Mì ăn liền nghèo chất dinh dưỡng?
Mì ăn liền có thành phần chính là bột lúa mì, được xếp vào nhóm lương thực. Ngoài cung cấp chất bột đường, mì ăn liền còn chứa một lượng chất đạm, chất béo nhất định. Hàm lượng của các thành phần dinh dưỡng này đều thể hiện rõ trên bao bì của sản phẩm. Theo đó, một gói mì ăn liền loại thông dụng (75g) chứa chủ yếu là chất bột đường khoảng 40 - 50g; 10 - 13g chất béo và thường không ít hơn 6,8g đạm, có thể cung cấp cho cơ thể 300 - 350Kcal.
Trên thực tế, không có một thực phẩm riêng biệt nào có thể là nguồn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Mỗi thực phẩm đều có những ưu nhược điểm riêng, giàu thành phần này và ít thành phần kia. Quan trọng là chúng ta kết hợp khéo léo các thực phẩm đó với nhau để có bữa ăn cân đối và đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể.
Cũng cần phải nói thêm, nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý là ăn đủ bốn nhóm chất: bột đường, chất đạm, chất béo, khoáng chất và vitamin.Nếu chỉ ăn một loại thực phẩm thì sẽ mất cân bằng dinh dưỡng, lâu dài sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe nói chung và sự phát triển của trẻ nói riêng. Vì thế, bữa ăn của trẻ cần đa dạng thực phẩm. Khi cho trẻ sử dụng mì ăn liền, cha mẹ nên chế biến cùng những thực phẩm giàu đạm như thêm vào tô mì 3 - 4 lát thịt bò, thịt heo hoặc 2 - 3 con tôm, quả trứng, một ít nấm, đậu hũ… để bữa ăn được cân đối hơn giữa đạm động vật và thực vật. Đồng thời, kèm thêm các loại rau củ như cải xanh, giá đỗ, cà chua, cà rốt… mà trẻ thích để bổ sung đủ lượng chất xơ.
Mì ăn liền nhiều chất bảo quản và phụ gia?
Cho rằng mì ăn liền chứa nhiều chất bảo quản và phụ gia không tốt cho sức khỏe nên nhiều phụ huynh cũng dè chừng khi cho con sử dụng loại thực phẩm này. Thế nhưng, trên thực tế, mì ăn liền bảo quản được lâu là do bản thân sản phẩm có hàm lượng độ ẩm rất thấp và được đóng trong bao gói kín. Theo đó, mì ăn liền áp dụng phương pháp làm khô sản phẩm bằng cách chiên hoặc sấy để làm giảm độ ẩm trong vắt mì xuống mức thấp nhất (mì chiên <3%, mì không chiên <10%), giúp sản phẩm bảo quản được lâu. Vì thế, việc cho rằng mì ăn liền bảo quản được lâu do chứa nhiều chất bảo quản là chưa chính xác.
Cũng cần phải nói thêm, không phải cứ nhắc tới chất phụ gia hay chất bảo quản là không tốt. Hiện nay, việc sử dụng các chất này trong sản xuất thực phẩm đều phải tuân theo quy định của Bộ Y tế với hàm lượng cho phép, an toàn với người sử dụng. Bên cạnh đó, cũng chưa có bất kỳ một nghiên cứu khoa học nào đủ tin cậy để khẳng định những chất phụ gia thực phẩm sử dụng trong mì ăn liền là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe. Theo đó, thay vì lo lắng về phụ gia thì cha mẹ nên chú ý chọn sản phẩm mì ăn liền của các nhà sản xuất uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, được cấp phép bởi các cơ quan chức năng. Những sản phẩm được cấp phép đồng nghĩa với việc họ tuân thủ đúng các quy định về phụ gia thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Lời kết: Mỗi nhóm thực phẩm có vai trò cung cấp các loại chất dinh dưỡng khác nhau cho cơ thể trẻ để tạo ra năng lượng hoạt động hằng ngày. Cần phải kết hợp nhiều nhóm thực phẩm khác nhau, bởi vì trên thực tế, không có loại thực phẩm nào là tốt nhất và càng không thể là duy nhất để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Theo phân nhóm thực phẩm, mì ăn liền với thành phần chính là bột lúa mì được xếp cùng nhóm cung cấp chất bột đường như các loại thực phẩm cơ bản khác là cơm, bún, phở, bánh mì, khoai, sắn… Theo đó, cha mẹ nên biến tấu kết hợp mì ăn liền với các loại thực phẩm khác nhau như thịt bò, tôm, trứng, rau xanh để tô mì không chỉ thêm dinh dưỡng mà còn hấp dẫn hơn với trẻ.
Bình luận (0)