Các tỉnh miền Bắc trời chuyển rét đêm và sáng, đợt rét này chỉ kéo dài vài ba ngày, nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi 14 - 16oC, vùng đồng bằng 17 - 20oC. Sau đó không khí lạnh sẽ suy yếu nhanh và di chuyển ra phía đông, nhiệt độ tăng dần. Gió đông đến đông nam đem hơi ẩm từ biển vào, vùng núi và ven biển phía đông có nơi sương mù xuất hiện khá nhiều.
Qua tuần sau, do các nhiễu động thời tiết trên cao, độ bất ổn định tăng nên thời tiết chuyển nhiều mây, trong hai ngày 18 - 19.3, mưa tăng dần và có nơi mưa khá lớn, vùng núi đề phòng giông mạnh kèm theo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc xoáy, sét, mưa đá và gió giật.
Miền Trung trời trở lạnh ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, chỉ có mưa trên diện hẹp. Từ Quảng Bình trở vào, thời tiết tương đối ổn định, trời se lạnh vào ban đêm, ngày nắng với cường độ trung bình nên thời tiết mát dễ chịu.
Các tỉnh miền Nam chịu tác động nhẹ của không khí lạnh khuếch tán xuống phía nam, và chủ yếu là ảnh hưởng bởi áp thấp nóng nên trong 4 - 5 ngày tới, thời tiết tiếp tục nắng nóng khá gay gắt với nhiệt độ cao nhất ở các tỉnh miền Đông 34 - 36oC, có nơi cao hơn. Miền Tây hầu hết từ 32 - 34oC, riêng vùng gần biên giới như Long An, An Giang và vùng giữa sông Tiền sông Hậu như Cần Thơ, Vĩnh Long có nơi xấp xỉ 35oC.
Cuối tuần sau, rãnh thấp xích đạo dịch chuyển lên phía bắc tạo điều kiện cho nhiễu động từ nam Biển Đông di chuyển vào gần, độ ẩm tăng dần nên nắng nóng và oi bức hơn, chiều tối có thể xuất hiện mưa rào và giông vài nơi ở bắc miền Đông, vùng ven biển Cà Mau và Kiên Giang. Các nơi khác tiếp tục khô hạn. Sau nắng nóng và khô hạn kéo dài, cần đề phòng khả năng xảy ra giông mạnh kèm theo sấm sét, lốc xoáy bất thường trong thời kỳ Xuân phân do cường độ bức xạ tăng mạnh.
Hiện nay, theo dự báo ENSO ngày 14.3, từ nay đến hết mùa hè (hết tháng 8.2019), hiện tượng El-Nino tiếp tục hoạt động với cường độ trung bình. Do vậy mùa khô còn kéo dài đến tháng 4, nửa cuối tháng 4 mới có sự chuyển mùa và mùa mưa đến muộn so với trung bình. Nắng nóng oi bức và hạn mặn còn tiếp diễn, tình hình nước bị nhiễm mặn, thiếu nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt sẽ nghiêm trọng hơn trong 1 - 2 tháng tới. Độ mặn tăng và xâm nhập sâu hơn trong đợt triều cường giữa tháng 2 âm lịch kết hợp với gió chướng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các vườn cây trái và vùng lúa ở ĐBSCL.
Đối với vùng nuôi thủy hải sản, theo dõi chặt chẽ diễn biến của độ mặn cũng như các cơn mưa giông trái mùa, đặc biệt là các ao tôm cá giống, nhằm giảm thiểu thiệt hại do mặn tăng giảm đột ngột bất thường.
Bình luận (0)