, trong bản kế hoạch chi tiết về tiến độ thực hiện, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và các năm tiếp theo gửi UBND TP.HCM, MAUR cũng đã đề cập việc dự kiến vận hành thử toàn tuyến metro số 1 và khai thác thương mại trong năm 2022. Nguyên nhân, do năm 2020, tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp đã làm gián đoạn việc nhập cảnh chuyên gia nước ngoài, nhập vật liệu thi công dự án. Một số gói thầu do ảnh hưởng tình hình dịch dẫn đến chậm so với kế hoạch, điển hình như đoàn tàu metro số 1 đầu tiên tới tháng 10.2020 mới có thể nhập khẩu về nước, trễ tới 6 tháng...

Bên trong đoàn tàu đầu tiên tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên

Điệp khúc lùi đích

TS Nguyễn Anh Tuấn, giảng viên bộ môn đường sắt metro - Trường ĐH GTVT TP.HCM, đánh giá dự án metro số 1 chậm trễ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và sự phát triển chung của TP.HCM. Thứ nhất, quá trình xây dựng hệ thống metro ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc kinh doanh của các hộ dân xung quanh. Càng kéo dài thì chất lượng cuộc sống càng giảm và tình hình kinh doanh càng khó khăn. Thứ hai, việc chậm trễ dự án sẽ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, vấn đề giao thông của TP và kết nối các loại hình vận tải khác trên địa bàn TP với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai.
“Hiện nay, Ban Quản lý đường sắt đô thị đang quyết liệt phối hợp với các bên liên quan để xác định trách nhiệm sự cố rơi gối cầu và các nguyên nhân khác khiến việc tuyến metro số 1 bị chậm tiến độ. Từ tình hình thực hiện tuyến metro này, cần phải đánh giá tổng thể các nguyên nhân và có những giải pháp đồng bộ cho các tuyến tiếp theo từ khâu thiết kế, lập dự toán đến thi công, giám sát và quản lý dự án...”, vị này đề xuất.
Không chỉ về giao thông, đô thị, ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, cho rằng sự ì ạch quá lâu của các tuyến metro còn khiến nỗ lực thu hút đầu tư vào TP bị ảnh hưởng rất nhiều. Toàn bộ những khó khăn, vướng mắc liên quan thủ tục, cơ chế sẽ khiến các nhà đầu tư e ngại, các dự án lớn tiếp theo sẽ khó khăn hơn rất nhiều trong tiếp nhận vốn. Quan trọng hơn, “điệp khúc” metro lùi đích đang làm mất đi sự hồ hởi, mong chờ về một sự kiện mang tính đột phá trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của TP. Người dân đã quá ngao ngán khi gần như không có dự án giao thông nào trên địa bàn TP không trễ hẹn. Đặc biệt, metro là dự án trọng điểm quốc gia, ì ạch đến 15 năm, người dân có nhu cầu muốn làm rõ trách nhiệm thuộc về ai.
Theo ông, mỗi dự án đều phân ra thành các công đoạn, cụ thể phần nào do chủ đầu tư chịu trách nhiệm, phần nào thuộc về quận, huyện, phần nào thuộc thẩm quyền của TP và các bộ, ngành… Dự án chậm tiến độ, chắc chắn do từng hợp phần làm không tốt. Tuy nhiên, trước nay chúng ta chưa có tiêu chí rõ ràng về vấn đề quy trách nhiệm. Khi có chuyện xảy ra, trách nhiệm đổ chung chung, thậm chí thiên tai, dịch bệnh cũng trở thành cái cớ chính để đổ trách nhiệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.