Microsoft nộp phạt 25 triệu USD vì 'đi đêm' ở Hungary

23/07/2019 16:36 GMT+7

Bộ phận kinh doanh của Microsoft ở Hungrary bị cáo buộc đã chi tiền hối lộ các quan chức chính phủ nước này trong các giao dịch ở địa phương.

Cụ thể, Microsoft đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan khi bị cáo buộc vi phạm ở ngoài nước Mỹ. Theo đó, họ đã đồng ý trả khoản phạt 25 triệu USD cho Bộ Tư pháp và Ủy ban Giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) sau khi bị cáo buộc công ty con của họ ở Hungary đã vi phạm luật chống tham nhũng ở nước ngoài. Cụ thể, mảng kinh doanh của Microsoft ở Hungary bị cáo buộc đã cố tình giảm giá cho các đại lý và các nhà phân phối của họ trong suốt giai đoạn 2013-2015, sau đó sử dụng tỷ suất lợi nhuận thu được để hối lộ các quan chức chính phủ và tạo ra lợi nhuận biên cho Microsoft.
Theo CNET, các điều tra bổ sung của SEC cho thấy, công ty con của Microsoft ở Ả Rập Xê Út và Thái Lan cũng đã cung cấp các “gói du lịch và quà tặng không phù hợp” (nói cách khác là hối lộ) cho các quan chức và nhân viên của các tổ chức phi chính phủ ở đây. Trong khi chi nhánh ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng cung cấp “mức chiết khấu quá nhiều” cho bên thứ ba mà không cung cấp dịch vụ nào, dù các cơ quan quản lý Mỹ đã bỏ qua cáo buộc hối lộ.
Trong một thông báo gửi tới nhân viên, Chủ tịch Brad Smith của Microsoft cho biết, hãng đã sa thải các nhân viên vi phạm từ ba năm trước và cắt đứt quan hệ với bốn đại lý liên quan tới vụ việc. Ngoài ra, hãng đã cải thiện các nỗ lực chống tham nhũng của họ, bao gồm việc đưa ra các mức giá chiết khấu công khai ở lĩnh vực công và dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát các doanh số đáng ngờ. Cũng vì lý do này mà họ phải đối mặt với các vụ kiện từ các đại lý bị rút giấy phép, nhưng Microsoft cho biết họ giữ nguyên quan điểm trong việc cắt đứt mọi quan hệ với bất kỳ công ty nào liên quan tới hành vi “đi đêm” với các chi nhánh của họ.
Đây không phải là lần đầu một công ty công nghệ lớn của Mỹ dính vào các cáo buộc liên quan tới hối lộ ở châu Âu. Trước đó, các nhân viên HP từng bị buộc tội hối lộ các quan chức Nga để ký hợp đồng cung ứng máy tính cho chính phủ nước này vào năm 2012. Nhưng có thể nói đây vẫn là một sự việc hy hữu, gây đau đầu cho các công ty khi mà sự việc được xâu chuỗi và moi lên từ các rắc rối pháp lý ở quá khứ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.