Rất nhiều những kiểu chưa đi mưa chưa biết lạnh, hở là hứa càn, kiểu tao mà vô một tờ độc đắc là giúp mày thoát cơn bĩ cực liền. Chừng trúng thiệt, mà những hai chứ không phải một, thì âm thầm trốn biệt. Như trường hợp của tôi và thằng bán mì gõ tên Tâm vậy.
Tâm chung với tôi một dãy trọ. Tướng tá nó mỏng lét như lá lúa, đi phụ hồ chịu không nổi nắng nôi nên sáng làm chiều nghỉ. Đến tháng, chủ trọ chửi như tát nước, sau đó đuổi thẳng. Tâm chạy qua xin vợ chồng tôi ra tay tế độ, nó còn tôn vợ chồng tôi lên hàng bồ tát nữa mới kinh. Không kệ được, vợ tôi thò tay móc hầu bao, sẵn cho mượn thêm mua chục ký gạo và chai mắm nêm. Tâm dân Bình Định nên thuộc lòng câu “mắm ngon dòi ở mắm dở dòi đi”. Công nhận nó chế biến mắm nêm ngon quá xá ngon. Ăn hết nửa ký bún và chén mắm nó mời, tôi hỏi:
- Ở quê mày làm con mẹ gì?
- Con phụ má bán quán.
- Quán gì?
- Quán hủ tíu mì.
Vậy là tôi đứng ra vay cho Tâm đủ tiền tậu một xe mì gõ. Nồi niêu tô chén, không thiếu một chiếc đũa. Xe mì gõ kê ngay mặt tiền dãy trọ. Thuở cái điện thoại Nokia 1100 đại gia mới xài nổi thì mì gõ nhờ vào hai thanh tre. Thằng cu mười tuổi nhà tôi cóc cóc cóc phụ anh Tâm vòng vòng khắp xóm. Xóm tôi tạm trú vô công rỗi nghề nhiều lắm. Chồng làm công ty vợ ở nhà chăm con, rảnh rỗi quá bèn trải chiếu xòe tứ sắc cho vui. Bốn tô nghe nhỏ. Vậy là út tôi bê bốn tô dâng tận chỗ.
Công việc làm ăn của Tâm khá tốt. Chỉ một tháng nó trả đủ vốn lời cái tôi vay giúp. Ngày nào nó cũng bắt chước tôi đầu tư hai tờ vé số. Với tôi, gieo gì gặt nấy. Gieo gió gặt bão thì, mua vé số phải trúng số chứ không thể sáng mua chiều xé mãi được. Tôi và Tâm móc ngoéo rằng một trong hai sẽ bằng nhau nếu trời gọi. Hai chú cháu mua vé mỗi người một tỉnh. Như vậy xác suất trúng sẽ cao hơn một chút. Y như rằng. Hai tờ vé số của Tâm vô độc đắc một cái ào và nó cũng bay một cái ào ngay chiều hôm ấy. Dư âm của Tâm chỉ còn lại chiếc xe mì gõ.
Vậy là vợ tôi thay Tâm là chủ xe mì. Nghề này ngó vậy mà nhàn nhã và vui lắm nghe. Sau một ngày cật lực trên công trường xây dựng, đêm về tôi cầm hai thanh tre cóc cóc cóc khắp hang cùng ngõ hẹp trong xóm nhỏ buồn thiu. Gần dãy trọ có một quán cà phê có tên Cỏ Hồng. Đây là nơi tập trung những bóng hồng sa mạc chuyên ăn khuya. Đêm nào tôi cũng bê đến Cỏ Hồng sáu mì gõ cho bốn cô và hai vợ chồng chủ quán. Ngoại trừ các cô này còn có những thẩn tha trên đường nữa. Sao không thướt tha mà thẩn tha? Thời này các cô mặc quần jeans áo khoác thì thướt sao đặng. Tội nghiệp. Thị trường hẹp mà lắm cạnh tranh nên các cô chỉ còn biết ghé mì gõ làm một tô cho ấm lòng khi ế ẩm.
Có cô còn thiếu nữa kìa.
Bà xã nằm viện. Tôi phải ra tay nêm nếm nồi nước lèo. Tôi tuy đen đúa bặm trợn nhưng thông minh tính sẵn. Gì chứ vào bếp chả thua một quần hồng nào. Thuở bán mì gõ nuôi vợ nằm viện một tô chỉ mới năm ngàn. Ly cà phê đá cũng giá đó. Và... cà phê ôm iếc là năm chục ngàn. Tôi biết là bởi chủ cà phê Cỏ Hồng:
- Ê... Minh Tàn, ghé quán tao làm ly cà phê mậy. Tao ăn mì gõ thiếu điều sập quán mà mày không ủng hộ là nghĩa làm sao?
- Tui hôi như cú, đen thùi lùi như mõm chó cà sao phê được ông?
- Tiền không đen và thơm lắm mày ơi.
- Bao nhiêu một lần cà hả ông Mười?
- Năm chục.
- Mẹ cha ơi... một ngày công thợ dầm mưa dãi nắng cha ơi.
- Bà mẹ... cái thân ngàn vàng mày so vậy tao nghe được sao Minh Tàn.
Ông Phan Ni Tấn có câu rằng “Thực ra đời này có gì đáng nói. Chẳng qua là một giấc mộng không thành”. Đúng. Không tiền thì mộng mơ chi. Chạy ăn lo bệnh toát cả máu thì sướng ích chi mà vui vẻ. Đêm nào tôi cũng mục kích những thẩn tha đi lên đi xuống đợi khách mà nghe lòng xa xót. Những lúc ấy tâm tư tôi hát rằng “Người ơi mau về đây. Về bên bếp hồng tay cầm tay. Cười lên chan chứa tươi làn môi. Nhớ phút vui đêm này...”.
|
Mưa đến. Tôi giăng hai tấm bạt để khách không bị ướt:
- Thiếu bao nhiêu rồi anh Minh? - Một thẩn tha trạc ba mươi hỏi.
- Năm chục - Tôi trả lời.
- Dạo này làm ăn chẳng được chi hết. Hay là... em tính vầy...
- Tính sao? Chừng nào có trả cũng được mà.
- Dẹp quán xong ông về phòng tui đi. Mưa lạnh một mình buồn quá. Xem như trừ cái em thiếu anh.
Đúng là nước đời lắm nỗi và đoạn trường này không khác chi “đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau” trong Kiều vậy. Tôi là dân đó đây tám hướng, lê thân tàn tạ trên vỉa hè từ cái thời lộ cái dày dặc ổ voi ổ gà, bầu bạn với thê lương gần như suốt kiếp nên hiểu lắm. Chả quân tử tàu phù chi nhưng gì chứ chơi tôi cũng biết một chút. Tôi nói với Bích - tên của thẩn tha:
- Quê em ở đâu?
Nàng “Bùi Giáng” liền một khi:
- Rằng biển xanh dâu, rằng mộng ban đầu đã xa.
Trong cái mớ lục cục lòn hòn dưới đáy đời rất nhiều kẻ làm ta thú vị:
- Chồng con sao? - Tôi hỏi tiếp.
- Xù rồi anh. Con ở với bà ngoại. Em lên Sài Gòn ghé Huyền Trân Công Chúa đứng riết mỏi chưn quá, nghe dưới này công nghiệp làm ăn được nên ghé anh ăn mì gõ cho biết mùi...
Tôi rót cho mình một ly rượu gạo dầm thuốc bắc:
- Làm một ly cho ấm không? - Tôi hỏi.
- Anh cho em một ly.
Một, hai rồi ba ly xây chừng cái lạnh của mưa đêm bị đẩy lùi. Cái này lui thì cái khác tức thì hiện diện. Rượu vào lời ra ấy lẽ đương nhiên. Bích kể với tôi về anh chồng gà mái. Rằng nó nghe lời má nó, chị nó chửi em là đồ không biết đẻ. Cô lên án gia đình chồng là độc tài phong kiến cổ hủ lạc hậu. Họ đòi cô đẻ cho được một con trai. Khốn thay chuyện đẻ đái đâu phải muốn là ô kê. Sanh được một con gái Bích dừng lại không thèm lớn bụng nữa. Bị mắng mỏ riết cô cự lại, thế là anh chồng ra mặt bênh mẹ và chị nện cho cô một trận. Giận quá Bích ôm con về má ruột. Thằng chồng nói đi là đi luôn đừng về nữa nghe mậy. Vậy là Bích bolero “đường anh anh đi anh đi, đường em em đi em đi... kỷ niệm vùi theo tháng ngày...”.
- Thôi yên giùm cái bà nội -
Tôi nói.
Trong một thoáng tôi nhận ra cô vẫn còn thương lắm, yêu lắm anh chồng cô gọi là gà mái. Yêu mà. Đâu phải chỉ vì cái không có con trai và chia tay nhau đôi khi vì giận chứ không hề hết yêu. Thực là vậy:
- Rồi chồng cô có vợ khác chưa?
- Chưa anh... nghèo chết mụ nội... có em ngu nên rớ vô chứ khôn chút thì còn khuya.
- Nó có phụ cô nuôi con không?
- Dạ có...
- Vậy là nó còn thương yêu cô lắm đó. Thôi... về đi. Để con gái cô có cha có mẹ cho đỡ tủi. Nó mấy tuổi rồi?
- Bảy tuổi rồi anh... mà thôi chuyện em đi. Sao? Đi không?
- Đi đâu?
- Thì... trừ nợ...
- Thôi... xem như xù đi Bích. Anh cho con gái em tiền ăn bánh cũng được mà.
Mì gõ vốn là nơi rất chi rề rà. Ăn xong nắng làm ly trà đá, mưa thì trà nóng. Khuya có quyền đấu láo với chủ xe mì chuyện trên trời dưới biển. Có hôm tôi ngồi đến một giờ sáng vì thẩn tha bị ế hay khách tìm hoa về muộn. Những lúc ấy mong khách ăn thiếu cho hết mà dẹp cho rồi.
***
Thành, một khách áo bỏ trong quần rất chi nghiêm túc vốn là thầu xây dựng, từng là sếp của tôi trong công trình:
- Em nào trông xinh quá chú Minh Tàn?
- Bích. Nó tên Bích. Trọ một dãy với tao đó.
Cha ông dạy rằng tình yêu vốn mù quáng, dính vô nhau rồi mới sáng con mắt ra. Thành là một điển hình. Nó to con đẹp trai cao ráo, phong thái như tài tử điện ảnh vậy. Kẹt cái ông con sinh ra và lớn lên ở miền đất cày lên sỏi đá nên học đến lớp năm thì bỏ. Ông đi phụ hồ được con gái cai thầu thương mến nên nhảy một phát lên cai. Cai cung thì ăn rồi đi coi thợ nên Thành cũng tung tẩy với mấy em gái phụ hồ mà ra cái sự ghen tuông. Vợ Thành na cái bụng vượt mặt đến nơi chồng làm việc ra một trận tan tành hoa lá hẹ. Cô níu chồng xé rách cả quần chứ áo thì kể chi. Quê độ quá Thành xáng cho cô vợ hai bạt tai cháy mặt. Bố vợ nhảy vô bênh con gái, Thành chơi luôn:
- Bà mẹ... con tui hả? Ông thề đi. Thề hộc máu trào cơm ra đường bị xe đụng nát gáo rằng cái bầu con ông đang mang là con tui đi...
Hai thằng em vợ nhảy vô nện cho Thành một trận nhừ tử luôn. Hôm đó không có tôi tả xung hữu đột thì Thành chuyển viện là chắc nụi.
Hơn ai hết Thành biết thế nào là mù quáng của tình yêu và thực sự sáng mắt. Sáng thì sáng nhưng tôi biết ông con vẫn yêu vợ. Yêu chết bỏ luôn. Tôi hỏi:
- Sao mày biết cái bầu không phải của mày?
- Nó nói thiệt với con chú Minh ơi.
- Biết mà vẫn lấy nghĩa là sao?
- Yêu mà... biết sao được chú.
Thành ráp với Bích thành một cặp. Một cặp trời sinh.
- Anh Minh - Bích nói với tôi - nghe nói Ba Sơn tính cho thuê quán cà phê Cỏ Hồng của ổng hả?
- Ừ... Ông ta nhờ tôi môi giới giúp. Cô hỏi làm chi?
- Anh Thành tính thuê cho em...
Thuê xong Thành cải tạo Cỏ Hồng sang cả hết chê. Có đèn black-light, có karaoke và thế là Bích thoát kiếp thẩn tha trên đường. Đôi mắt của Thành cũng bay đi cái màu chán nản. Cu cậu quyết định ly dị vợ để trăm năm đầu bạc với Bích. Lúc này Thành đã là một chủ thầu, dưới trướng có cỡ ba chục cả thợ lẫn phụ. Đêm nào bọn lính xa nhà của Thành cũng ghé quán Cỏ Hồng của chị Bích để quên buồn xa xứ. Chuyện cứ thế mà tiến chừng chục năm. Tháng nào Bích cũng nhờ tôi ra bưu điện gửi tiền cho má cô nuôi con bé.
Đùng một phát anh chồng gà mái của Bích dẫn con lên thăm mẹ.
***
Tôi vốn là kẻ ruột để ngoài da, chứ vợ tôi thì khác. Đàn bà như cơi đựng trầu ư? Còn khuya. Nhìn con bé đang xì xụp bên tô mì gõ, bà xã nói:
- Mắt con bé này giống y hệt mắt con Bích nè ông Năm.
Nhìn một hồi tôi nhận ra, không riêng mắt mà cả môi lẫn má không Bích thì ai vô đấy nữa hả trời cao? Tôi lân la:
- Con tên gì bé?
- Dạ... con tên Hân.
- Mấy tuổi rồi?
- Dạ... con bảy tuổi.
Hỏi thằng cha:
- Đi làm ăn hả chú mình? Tên gì? Quê đâu?
- Con tên Hùng, quê ở... chú tên là Minh phải không?
Tôi giật thột... mẹ cha ơi... biết tên mình thì trăm phần trăm chồng con Bích chứ không ai vô nữa:
- Sao chú mày biết tên tao?
- Dạ... bà già vợ con chỉ chỗ chỉ đường nên con biết.
Ra là Bích về quê thăm con. Vui miệng, cô méc với má là đang làm ăn ở xứ đó xứ kia, có quen biết với vợ chồng nọ tốt tánh lắm vân vân và vân vân... Bà già bịnh, cháu nội còn trả về cho cha má chăm nói chi cháu ngoại. Gã chồng gà mái đưa con về nhờ mẹ và chị thì:
- Mày mang đi mà trả con gái cho mẹ nó. Tao không chứa.
Có vậy chồng mới bươn chải đường xa tìm vợ. Chả hiểu Bích nói gì và má cô truyền đạt lại làm sao mà gã chồng xuống xe ngay chóc xe mì gõ của tôi.
Tôi móc di động ra gọi tốc hành cho Bích. Bích điếng người khi nghe con bé tên Hân và gã chồng tên Hùng đang ăn mì gõ. Vụ này là nghiêm trọng còn hơn nước nóng đổ vô quần. Tôi phải ra tay để bình ổn:
- Vợ mày hả? Nó đang đi làm chiều mới về.
- Nó ở đâu hả chú?
Tôi chỉ vào phòng trọ của Bích. Chủ Cỏ Hồng nhưng vẫn giữ cái phòng trọ ấy đi đi về về che mắt thiên hạ.
- Phòng con vợ mày đó.
- Vợ con làm gì hả chú?
- Phụ bán quán... ăn đi... ăn xong rồi tao mở phòng cho mà ngả lưng.
Cũng có chút uy tín nên chủ trọ giao chìa cho thằng tôi coi ngó giùm những khi cô vắng lâu. Sau khi cả cha lẫn con vào phòng, tôi phi một hơi đến Cỏ Hồng báo sự tình. Mặt mày Bích tái như chàm đổ. Cô ôm trán thở dài thườn thượt khi nghe tôi hỏi giờ tính sao.
- Trước khi thằng Thành về, mày ghé thăm con bé một chút rồi nói bận đi làm đêm. Đừng theo thằng Thành lên ăn mì gõ nữa...
Trong đầu tôi hiện lên sự tích ông táo “Thế gian một vợ một chồng, ai như ông táo một bà hai ông” và cả ba cùng chết thảm. Bây giờ mà hai thằng Thành và Hùng lao vô nhau và Bích nhảy vô can, cả ba chết chùm thì con bé ai nuôi? Vợ chồng Minh Tàn là chắc luôn trời hỡi. Khi không tôi dính vô chuyện trời ơi mới là khốn nạn.
Vậy mà mọi chuyện dưới sự dàn dựng của đạo diễn Minh Tàn nó qua được một tháng. Hai cha con Hùng Hân dẫn nhau đi bán vé số. Bích vẫn trong vai phụ quán của cà phê karaoke Cỏ Hồng. Những khi mẹ con Bích - Hân gặp nhau để tình thương mến thương thì Hùng ỉ ôi rằng “anh biết tội đã nhiều, dại rồi anh khôn lại được mà em ơi”. Bích rằng “ông liệu mà biến về quê, ấn ai ta có ngần nầy mà thôi”. Vụ thơ văn pha Kiều này là tôi thêm vô chứ cặp đôi này gặp nhau mày mi tao tớ là chuyện nhỏ, họ văng tục vào nhau nữa kìa. Nhưng lúc ấy nước mắt con bé tên Hân lưng tròng thấy mà thương lắm.
Được một tháng, Thành hỏi tôi:
- Có bé Hân là con của Bích hả chú Minh?
- Ừ.
Mọi sự sờ sờ ra đó giấu sao được:
- Ông Hùng là chồng trước của Bích hả chú?
- Mày biết rồi hỏi làm chi?
Tôi thấy trong mắt thầu khoán Thành một thăm thẳm chiều trôi. Cái thăm thẳm của sự nghi ngờ rằng tình cũ không rủ cũng tới, đã vậy còn có thêm đứa con làm cầu nối mới là mệt hung. Vậy là Thành vào công trình sắp xếp công việc xong bay về Cỏ Hồng để canh người mộng. Em ở đâu là anh ở đó. Kịch bản làm thuê cho quán của Bích đương nhiên bị phá sản. Cô không có thời gian để lén đi thăm con nữa. Vậy là Hùng lên tiếng:
- Vợ con làm chi ở Cỏ Hồng vậy chú?
- Hỏi nó chớ mắc chi hỏi tao. Với lại mày với nó chia tay nhau rồi thì hỏi chi cho mệt vậy?
Hùng cũng thở dài rất thăm thẳm chiều trôi. Mọi chuyện cũng làm tôi và bà xã khó mà ngủ nghê chi được.
Nhưng nho gia có câu rằng “cùng tắc biến biến tắc thông”. Sáu giờ chiều hôm ấy, nghĩa là sau giờ xổ số, Thành có mặt ngay mì gõ:
- Có bà xã con đây không chú Minh?
- Không.
- Ông Hùng và bé Hân đâu rồi chú?
Tôi chợt nhớ ra là chiều nay cả cha lẫn con không về ăn chiều để tiếp tục vé số dạo. Tôi hỏi bà xã:
- Cha con thằng Hùng có về không bà Năm?
- Ừ há... chiều nay sao cha con nó không về vậy kìa.
Và mọi chuyện diễn biến nhanh cấp kỳ. Chủ đại lý vé số dừng xe cái réc ngay mì gõ và thông báo rằng, cha con Hùng Hân hôm nay bán trúng hai chục tờ độc đắc. Cha con nó đâu rồi? Đâu rồi? Bán cho ai nhớ không? Năm chục triệu một tờ người trúng biếu cho một tờ một triệu là lên luôn từ đó. Nhưng mà cha con nó đâu?
Đâu rồi?
Cả cô Bích cũng đâu rồi?
Cô bác dãy trọ và những người đẹp mắt xanh mỏ đỏ ở Cỏ Hồng rằng thì là, dám ông nội Hùng ôm vé ế vô ngay cái ông hoàng xứ cà ry cay. Riêng tôi thì trăm phần trăm vì ngày nào tôi cũng xúi Hùng nên giữ lấy hai tờ. Và trúng rồi thì cha con chồng vợ lại chung một mái nhà là quá xá hợp lý.
Thành thì sao? Nhìn nó vật vã khóc lóc, vợ tôi phát hoảng:
- Tôi nghi quá ông Năm... Nó tự tử là có à.
- Ôi dào... nước mắt cuốn trôi sạch bách bà ơi. Yên tâm đi.
Y như rằng. Được ba ngày Thành thu dọn Cỏ Hồng cho lên đầy ắp một vận tải hai tấn rưỡi rồi chở về nhà - nơi mà cô vợ ôm đứa con Thành bảo không phải con của nó đang mòn mỏi chờ chồng. Đời mà. Vợ anh trước khi cưới có đăng ký kết hôn, đẻ ra không con anh thì con ai?
Đã hai mươi năm trôi qua. Nửa đêm thức giấc tôi chợt nhớ những tháng ngày bán mì gõ nên kể lại nghe chơi. Và cô Bích thân mến. Nếu cô đọc được thì ghé lại xứ này một lần cho biết. Cô sao rồi? Có trúng số thiệt không? Còn bồ Thành của cô thì đã là ông nội ông ngoại rồi. Yên tâm đi cô nhé.
Bình luận (0)