PGS-TS Lê Bạch Mai - nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết tin đồn mì gói độc hại, nguyên nhân gây bệnh tim mạch, suy thận, hại gan, ung thư là thiếu căn cứ. “Người tiêu dùng cần hiểu rõ các chất phụ gia được phép cho vào trong thực phẩm, bao gồm cả trong mì ăn liền đều được quy định giới hạn về hàm lượng an toàn, nằm trong tiêu chuẩn cho phép, được cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ”, PGS-TS Lê Bạch Mai nói.
|
Mì ăn liền đã được Ban kỹ thuật Codex quốc tế thiết lập tiêu chuẩn CODEX STAN 249-2006 (tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế). Tại Việt Nam, Tổng Cục đo lường chất lượng Việt Nam cũng ban hành TCVN 7879:2008 đối với các sản phẩm mì ăn liền. Theo đó, mì ăn liền của các nhà sản xuất lớn ở Việt Nam đều phải đảm bảo tuân thủ các quy định về nguồn gốc xuất xứ, thành phần nguyên liệu và phụ gia sử dụng, hàm lượng cho phép…
Do vậy, người tiêu dùng có thể tin tưởng, an tâm chọn loại mì ăn liền được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành và giám sát chất lượng, được sản xuất bởi những công ty uy tín, áp dụng quy trình sản xuất hiện đại.
Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết thế giới chưa ghi nhận kết quả nghiên cứu khoa học nào chứng minh mì gói là nguyên nhân gây ung thư. Những tin đồn về tác hại của mì gói khiến người tiêu dùng rơi vào tình trạng vừa ăn vừa lo.
Phân tích dưới góc độ của một chuyên gia công nghệ thực phẩm, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, trên thực tế, việc sản xuất mì ăn liền ở các công ty uy tín đều phải đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, sử dụng nguyên liệu nằm trong danh mục quy định của Bộ Y tế và rất phổ biến như: bột mì, muối ăn, bột ngọt, dầu chiên, ớt, tỏi, hành, rau củ sấy khô…
Việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào ở các công ty lớn, có uy tín cũng rất chặt chẽ, đảm bảo tất cả yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế. Vì thế, không thể có tình trạng nguyên liệu bị hư hỏng hoặc không rõ nguồn gốc được đưa vào sản xuất.
Vấn đề dầu chiên và quá trình chiên, theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, cũng đã được các công ty có uy tín kiểm soát chặt chẽ, chủ động khống chế được sự hình thành các chất không tốt cho cơ thể người tiêu dùng.
Đầu tiên phải kể đến việc dùng loại dầu không dễ bị biến chất trong quá trình chiên, giúp không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Loại dầu này có nguồn gốc từ dầu cọ (dầu thực vật), sản xuất bằng phương pháp làm lạnh tự nhiên. Cùng với đó, việc kiểm soát nhiệt độ chiên ổn định (khoảng 160 - 165 độ C) và rút ngắn thời gian chiên để không xuất hiện quá trình Acrolein (hình thành do sự phân hủy của glycerin ở nhiệt độ trên 180 độ C), nên loại bỏ được nguyên nhân gây ung thư trong quá trình chiên thực phẩm.
Không những thế, trong quá trình chiên, mỗi lượt mì đi qua chảo chiên chỉ mất khoảng 2,5 phút và làm hao hụt một lượng dầu nhất định. Do đó, dầu mới sẽ được bổ sung đều đặn, liên tục thông qua hệ thống định lượng tự động. Đồng thời, dầu luôn được kiểm soát mức độ ô xy hóa theo TCVN và Codex để đảm bảo nằm trong giới hạn chất lượng cho phép (nhỏ hơn hoặc bằng 2 mg KOH/gram dầu).
Từ những tìm hiểu, phân tích thực tế, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, người tiêu dùng không cần lo lắng về tính an toàn của mì ăn liền. Thay vào đó, người tiêu dùng nên chú ý tới chế độ dinh dưỡng cân bằng và vận động hợp lý. Khi ăn mì ăn liền, nên bổ sung thêm rau xanh (rau muống, cải xanh, xà lách xoong, nấm rơm, rau thơm…); hải sản (tôm, mực, cua…); thịt (heo, bò, gà); cá, trứng… để tô mì thêm giàu dinh dưỡng và ngon miệng.
Bình luận (0)